Hội thảo quốc tế “Phòng ngừa, tái chế rác thải ngư cụ tại vùng biển Việt Nam - REVFIN”
Từ ngày 15 đến ngày 17/01/2024, đoàn công tác của Trường ĐH Nha Trang đã tham dự Hội thảo quốc tế “Phòng ngừa, tái chế rác thải ngư cụ tại vùng biển Việt Nam - REVFIN” diễn ra tại Trường ĐH Hạ Long.
Hội thảo được tổ chức trong khuôn khổ dự án “Phòng chống, giảm thiểu và tái chế rác thải ngư cụ tại các vùng biển Việt Nam” (REVFIN) do Bộ Môi trường, bảo tồn tài nguyên, an ninh nguyên tử và bảo vệ người tiêu dùng của Cộng hòa Liên bang Đức tài trợ. Dự án do Trường Osfalia (CHLB Đức) phối hợp với Trường Đại học Nha Trang và 25 đối tác tại Việt Nam thực hiện. Đoàn công tác của Trường ĐH Nha Trang tham dự hội thảo có PGS.TS Phạm Quốc Hùng – Phó Hiệu trưởng Nhà trường cùng đại diện các đơn vị liên quan.
Tại hội thảo, các đại biểu đã cùng tập trung phân tích đánh giá hiện trạng rác thải ngư cụ trên vùng biển Việt Nam thông qua kết quả khảo sát do các thành viên của dự án thực hiện trong năm 2023 tại một số vùng biển tiêu biểu của Việt Nam như: Quảng Ninh, Hải Phòng, Khánh Hòa và Kiên Giang. Đồng thời xác định và đánh giá các phương pháp tái chế chất thải thủy sản nhằm giảm ô nhiễm đại dương. Trên cơ sở đó đưa ra các kế hoạch, giải pháp cần thiết để dự án tiếp tục được phát huy trong thời gian tới và đạt được mục tiêu đặt ra, góp phần tích cực trong việc bảo vệ môi trường biển của Việt Nam nói chung, của tỉnh Quảng Ninh nói riêng.
Dự án REVFIN tập trung giải quyết vấn đề lưới thải ngư cụ ở các vùng biển của Việt Nam nhằm giảm lượng lưới đánh cá không được sử dụng đến, bị mất hoặc bị loại bỏ, nâng cao nhận thức để tránh tổn thất ngư cụ cho các doanh nghiệp/ ngư dân và cơ quan quản lý nghề cá cũng như toàn xã hội Việt Nam nói chung. Dự án hướng đến giảm tác động môi trường và tạo ra thị trường cho nguyên liệu thô tái chế từ các nguồn này nhằm tạo ra chuỗi giá trị khép kín. Tại các trường đại học thành viên của dự án REVFIN (gồm: Trường ĐH Nha Trang; Trường ĐH Hạ Long; Trường ĐH Kiên Giang), các hoạt động nâng cao năng lực, kiến thức cho giảng viên và sinh viên về lĩnh vực giảm thiểu và tái chế rác thải sẽ được chú trọng thực hiện. Điều này sẽ giúp tăng cường khả năng thiết kế chương trình giảng dạy hiện đại, định hướng môi trường; thu hút sự quan tâm và tạo ra một nơi để các doanh nghiệp từ ngành nhựa Việt Nam với khoảng 2.000 doanh nghiệp có thể nhận được sự giúp đỡ để phát triển vật liệu tái chế và sản phẩm mới. Cơ hội này sẽ nâng cao năng lực đổi mới sáng tạo của các doanh nghiệp Việt Nam để giảm rác thải ra biển. Cùng với đó, các khóa học tích hợp với truyền thông khoa học trong khuôn khổ dự án cũng sẽ là cơ hội để các trường đại học thực hiện tốt sứ mệnh lan tỏa kiến thức và sự đổi mới đến xã hội.
Một số hình ảnh