Tham dự hội thảo, có TS. Quách Hoài Nam – Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Nha Trang, đại diện các đơn vị liên quan và hơn 200 cán bộ, giảng viên trong toàn trường. Tại đây, các đại biểu đã trình bày tham luận xung quanh các vấn đề như sự tương thích giữa phương pháp đánh giá hoạt động dạy-học với chuẩn đầu ra, xây dựng chuẩn đầu ra – nội dung cốt yếu của chương trình đào tạo trình độ đại học, một số yếu tố tương thích trong phát triển và thực hiện chương trình đào tạo của giáo dục đại học…
Theo thông tư 07/2015/TT-BGDĐT,chuẩn đầu ra là yêu cầu tối thiểu về kiến thức, kỹ năng, thái độ, trách nhiệm nghề nghiệp mà người học đạt được sau khi hoàn thành CTĐT, được cơ sở đào tạo cam kết với người học, xã hội và công bố công khai cùng với các điều kiện đảm bảo thực hiện. Để đào tạo ra sinh viên có năng lực tốt đáp ứng nhu cầu xã hội thì chương trình đào tạo đóng vai trò quan trọng. Cùng với đó, yếu tố đầu tiên và cốt lõi của CTĐT là chuẩn đầu ra nhằm đưa ra những cam kết của trường về chuẩn năng lực tối thiểu mà người học đạt được sau khi tốt nghiệp.
Hơn 200 cán bộ, giảng viên tham dự và thảo luận tại Hội thảo.
Tuy nhiên, hiện nay, việc xây dựng chuẩn đầu ra đang còn nhiều bất cập cần được khắc phục. Nhìn nhận về giải pháp xây dựng chuẩn đầu ra hợp lý, nhiều đại biểu tham dự hội thảo thống nhất rằng, chuẩn đầu ra cần tương thích, gắn kết và phù hợp với tuyên bố về mục tiêu, cũng như các tiêu chuẩn nghề nghiệp hoặc nhu cầu của các cơ quan chuyên môn. Chuẩn đầu ra phải trình bày rõ ràng nhưng bao quát cả kiến thức, kỹ năng và thái độ mà sinh viên tốt nghiệp có được. Chương trình đào tạo cần có các đầu ra theo khung trình độ quốc gia. Chuẩn đầu ra cần được đánh giá ngay sau khi sinh viên tốt nghiệp, rà soát hàng năm để đảm bảo cam kết của trường với xã hội và các bên liên quan.
Trong quá trình thảo luận, các đại biểu còn đề cập đến các vấn đề nhận thấy từ thực tế giảng dạy như sự cần thiết của việc đổi mới phương pháp kiểm tra đánh giá, tầm quan trọng của việc đánh giá chính xác mức độ học phần học phần đạt được những chuẩn đầu ra nào của chương trình đào tạo đối việc việc điều chỉnh phương pháp giảng dạy và kiểm tra, đánh giá của giảng viên. Một trong những vấn đề mà nhiều đại biểu cho rằng cần sớm được khắc phục chính là thực trạng hiện nay nhiều chương trình đào tạo của các trường đại học vẫn nặng về lý thuyết mà chưa chú trọng đến rèn luyện kỹ năng nghề nghiệp cho sinh viên, khiến cho sự tương thích giữa chuẩn đầu ra trong đào tạo và điều kiện tổ chức đào tạo đáp ứng chuẩn đầu ra còn nhiều hạn chế. Một trong những giải pháp được đưa ra trong tổ chức đào tạo đó là là sự hợp tác, gắn kết giữa nhà trường và doanh nghiệp, gắn liền giữa phát triển kiến thức chuyên môn với nâng cao nhận thức, kỹ năng nghề nghiệp cho sinh viên. Thực tế cho thấy, thông qua các chương trình thực tập viên và tham quan thực tế tại các doanh nghiệp đã giúp đưa ra nhiều gợi ý thiết thực nhằm nâng cao chất lượng đào tạo đáp ứng yêu cầu thực tiễn và gia tăng gắn kết giữa nhà trường và doanh nghiệp, góp phần đáp ứng chuẩn đầu ra trong đào tạo nhân lực.
Hợp tác Đối ngoại