1. Lịch sử ngày Nhà giáo Việt Nam:
Tháng 01/1946, một tổ chức quốc tế các nhà giáo tiến bộ được thành lập ở Paris (thủ đô nước Pháp) lấy tên là FISE (Féderation International Syndicale des Enseignants - Liên hiệp quốc tế các Công đoàn Giáo dục).
Năm 1949, tại Hội nghị quốc tế Vacsava (Varsovie - Thủ đô của Ba Lan) tổ chức FISE xây dựng một bản "Hiến chương các nhà giáo" gồm 15 chương. Nội dung chủ yếu là đấu tranh chống nền giáo dục tư sản, phong kiến; xây dựng nền giáo dục tiến bộ; bảo vệ những quyền lợi vật chất và tinh thần chính đáng của nghề dạy học và nhà giáo.
Trong những năm kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, Công đoàn Giáo dục Việt Nam đã liên hệ với FISE với mục đích tranh thủ các diễn đàn quốc tế, tố cáo âm mưu tội ác của bọn đế quốc xâm lược đối với nhân dân ta cũng như đối với giáo viên và học sinh. Đồng thời, giới thiệu những thành tích của nền giáo dục cách mạng, tranh thủ sự đồng tình ủng hộ của toàn thể giáo viên trên thế giới đối với cuộc kháng chiến chính nghĩa của nhân dân ta.
Mùa xuân năm 1953, Đoàn Việt Nam do Thứ trưởng Bộ Quốc gia Giáo dục Nguyễn Khánh Toàn làm trưởng đoàn dự Hội nghị quan trọng kết nạp Công đoàn giáo dục của một số nước vào tổ chức FISE tại Viên (Thủ đô nước Áo), trong đó có Công đoàn Giáo dục Việt Nam. Chỉ một thời gian ngắn sau khi thành lập (22/7/1951), Công đoàn giáo dục Việt Nam đã được kết nạp là một thành viên của FISE.
Từ ngày 26 đến 30/8/1957, tại Thủ đô Vacsava, Hội nghị FISE có 57 nước tham dự, trong đó có Công đoàn giáo dục Việt Nam, quyết định lấy ngày 20 tháng 11 làm ngày Quốc tế Hiến chương các nhà giáo.
Lần đầu tiên ngày "Quốc tế Hiến chương các nhà giáo" được tổ chức trên toàn miền Bắc nước ta vào ngày 20/11/1958. Những năm sau đó, ngày lễ 20/11 còn được tổ chức tại các vùng giải phóng ở miền Nam.
Hàng năm, kỷ niệm lịch sử ngày 20/11, cơ quan tiểu ban giáo dục thường xuất bản, phát hành một số tập san đặc biệt để cổ vũ tinh thần đấu tranh của giáo viên trong vùng tạm chiếm nói riêng, động viên tinh thần chịu đựng gian khổ hy sinh của anh chị em giáo viên kháng chiến nói chung.
Theo đề nghị của ngành Giáo dục, ngày 28/9/1982 Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ) đã ban hành Quyết định số 167- HĐBT về ngày Nhà giáo Việt Nam. Trong đó có điều khoản quy định, lấy ngày 20/11 là ngày Nhà giáo Việt Nam.
Ngày 20/11/1982, lễ kỷ niệm ngày Nhà giáo Việt Nam đầu tiên được tiến hành trọng thể trong cả nước. Kể từ đó đến nay, ngày 20/11 được coi là ngày truyền thống của ngành giáo dục để tôn vinh những người làm công tác trồng người.
2. Ý nghĩa:
Ngày 20/11 là dịp để các thế hệ học trò bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc với những người thầy, để mọi ngành, mọi nghề và toàn xã hội chia sẻ niềm vui, tri ân tới những người đã góp công sức và tâm huyết cho sự nghiệp trồng người cao cả, góp phần xây dựng đất nước phồn vinh, hạnh phúc.
Nhìn lại một chặng đường 59 năm xây dựng và phát triển, mỗi chúng ta không khỏi cảm phục và tự hào trước những cống hiến của bao thế hệ thầy giáo, cô giáo và HSSV, đã nối tiếp viết nên những trang sử vẻ vang của Nhà trường. Với những thành tích đặc biệt xuất sắc trong lĩnh vực đào tạo, nghiên cứu khoa học, tư vấn và chuyển giao công nghệ, phát triển đội ngũ, xây dựng cơ sở vật chất… qua khắp các chặng đường phát triển, năm 2006 Nhà trường đã vinh dự được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng lao động trong thời kỳ đổi mới, và nhiều danh hiệu cao quý khác của Đảng và Nhà nước - đó là những minh chứng cho sự nỗ lực cố gắng và cống hiến của các thế hệ thầy và trò Nhà trường trong suốt 59 năm qua.
Tiếp nối truyền thống của các thế hệ nhà giáo đi trước, toàn thể CBVC-LĐ hôm nay rất đỗi tự hào về sự phát triển của Nhà trường và không ngừng ra sức thi đua lập thành tích vì sự nghiệp trồng cây, trồng người. Kỷ niệm 36 năm ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11, cũng là dịp để Nhà trường ôn lại truyền thống ngày Nhà giáo Việt Nam và vinh danh các nhà giáo được Nhà nước công nhận chức danh Giáo sư, Phó Giáo sư, đồng thời khen thưởng đối với các tập thể, cá nhân đã có nhiều thành tích xuất sắc trong lao động và giảng dạy. Nhân dịp này Công Đoàn Trường đã tổ chức hội thao chào mừng sự kiện này. Đồng thời ở Đoàn Trường và Chi đoàn các khoa cũng tổ chức các chương trình chào mừng ngày Nhà giáo Việt Nam như bóng đá, văn nghệ.… điều đó càng tô thắm thêm truyền thống vẻ vang của nhà trường, của các thế hệ thầy giáo, cô giáo, góp phần đưa Nhà trường ngày càng phát triển bền vững./.