Với 3.200 km bờ biển, 112 cửa sông, 660.000 ha bãi triều và 2.200 loài đã được xác định, Việt Nam có tiềm năng lợi thế rất lớn trong phát triển nuôi nhuyễn thể. Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, nhuyễn thể được xác định là một trong những ngành hàng hải sản chủ lực bởi giá trị kinh tế và tiềm năng phát triển. Các đối tượng nuôi chủ yếu là: nghêu (ngao), tu hài, ốc hương, trai ngọc, điệp, bào ngư, hàu… Các tỉnh nuôi nhuyễn thể chủ lực là Hải Phòng, Thái Bình, Nam Định, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Bến Tre, Cà Mau, Tiền Giang, Bạc Liêu, Trà Vinh, Sóc Trăng, Tp. Hồ Chí Minh. Năm 2021, tổng diện tích nuôi nhuyễn thể trên cả nước đạt 35.570 ha, sản lượng đạt 471.669 tấn, tổng kim ngạch xuất khẩu hơn 125 triệu USD; trong đó diện tích nuôi nghêu là 15.720 ha, sản lượng đạt 190.000 tấn tương ứng với kim ngạch xuất khẩu đạt 107 triệu USD. Hiện nay, Việt Nam là quốc gia đầu tiên trên thế giới có 3 vùng nuôi nghêu được cấp chứng nhận ASC (Aquaculture Stewardship Council) là Trà Vinh, Nam Định và Ninh Bình, cùng với chứng nhận MSC (Marine Stewardship Council) đã được cấp trước đây thì mặt hàng nhuyễn thể của Việt Nam đã xuất khẩu sang 67 thị trường trên thế giới, trong đó có các thị trường khó tính như: Mỹ, EU, Nhật Bản, Singapore, Malaysia...
Nghề nuôi nhuyễn thể đã góp phần quan trọng trong phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập cho người dân các vùng ven biển. Tuy nhiên, bên cạnh những cơ hội thì nghề nuôi nhuyễn thể đang đối mặt với nhiều khó khăn như nguồn lợi suy giảm, chất lượng con giống không ổn định, tác động của ô nhiễm môi trường và biến đổi khí hậu. Do đó, việc đẩy mạnh các nghiên cứu về sản xuất giống, nuôi thương phẩm động vật thân mềm là một trong những giải pháp thiết thực để phát triển nghề nuôi trong điều kiện môi trường có nhiều biến động do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu hiện nay.
Trong khoảng 10 năm gần đây, các giảng viên của Viện NTTS, Trường Đại học Nha Trang đã thực hiện nhiều đề tài nghiên cứu các cấp từ các nội dung nghiên cứu cơ bản như đặc điểm sinh học sinh sản cho đến xây dựng quy trình sản xuất giống nuôi, thương phẩm và bảo tồn gen các đối tượng nhuyễn thể có giá trị kinh tế cao và đặc hữu ở một số địa phương trong cả nước.
Tại Quảng Ninh, nhóm giảng viên của Viện NTTS đã thực hiện 02 đề tài khoa học công nghệ cấp Tỉnh về đối tượng phân bố đặc hữu có giá trị kinh tế cao là ốc đĩa (Nerita balteata).
- Đề tài: “Nghiên cứu một số đặc điểm sinh học và khả năng sản xuất giống nhân tạo ốc đĩa (Nerita balteata Reeve, 1855) tại Quảng Ninh” thực hiện năm 2012 – 2013 đã xác định được một số đặc điểm sinh học sinh sản cơ bản của ốc đĩa và bước đầu sản xuất thành công giống nhân tạo ốc đĩa tại Quảng Ninh.
- Đề tài: “Bảo tồn nguồn gen ốc đĩa (Nerita balteata Reeve, 1855) tại Quảng Ninh”, thực hiện năm 2018 – 2020 đã xây dựng được quy trình sản xuất giống nhân tạo và nuôi thương phẩm ốc đĩa tại Quảng Ninh; Đặc biệt, kết quả của đề tài đã xây dựng được khu vực lưu giữ bảo tồn nguồn gen ốc đĩa theo hình thức bảo tồn nguyên vị có diện tích 2 ha tại Vườn Quốc gia Bái Tử Long tại Huyện Vân Đồn, Tỉnh Quảng Ninh.
- Cũng tại Quảng Ninh, Viện NTTS là đơn vị chủ trì chuyển giao công nghệ Sản xuất giống nhân tạo và nuôi thương phẩm sò huyết (Anadara granosa) cho Công ty TNHH Ngọc Khánh VT tại Thành phố Móng Cái, thuộc dự án Hỗ trợ ứng dụng, chuyển giao tiến bộ khoa học và công nghệ thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội nông thôn, miền núi, vùng dân tộc thiểu số giai đoạn 2016-2025 (Dự án Nông thôn miền núi) thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ. Dự án thực hiện trong giai đoạn 2021 – 2023, với mục tiêu chuyển giao, tiếp nhận và nhân rộng công nghệ sản xuất giống và nuôi thương phẩm sò huyết tại các địa bàn ven biển thuộc Tp. Móng Cái, Tỉnh Quảng Ninh.
Tại tỉnh Kiên Giang, Trường Đại học Nha Trang là đơn vị chủ trì thực hiện đề tài KHCN cấp tỉnh: Nghiên cứu hoàn thiện quy trình sản xuất giống nhân tạo và nuôi thương phẩm nghêu lụa (Paphia undulata Born, 1778) tại Kiên Giang. Đề tài thực hiện trong 30 tháng, từ tháng 10/2017 tới tháng 12 năm 2020. Kết quả nghiên cứu của đề tài đã xây dựng hoàn thiện quy trình kỹ thuật sản xuất giống nhân tạo nghêu lụa và xây dựng được quy trình kỹ thuật nuôi thương phẩm nghêu lụa trong ao đất và ngoài bãi triều phù hợp với điều kiện của tỉnh Kiên Giang.
Tại Khánh Hòa, từ năm 2017, các giảng viên của Viện NTTS đã liên tiếp thực hiện 02 đề tài KHCN cấp tỉnh trên đối tượng ốc nhảy, với nội dung nghiên cứu xây dựng quy trình sản xuất giống nhân tạo (2017 – 2019) và nuôi thương phẩm ốc nhảy (01/2021 – 06/2023). Kết quả của đề tài đã xây dựng thành công quy trình sản xuất giống nhân tạo và nuôi thương phẩm ốc nhảy phù hợp với điều kiện tự nhiên của Khánh Hòa; góp phần hình thành và phát triển nghề sản xuất giống và nuôi thương phẩm ốc nhảy tại địa phương.
Mặc dù nước ta có nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển nghề sản xuất giống và nuôi nhuyễn thể, tuy nhiên hiện trạng phát triển chưa tương xứng với tiềm năng và lợi thế sẵn có; do đó, việc đẩy mạnh nghiên cứu sản xuất giống chất lượng cao, xây dựng quy trình nuôi hiệu quả, vùng nuôi an toàn vệ sinh thực phẩm, đảm bảo truy xuất nguồn gốc, liên kết sản xuất theo chuỗi để giảm khâu trung gian, giảm giá thành sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm là những giải pháp quan trọng để phát triển ngành nhuyễn thể bền vững.
Bài viết: TS. Vũ Trọng Đại
Viện Nuôi trồng Thủy sản
Một số hình ảnh