Thông tin kết quả nghiên cứu đề tài KHCN cấp bộ “Nghiên cứu đánh giá chuỗi giá trị sản phẩm cá chim vây vàng và cá bè vẫu tại khu vực Nam Trung Bộ”
Ngày 20/2/2025, Trường Đại học Nha Trang tổ chức đánh giá nghiệm thu cấp bộ đề tài KHCN cấp bộ “Nghiên cứu đánh giá chuỗi giá trị sản phẩm cá chim vây vàng và cá bè vẫu tại khu vực Nam Trung Bộ” do TS. Nguyễn Ngọc Duy - Giảng viên chính, Phó Trưởng khoa Kinh tế làm chủ nhiệm đề tài.
Đề tài đã hệ thống hóa các lý thuyết về chuỗi giá trị sản phẩm thủy sản, đặc biệt nhấn mạnh khái niệm phát triển bền vững trên ba khía cạnh: kinh tế, xã hội, và môi trường. Trên có sở đó đề tài xây dựng khung đánh giá chuỗi giá trị bền vững, áp dụng cho sản phẩm cá chim vây vàng và cá bè vẫu tại Nam Trung Bộ. Đánh giá tính bền vững về kinh tế của chuỗi giá trị thông qua đánh giá những đóng góp của chuỗi vào thu nhập cho các tác nhân liên quan. Đánh giá tính bền vững xã hội của các hoạt động chuỗi giá trị trên 6 trụ cột quan trọng: điều kiện làm việc; quyền tiếp cận tài nguyên biển, đất, nước; bình đẳng giới; an ninh lương thực và dinh dưỡng; vốn xã hội; và điều kiện sống. Đánh giá tính bền vững về môi trường của chuỗi giá trị trọng tâm đánh giá thiệt hại/ tổn thất tiềm ẩn (potential damage) đối với tài nguyên thiên nhiên (Natural Resources), chất lượng hệ sinh thái (Ecosystem Quality) và sức khỏe con người (Human Health) thông qua tiếp cận khung phân tích đánh giá vòng đời (Life cycle assessment - LCA).
Kết quả nghiên cứu của đề tài đã cung cấp một bức tranh toàn diện về thực trạng chuỗi giá trị sản phẩm cá chim vây vàng và cá bè vẫu tại Nam Trung Bộ, tập trung vào ba khía cạnh chính: kinh tế, xã hội, và môi trường. Từ đó, nghiên cứu cung cấp cơ sở khoa học và thực tiễn cho việc hoạch định các chính sách và giải pháp nhằm phát triển ngành nuôi trồng thủy sản trên biển theo hướng bền vững. Các giải pháp bao gồm phát triển công nghệ sản xuất bền vững, cải thiện liên kết giữa các tác nhân trong chuỗi, và tăng cường các chính sách hỗ trợ. Các giải pháp là nền tảng để đảm bảo lợi ích kinh tế đồng thời bảo vệ môi trường và nâng cao đời sống cộng đồng địa phương tại khu vực Nam Trung Bộ.
Đề tài đã hỗ trợ đào tạo 01 tiến sĩ, đóng góp nâng cao chất lượng đào tạo thông qua nghiên cứu khoa học nhằm nâng cao trình độ giảng viên và sinh viên; phục vụ tốt cho công tác đào tạo, là case study trong giảng dạy nhằm giúp người học nắm bắt thực tiễn hiệu quả hơn. Cách tiếp cận nghiên cứu của đề tài gợi mở hướng đi mới trong đào tạo thạc sĩ và tiến sĩ tại Trường Đại học Nha Trang.


