Bầu trời tháng 8 thật trong xanh, những đám mây nhẹ trôi về phía cuối chân trời, nhường chỗ cho cái nắng vàng nhè nhẹ còn vương trên góc sân trường. Không phải là màu đỏ rực rỡ của cành phượng vĩ cũng không phải là màu tím mơ màng của cánh bằng lăng, hay tiếng ve kêu râm ran suốt mùa hè, mà là mùa thu tháng 8 – mùa lá bàng rơi. Tạm biệt mùa hè xa vắng, những con gió heo may của mùa thu ùa về - một mùa tựu trường nữa lại đến.
Thời gian trôi nhanh như thoi đưa, thấm thoát đã hai năm trôi qua và tôi đã sắp trở thành cô sinh viên năm 3. Tôi sinh ra và lớn lên ở một vùng nông thôn thơm mùa lúa chín. Ngày tôi nhận giấy báo trúng tuyển vào Trường Đại học Nha Trang là ngày tôi biết rằng mình phải xa nơi này, rời xa gia đình để bắt đầu một cuộc sống mới.
Nha Trang chào đón tôi bằng không khí mát lành đượm mùi gió biển, bằng những tia nắng vàng ghé mình nơi góc sân trường, những chú chim ríu rít trên vòm lá xanh. Tất cả các anh chị sinh viên đội tình nguyện rất nhiệt tình hướng dẫn các bạn sinh viên mới làm thủ tục nhập học. Trong khi tôi đang loay hoay, lo lắng tìm chỗ ở thì các anh chị khuyên tôi nên ở ký túc xá một lần trong đời để biết “mùi” sinh viên, lại vừa tiết kiệm được chi phí. Thế rồi tôi quyết định chọn Ký túc xá K8 làm “ngôi nhà thứ 2” của mình, lòng tràn ngập những cảm xúc nôn nao, bỡ ngỡ của cô sinh viên năm nhất.
Buổi sáng sớm đầu tiên thức dậy ở Ký túc xá thật khác lạ. Không chỉ khác ở tiết trời mà còn khác cả ở lòng người. Khác hẳn với buổi sáng đầy hơi sương, tiếng gà kêu mỗi buổi sáng bình dị ở quê nhà, nó là màu xanh ngập tràn của cây lá, của tiếng chổi quét của các cô lao công, tiếng xe chạy tấp nập ngoài đường phố và tiếng nhạc rộn ràng của quán cà phê gần trường. Người đầu tiên gặp không phải là ba cũng không phải là mẹ mà là những đứa bạn ở chung phòng, những người cùng xa quê để đi học. Những ngày đầu ở Ký túc xá, tôi khá rụt rè và bỡ ngỡ, đôi lúc thấy cô đơn và trống trải vì sống trong một môi trường vô cùng mới mẻ. Chính lúc đó, tôi cảm nhận được sự quan tâm, thân thiện và dễ thương của những người bạn chung phòng.
Bạn cùng phòng tôi đến từ rất nhiều nơi, có những bạn ở Phú Yên, Đăk Lăk,.. cũng có những bạn ở miền Bắc xa xôi tận Thái Bình, Thanh Hóa… Chúng tôi khác nhau giọng nói địa phương, cách ăn uống, sinh hoạt, cả những thói quen, tính cách, thế nhưng tất cả những khác biệt đó không tạo ra khoảng cách, mà trái lại như một cơ duyên để những con người xa lạ bỗng trở nên thân quen. Từ đó, tôi thấy vui vẻ hơn, mở lòng để cảm nhận cuộc sống mới với những vẻ đẹp xung quanh mình. Tôi bắt đầu tự lập, mạnh mẽ và tự tin hơn.
Có những lần áp lực việc học, những lúc gặp chuyện không vui ở chỗ làm thêm hay có những hôm mưa buồn mà chạnh lòng nhớ nhà, nhớ quê, tôi vẫn còn đó những lời hỏi thăm, an ủi, động viên nhau vượt qua những khó khăn của bạn bè. Những hôm trở trời đau ốm, không còn là bát cháo hành nóng hổi mẹ nấu mà mà là sự ân cần trong từng gói thuốc, bát cháo mua vội ở quán ăn chạy về trường của những đứa bạn chung phòng. Cuộc sống nơi đây là những buổi sáng sớm rủ cả phòng cùng dậy sớm đi tắm biển, những đêm thức khuya ôn bài cùng nhau hay những lần ăn mì có tổ chức vì cuối tháng đứa nào cũng hết tiền. Nơi đây cũng chính là sợi dây tơ hồng kết nối những trái tim với những năm tháng sinh viên đầy nhiệt huyết và tuổi trẻ; nào là ca hát, là đàn ghi- ta, tiếng sáo du dương vào mỗi buổi chiều tối như gửi gắm những lời gió mây cho ai đó; là những buổi chuyện trò dưới hàng ghế đá ở khu tự học, có tiếng gọi đợi chờ nhau đi học, còn hòa lẫn chút vội vàng của buổi sáng Chủ nhật ngủ dậy trễ chạy xuống căn tin mua gói mì, cái bánh, hay những lần cả phòng nháo nhào dọn dẹp phòng khi chỉ vừa nghe tiếng cô quản túc nhắc nhở ở đằng xa. Đến mùa World Cup, cả khu Ký túc xa bỗng sôi động, cuồng nhiệt hẳn lên, chúng tôi cùng nhau hò hét khản cổ cùng những trận đá bóng ở màn hình tivi ngay tại căn tin.
Tôi và các bạn chung phòng vẫn hay gọi điện thoại về nhà, rồi ngồi quây quần bên nhau kể chuyện quê hương. Mỗi lần đứa nào về quê thì cả phòng bỗng ngập tràn đồ ăn toàn những món quà cây nhà lá vườn, dẫn dần khoảng cách giữa chúng tôi ngắn lại.
Tám con người tám tính cách sẽ không tránh khỏi những lần xích mích. Có những lúc giận nhau lắm, ấy vậy mà vài ba ngày sau lại nói chuyện rôm rả như chưa hề có chuyện gì xảy ra. Mỗi lần đến sinh nhật, chúng tôi góp tiền với nhau tổ chức một bữa tiệc náo nhiệt cả khu Ký túc xá. Chúng tôi cười nói, hò hát tưng bừng đến 12h đêm, kết quả là bị nhắc nhở. Ấy vậy mà khi tắt điện rồi, chúng tôi mỗi đứa một giường vẫn luyên thuyên nói chuyện tới khuya mới chịu ngủ.
Ký túc xá bỗng trở thành “gia đình chung thứ 2” là nơi sinh hoạt chung mỗi ngày, là nơi trở về sau mỗi tiết học trên lớp, là nơi sáng đèn cùng nhau những mùa thi vất vả. Yêu lắm những ngày được sống chung như những người chị, người em trong gia đình, cùng trải qua những ngày tháng vui buồn tâm sự, họ đã dạy tôi cách sống tự lập, cách trải qua những khó khăn vấp ngã đầu đời.
Năm tháng dần trôi, thời gian có thể làm phai nhòa đi tất cả nhưng những cảm xúc đẹp đẽ sẽ còn mãi. Rồi mai đây khi trưởng thành, chúng ta sẽ trân quý biết bao những phút giây của tuổi trẻ nơi mái trường. Bữa tiệc nào cũng có kết thúc, gặp gỡ nào rồi cũng sẽ phải chia xa nhưng ký ức của tôi thì sẽ mãi ở lại nơi ấy - Ký túc xá - Nơi chạm đến trái tim.
Bài viết: Nguyễn Thị Thu Hà