Từ việc thực hiện các đề tài NCKH được nhà trường hỗ trợ kinh phí, nhiều kết quả nghiên cứu khoa học của sinh viên đã được chấp nhận báo cáo tại các hội nghị, hội thảo chuyên ngành ở tầm quốc gia như: hội nghị Công nghệ Sinh học toàn quốc, Hội nghị Nấm học toàn quốc, Hội nghị khoa học trẻ ngành Thủy sản toàn quốc; Hội thảo về Bảo vệ và quản lý môi trường đới bờ. Dự kiến, Viện sẽ có 6 đề tài NCKH dự kiến tham dự Hội nghị sinh viên Nghiên cứu khoa học Trường ĐH Nha Trang năm học 2022 – 2023.
Bên cạnh các đề tài nghiên cứu cơ bản, một số đề tài của sinh viên có tính ứng dụng và gắn với thực tế. Cụ thể đề tài “Khảo sát tình hình sử dụng và ô nhiễm nước ngầm tại một số vùng ven thành phố Nha Trang” do nhóm sinh viên khóa 60 & 62 ngành Kỹ thuật môi trường thực hiện từ đã trực tiếp khảo sát 360 hộ gia đình và lấy mẫu nước ngầm để phân tích tại 3 xã ngoại thành Nha Trang, gồm: Vĩnh Thạnh, Vĩnh Ngọc, Vĩnh Hiệp. Qua khảo sát cho thấy: Tất cả các hộ được khảo sát đều khai thác nước ngầm ở tầng mặt. Độ pH của nước ngầm đạt chuẩn song nồng độ sắt cao vào mùa mưa, ô nhiễm nitrat vào mùa khô và độ cứng tổng số rất cao. Kết quả bước đầu của đề tài cũng là cơ sở cho công tác quản lý và khai thác sử dụng hợp lý nguồn nước dưới đất trong khu vực.
Sinh viên Viện CNSH & MT thực hiện đề tài khảo sát nước ngầm.
Hoặc đề tài của sinh viên Lê Mai Nhả - 61CNSH nghiên cứu về vi khuẩn Vibrio parahaemolytic mang gen độc pirAB gây bệnh hoại tử gan tụy cấp tính AHPND trên tôm, bệnh này đang được xem là mối nguy hại lớn cho nghề nuôi tôm công nghiệp ở khu vực Đông Nam Á nói chung và Việt Nam nói riêng. Đề tài cũng đã xác định khả năng kháng kháng sinh của các chủng vi khuẩn này, từ đó đưa ra khuyến cáo về sử dụng thuốc kháng sinh cho các hộ nuôi tôm trong khu vực tỉnh Khánh Hòa. Tiếp nối kết quả nghiên cứu trên, sinh viên Lê Xuân Phong - K62.CNSH đã tuyển chọn được chủng xạ khuẩn có khả năng kháng các chủng vi khuẩn Vibrio parahaemolyticus có chứa gene độc tố pirABvp. Kết quả nghiên cứu của đề tài có tiềm năng ứng dụng làm men vi sinh phòng ngừa bệnh gan tụy cho tôm.
Đề tài của sinh viên Huỳnh Thị Ngọc Ánh - K61.CNSH đã xây dựng được bộ dữ liệu về quá trình hình thành và phát triển của xương ốc tai của cá khoang cổ Đỏ Amphiprion frenatus. Đây là vật liệu quan trọng phục vụ cho công tác giảng dạy và thực hành. Đồng thời đây là dữ liệu này có ý nghĩa trong việc ước tính tỷ lệ tăng trưởng của cá, xác định độ tuổi, phân bố và cấu trúc quần thể của cá khoang cổ trong tự nhiên, cũng như các loài cá rạn san hô khác ở giai đoạn phát triển sớm.
Để có được những điểm sáng đó, Viện CNSH&MT đã thực hiện nhiều hoạt động đẩy mạnh phong trào NCKH trong sinh viên. Trong chương trình học, môn Phương pháp NCKH giúp các em tiếp cận với NCKH. Môn học này được thiết kế hoạt động theo nhóm và chủ đề nghiên cứu do sinh viên đề xuất, từ đó áp dụng kiến thức được học để có thể tìm kiếm thông tin hỗ trợ cho ý tưởng nghiên cứu, xây dựng nội dung nghiên cứu và lên kế hoạch nghiên cứu. Thuyết minh của đề tài NCKH sinh viên là 1 trong những sản phẩm sinh viên cần hoàn thiện để đáp ứng chuẩn đầu ra của môn học.
Hằng năm, CLB sinh viên của Viện tổ chức các khóa ngắn hạn về kĩ năng viết thuyết minh đề tài NCKH: từ đây SV sẽ có cơ hội đưa ý tưởng của mình thành đề xuất, và các giáo viên sẽ hướng dẫn các bước chính để phát triển thành đề xuất hoàn thiện. Các khóa ngắn hạn khác cũng được triển khai nhằm cung cấp những kiến thức và kĩ năng cơ bản giúp các em thuận lợi hơn trong quá trình viết báo cáo khoa học như khóa học về xử lý thống kê, vẽ đồ thị và hướng dẫn phần mềm trích dẫn tài liệu tham khảo (Mendeley, Endnote) dựa trên chính số liệu nghiên cứu thực nghiệm của sinh viên. Ngoài ra, khi các em nộp đề xuất cho Viện sẽ được các giáo viên góp ý theo nhiều cấp như từ cấp Bộ môn đến cấp Viện để các em có thể hoàn thiện thuyết minh một cách tốt nhất trước khi nộp lên cấp Trường xét duyệt.
Các giáo viên cố vấn thường xuyên giới thiệu đến sinh viên các nhóm nghiên cứu và các hướng nghiên cứu của các thầy cô trong Viện, đồng thời khuyến khích các em lên phòng thí nghiệm để rèn luyện và nâng cao kỹ năng thực hành, giúp các em hiểu hơn về công việc thực tế trong phòng thí nghiệm bên cạnh lý thuyết các em đã học trên lớp. Bên cạnh đó, Viện CNSH & MT cũng thường xuyên tổ chức các buổi sinh hoạt học thuật chia sẻ kết quả nghiên cứu của các nhóm và chia sẻ kinh nghiệm của các chuyên gia trong và ngoài nước, nhằm giúp các em thắp nên ngọn lửa đam mê nghiên cứu khoa học.
Ngoài ra, sinh viên còn được kết nối tham gia cùng với giảng viên làm cộng tác viên hoặc thực tập sinh ở các dự án về môi trường như: Bảo tồn rừng ngập mặn (2023), GYL22 (2023), Zero waste (Phú Yên-2022), Giám sát rác thải nhựa biển (2019-2021), Compose (2019). Các hoạt động đa dạng với nhiều đơn vị và mục tiêu khác nhau giúp sinh viên có cơ hội học hỏi và tích lũy thêm nhiều kỹ năng để tự tin hơn khi lên kế hoạch và thực hiện các đề tài nghiên cứu khoa học của bản thân.
Bản thân sinh viên khi tiến hành NCKH cũng gặp không ít khó khăn, đặc biệt là phân bổ thời gian hợp lý để làm thí nghiệm khi lịch học thực hành và lý thuyết kín cả tuần. Vì vậy, sinh viên không thể sắp xếp thời gian làm thí nghiệm trong tuần, trong khi một số máy móc hạn chế sử dụng ngày cuối tuần. Mặc khác, một số máy móc thiết bị vẫn còn thiếu hoặc hư hỏng nhưng không được sửa chữa kịp thời, chưa đáp ứng được tình hình nghiên cứu hiện tại. Một khó khăn không nhỏ nữa của sinh viên NCKH là quá nhiều các bước thủ tục hồ sơ ban đầu và các thủ tục ứng tiền gây khó khăn trong thực hiện đề tài đúng tiến độ; đồng thời việc thanh quyết toán về tài chính của đề tài khá kéo dài (ngay cả sau khi đã nghiệm thu) gây khó khăn tài chính cho sinh viên.
Để giúp sinh viên khắc phục những khó khăn, các thầy/cô trong Viện luôn đồng hành cùng sinh viên từ bước hỗ trợ các em trong các hoạt động ban đầu như việc hoàn thiện ý tưởng, thiết kế thí nghiệm, lập kế hoạch và từng bước thực hiện các hoạt động nghiên cứu của mình, hỗ trợ các thủ tục tục liên quan đến tài chính và giúp các em liên hệ các trang thiết bị chuyên dụng. Các thầy cô thường xuyên hỏi thăm để hiểu những khó khăn và động viên, cùng giải quyết các vướng mắc cho sinh viên trong quá trình làm thí nghiệm, đôi khi còn ứng trước tiền cho sinh viên mua hóa chất làm thí nghiệm trước cho kịp tiến độ của đề tài. Đồng thời, thầy cô chia sẻ các thông tin mới về nghiên cứu, các hội nghị khoa học liên quan đến đề tài để sinh viên có thể tham gia và học hỏi thêm.
Tin bài + ảnh: Viện CNSH & MT.