Sau 30 năm chiến đấu gian khổ và anh dũng chống bọn đế quốc xâm lược, mùa Xuân 1975, quân và dân ta đã phát động cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mà đỉnh cao là chiến dịch Hồ Chí Minh, lập nên chiến công hiển hách nhất trong bốn nghìn năm lịch sử, tiêu diệt và làm tan rã ngụy quân, đánh đổ ngụy quyền, xóa bỏ chế độ thực dân mới của đế quốc Mỹ ở miền Nam nước ta, giành lại độc lập hoàn toàn cho Tổ quốc.
Trong khí thế chiến thắng đó, Trung ương Đảng Lao động Việt Nam đã vạch ra phương hướng tiến lên của cách mạng Việt Nam trong giai đoạn mới là: "Hoàn thành thống nhất nước nhà, đưa cả nước tiến nhanh, tiến mạnh, tiến vững chắc lên chủ nghĩa xã hội".
Trong điều kiện hiện nay, nước Việt Nam phải được thống nhất trên cơ sở độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, thống nhất về các mặt: chính trị, kinh tế, xã hội, văn hóa v.v..
“Nước Việt Nam là một, dân tộc Việt Nam là một". Nhân dân ta luôn luôn kiên quyết đấu tranh chống mọi âm mưu của bọn đế quốc và tay sai chia cắt đất nước mình. Song, nhân dân ta cũng thấy rằng, trên thực tế, do nước nhà bị chia cắt lâu dài cho nên sau khi miền Nam được hoàn toàn giải phóng, ở hai miền nước ta tồn tại hai Nhà nước với hai Chính phủ: Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và Chính phủ Cộng hòa miền Nam Việt Nam. Vấn đề cấp bách trước mắt là phải thực hiện thống nhất nước nhà về mặt nhà nước. Trong toàn bộ sợi dây chuyền của sự nghiệp hoàn thành thống nhất nước nhà, vấn đề thống nhất nước nhà về mặt nhà nước là khâu chính cần phải nắm lấy mà làm, làm càng sớm càng tốt. Thực hiện thống nhất nước nhà về mặt nhà nước cũng tức là chính thức hoá việc thống nhất Việt Nam,đồng thời tạo điều kiện thuận lợi để thực hiện thống nhất nước nhà về các mặt khác.
Quá trình thực hiện thống nhất nước nhà về mặt nhà nước bao gồm ba bước:
1. Đại biểu nhân dân hai miền họp Hội nghị hiệp thương chính trị để thống nhất nhận định về yêu cầu và nội dung của toàn bộ sự nghiệp hoàn thành thống nhất nước nhà; về tầm quan trọng và tính cấp bách cũng như về bước đi và biện pháp của việc thực hiện thống nhất nước nhà về mặt nhà nước. Hội nghị này họp vào trung tuần tháng 11 năm 1975 ở thành phố Hồ Chí Minh và đã thành công tốt đẹp.
2. Tổng tuyển cử bầu ra Quốc hội chung của nước Việt Nam thống nhất. Cuộc tổng tuyển cử này đã được tiến hành trong cả nước ngày 25 tháng 4 năm 1976 theo những nguyên tắc thật sự dân chủ là: phổ thông, bình đẳng, trực tiếp và bỏ phiếu kín. Thắng lợi vang dội mà nhân dân ta đã giành được trong cuộc tổng tuyển cử có tính chất quyết định đối với sự nghiệp thống nhất nước nhà về mặt nhà nước.
3. Quốc hội chung của cả nước họp để xác nhận kết quả cuộc tổng tuyển cử; quyết định thể chế nhà nước trong khi chưa có Hiến pháp mới; thảo luận về tình hình và nhiệm vụ, về đường lối cách mạng xã hội chủ nghĩa ở nước ta, về chính sách đối nội và đối ngoại của Nhà nước ta; quyết định tên nước, quốc huy, quốc kỳ, quốc ca, thủ đô, v.v.; quyết định và bầu những cơ quan lãnh đạo của Nhà nước Việt Nam thống nhất để điều hành công việc của cả nước, bầu Ủy ban dự thảo Hiến pháp của nước Việt Nam hòa bình, độc lập, thống nhất và xã hội chủ nghĩa.
Từ tháng 2 năm 1976, công tác tuyên truyền, vận động nhân dân đã được triển khai trong cả nước. Báo chí, đài phát thanh, vô tuyến truyền hình đều xem tổng tuyển cử là một công tác trọng tâm. Việc nghiên cứu các văn kiện của Đảng và của Nhà nước về tổng tuyển cử bầu Quốc hội đã được tổ chức trong Đảng và trong quần chúng.
Cán bộ làm công tác bầu cử và cán bộ các ngành có liên quan đã dự các lớp huấn luyện về mục đích, ý nghĩa và nội dung công tác bầu cử Quốc hội. Ở miền Nam, có huyện, xã tổ chức tập huấn nhiều lần để cán bộ nắm vững luật lệ bầu cử, biết cách chuẩn bị tổng tuyển cử.
Khắp nơi, từ thành thị đến nông thôn, từ miền núi hẻo lánh đến các hải đảo xa xôi, đông đảo quần chúng đã hăng hái tham gia học tập. Các tầng lớp nhân dân nghiên cứu, thảo luận cùng các đoàn thể công, nông, thanh, phụ. Ở miền Nam, các nhân sĩ, trí thức, nhà tu hành nghiên cứu trao đổi ý kiến trong các cuộc hội thảo rộng rãi. Nhiều đơn vị lực lượng vũ trang nhân dân trong cả nước đạt 100% số người tham gia; Nghĩa Bình và nhiều xã thuộc Minh Hải đạt 94%.
Ngày 25 tháng 4 năm 1976 đã thật sự là ngày hội lớn của toàn dân ta. Trong không khí tưng bừng, trên 23 triệu cử tri, với tư thế của người làm chủ tập thể, người chiến thắng, những con em của dân tộc Việt Nam anh hùng đã nô nức đi làm nghĩa vụ công dân của mình, cử những đại biểu xứng đáng vào cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất.
Cuộc bầu cử tiến hành nhanh, gọn, tốt. Ở miền Bắc đến 11 giờ, ở miền Nam đến 12 - 13 giờ, về cơ bản việc bỏ phiếu đã làm xong. Tỷ lệ cử tri đi bầu rất cao. Tỷ lệ chung những người đi bầu trong cả nước là 98,77%; miền Bắc là 99,36%, miền Nam là 98,59%. Có nhiều huyện, thị xã, ấp, đơn vị vũ trang và khu vực bỏ phiếu đạt 100% cử tri đi bỏ phiếu. Ở miền Bắc, tỉnh đạt tỷ lệ cao nhất là 99,93%; tỉnh đạt tỷ lệ thấp nhất là 98,44%. Ở miền Nam, tỉnh đạt tỷ lệ cao nhất là 98,99%; tỉnh đạt tỷ lệ thấp nhất là 96,13%.
Kết quả, cả nước đã bầu đủ 492 đại biểu ngay ở vòng đầu, không nơi nào phải bầu lại hoặc bầu thêm.
Trong số 492 đại biểu đó, 16,26% là công nhân, 20,33% là nông dân, 1,22% là thợ thủ công, 28,66% là cán bộ chính trị, 10,97% là quân nhân cách mạng, 18,50% là trí thức, 4,06% là nhân sĩ dân chủ và tôn giáo. Quốc hội mới có 26,21% là phụ nữ, 14,28% là người các dân tộc thiểu số. Với thành phần như vậy, Quốc hội ta thật sự là hình ảnh của khối đại đoàn kết toàn dân dựa trên cơ sở liên minh công nông do giai cấp công nhân lãnh đạo. Nhân dân ta đã lựa chọn những đại biểu xứng đáng nắm vững chuyên chính vô sản, đẩy mạnh ba cuộc cách mạng: cách mạng về quan hệ sản xuất, cách mạng khoa học - kỹ thuật, cách mạng tư tưởng và văn hóa, quyết tâm xây dựng thành công một nước Việt Nam hòa bình, độc lập, thống nhất và xã hội chủ nghĩa.
Thắng lợi to lớn của tổng tuyển cử không những mang lại niềm tự hào chính đáng cho nhân dân trong nước, cho kiều bào ở nước ngoài, mà còn có tiếng vang khắp thế giới.
Trương Thị Xuân