Profile CDSNTU2:
Họ tên: Trương Việt Minh (đội trưởng)
Quê quán: Ninh Phước - Ninh Thuận
Lớp: 58TH1
Họ tên: Nguyễn Tuấn Đạt
Quê quán: Ninh Hòa - Khánh Hòa
Lớp: 58CNTT1
Họ tên: Trần Trương Ngọc Sơn
Quê quán: Đắk Lắk
Lớp: 58CNTT1
Họ tên: Nguyễn Vinh Quang
Quê quán: Nha Trang - Khánh Hòa
Lớp: 58CNTT1
4 chàng trai với những tính cách khác nhau đến từ Khoa CNTT đã vượt qua rất nhiều thử thách suốt 2 tháng trời ròng rã tham gia Cuộc đua số lần thứ 3 – 2019 và thu được những thành quả ngọt ngào. Với thành tích nằm trong top 4 Chung kết, ngoài giải thưởng 10 triệu đồng từ BTC Cuộc đua số, các thành viên của đội CDSNTU2 sẽ được nhận thực tập và làm việc có lương tại Ban Công nghệ, Tập đoàn FPT trong thời gian ít nhất 3 tháng.
Chúng tôi đã có cuộc phỏng vấn với 4 thành viên đội CDSNTU2 sau khi trở về từ cuộc thi.
* Trước tiên, chúc mừng các em đã thi đấu thành công tại Cuộc đua số 2019 và đem về giải 3. Được biết đây là lần đầu tiên Trường ĐH Nha Trang có đội tham dự Cuộc đua số và đội các em đã đem về thành tích đầy ấn tượng đó là giải 3 chung cuộc. Vậy cảm xúc của các em khi có được kết quả này như thế nào?
Quang: Khi có được kết quả này thì mỗi người đội em có cảm xúc rất khác nhau. Có người thì cảm thấy vui vì lần đầu tiên tham gia mà đã đạt được kết quả tốt, có người cảm thấy đây là điều xứng đáng với công sức mình đã bỏ ra, còn có người thì cảm thấy nuối tiếc vì có ít thời gian để có thể đạt được kết quả cao hơn nữa.
CDSNTU2 tại đêm Chung kết Cuộc đua số 2019
* Đâu là lý do để các em quyết định tham gia Cuộc thi này?
Minh: Lý do chính của bọn em khi bắt đầu tham gia cuộc thi là muốn tìm hiểu thêm về lĩnh vực thiết bị nhúng và trí tuệ nhân tạo để xem bọn em có phù hợp với lĩnh vực này hay không, đồng thời thử sức mình trên 1 sân chơi lớn với các cao thủ đến từ các trường đại học trên cả nước.
Tham gia vòng thi trường
* Trong quá trình tham gia cuộc thi, các em chắc hẳn gặp không ít những khó khăn?
Minh: Là lần đầu tiên đội tham gia 1 cuộc thi lớn nên gặp phải rất nhiều vấn đề khó khăn, đôi lúc tưởng chừng muốn bỏ cuộc.
Khó khăn lớn nhất là về kiến thức chuyên môn, cuộc thi yêu cầu kiến thức về trí tuệ nhân tạo, lập trình trên các vấn đề đang được phát triển nên việc tìm kiếm hướng giải quyết và tài liệu cần thiết là cực kỳ khó. Đội đã phải chia nhau tìm hiểu từng vấn đề và tổng kết hướng đi, điều này khiến 1 số nghiên cứu của các thành viên không được dùng đến, gây mất thời gian và thậm chí gây tranh cãi trong nhóm.
Khó khăn lớn thứ 2 là thời gian, cuộc thi với thời gian chuẩn bị là rất ngắn theo ý đồ của ban tổ chức, cộng thêm việc học trên trường nên thời gian đầu nhóm luôn tranh thủ sau khi học xong chương trình trên lớp để làm việc, và trong tình trạng mệt mỏi càng khiến việc nghiên cứu không tốt như mong muốn. Sau khi vào đến vòng chung kết, nhóm đã được thầy cô trong khoa tạo điều kiện miễn giảm bài tập lớn - bài tập về nhà nên thời gian đã đỡ căng thẳng hơn.
Khó khăn thứ 3 là cơ sở vật chất, khoa đã cung cấp 1 phòng làm việc cho nhóm trong thời gian thi là phòng Mạng Máy Tính và Truyền Thông trên tầng 7 nhà Đa Năng, điều kiện ở đây rất tốt. Tuy nhiên để xe chạy được trên môi trường thực tế cần 1 khu vực rộng khoảng 200m2 để xây dựng sa hình gần với sa hình của cuộc thi nhất. Nhóm đã tìm thấy trên tầng 10 nhà Đa Năng 1 khu vực ưng ý. Ngoài khoản tiền hỗ trợ từ nhà trường, nhóm đã tự gom thêm tiền, trích tiền thưởng để có kinh phí để xây dựng 1 sa hình với giấy vệ sinh và đá, hộp giấy (làm chướng ngại vật), giá đỡ camera được làm từ lõi của cuộn giấy vệ sinh và lõi của tấm thảm trải sân.
Và còn nhiều khó khăn khác mà đội gặp phải, tuy nhiên các thành viên trong đội luôn nhận được sự quan tâm giúp đỡ của các thầy cô trong khoa, thầy Thọ luôn hỗ trợ đội thi hết mức có thể, cô Thúy trưởng khoa luôn đến động viên đội, và các thầy cô khác vẫn thường đưa ra góp ý và lời khuyên cho đội, đồng thời các thành viên trong đội cũng động viên nhau vượt qua những khó khăn này để có được kết quả tốt nhất mà đội có thể làm được.
Tự thiết kế và xây dựng sa hình
* Yếu tố quan trọng nhất để giành được giải thưởng này theo các em là gì?
Sơn: Yếu tố quan trọng nhất là sự đoàn kết và tinh thần tự học, tự nghiên cứu. Vì đây đều là những công nghệ mới nên việc tự học, tự nghiên cứu rất quan trọng và cũng cần sự đoàn kết giữa các thành viên để góp phần tạo ra được một sản phẩm hoàn thiện và ổn định nhất.
Sự đoàn kết, khả năng tự học, tự nghiên cứu đóng vai trò lớn để thành công
* Trước đây các em đã từng tham gia cuộc thi nào cùng nhau chưa?
Sơn: Đây là lần đầu tiên chúng em tham gia cuộc thi lớn như thế này và cũng là lần đầu mọi người tham gia chung với nhau.
* Lần thi này ngoài các đội từ các Trường trong nước còn có sự tham gia của các đội đến từ Anh và Nga, không biết là các em có cơ hội làm quen với các đội bạn không?
Đạt: Lần thi này là lần đầu tiên đội em tham gia và cũng là lần đầu tiên có sự góp mặt của 2 đội nước ngoài. Có thể nói đây là một thách thức không hề nhỏ đối với đội của em vì phải tranh đua giữa đội VN và cả đội quốc tế, nhất là đội Nga – đội đã có kinh nghiệm trong lĩnh vực IoT, Robotic, v.v. Và với tinh thần giao lưu, ham học hỏi, sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm thì tụi em có thể nói là đã làm quen được với đội Nga (vì đội đó ngồi bên cạnh đội em nên việc giao lưu cũng rất dễ dàng). Các bạn đội Nga rất hài hước và rất chịu khó dù khí hậu ở Hà Nội lúc này không dễ chịu như xứ lạnh mà các bạn đó thường ở.
Những người bạn mới đến từ Nga
* Vòng chung kết được diễn ra tại Hà Nội, vậy các em từng ra Hà Nội trước đây chưa? Trong thời gian thi đấu, các em có kỷ niệm vui gì không?
Minh: Đây là lần đầu tiên chúng em đặt chân tới Hà Nội. Rất tiếc vì đây là lần đầu tới nhưng chưa có dịp đi thăm quan Hà Nội vì tụi em luôn ở trên sân luyện tập 24/7 để có thể có một màn thi đấu tốt nhất.
Kỷ niệm vui nhất của bọn em là khi xe chạy thành công qua hầm, tuy nhiên lại không thể cua về bãi đỗ được nên hơi tiếc.
Thời khắc thi đấu căng thẳng
* Nếu năm sau Cuộc thi tổ chức lần thứ 4, các em có dự định tiếp tục thi đấu cùng nhau không?
Minh: Trước khi kết thúc cuộc thi mùa 3, đội em đã xác định sẽ tham gia mùa 4 vì thách thức năm sau khó hơn và rất thú vị. Đây cũng là cơ hội cuối cùng tụi em đồng hành cùng nhau khi còn học ở trường Đại học. Tụi em cũng hy vọng các khóa sau có dự định tham gia cuộc thi này vì đây là một cuộc thi bổ ích, không chỉ giúp các em nâng cao được khả năng lập trình của mình, mà còn giúp các em biết được những kiến thức mới, có cơ hội tiếp cận được với những bài toán thực tế. Vì tụi em đã tham gia trước nên việc các em khóa sau tiếp cận với cuộc thi này cũng sẽ dễ dàng hơn.
Thành quả sau 02 tháng nỗ lực
* Dự định sắp tới của các em sau cuộc thi này?
Quang: Hiện bọn em đang hoàn thành chương trình học trong học kỳ này và bắt đầu thi cuối kỳ vào đầu tháng 7. Bọn em sẽ tham dự 1 lớp học lập trình xe tự hành của Đại Học trực tuyến Funix cũng vào đầu tháng 7, đồng thời tổng kết và lên kế hoạch cho cuộc thi vào năm sau.
* Năm nay là kỷ niệm 60 năm ngày truyền thống của Trường ĐH Nha Trang và các em đã đem về 1 giải thưởng cũng rất đáng tự hào cho Nhà trường, vậy các em có suy nghĩ như thế nào về điều này?
Quang: Trường Đại Học Nha Trang bọn em là một trường đại học lâu đời và giàu truyền thống. Chính vì lẽ đó mà nhân dịp lễ kỷ niệm 60 năm ngày truyền thống của Trường (01/08/1959 – 01/08/2019), bọn em rất vui mừng khi đã đem về cho trường một giải thưởng nho nhỏ góp phần vào thành tích chung của trường, đồng thời mong muốn truyền lại ngọn lửa đam mê của mình cho các bạn sinh viên khóa sau để trường ĐH Nha Trang nói chung và khoa CNTT của trường nói riêng có thể phát triển và đạt được những thành tích tốt hơn nữa.
Cảm ơn các em đã tham gia buổi phỏng vấn ngày hôm nay. Chúc các em thành công hơn nữa trong học tập và các dự định sắp tới!
Phòng Hợp tác Đối ngoại
Ảnh: Phòng HTĐN, Khoa CNTT