Trải qua quãng thời gian học tập, mình có được kiến thức từ các môn đại cương, cơ sở ngành và môn chuyên ngành. Mình có cơ hội gặp gỡ và học hỏi từ các giảng viên của Trường Đại học Nha Trang với bề dày kinh nghiệm và nghiên cứu, giảng dạy cả trong và ngoài nước. Không chỉ có được những kiến thức bổ ích từ các tiết học, tôi còn được tiếp xúc với thực tế của nghề nghiệp tương lai và rèn luyện kỹ năng mềm khi tham gia câu lạc bộ đảm bảo an toàn thực phẩm của Khoa cũng như các hoạt động ngoại khóa Nhà trường tổ chức.
Bước vào quãng thời gian học các môn chuyên ngành, mình được đào tạo với các học phần về cung ứng nguyên liệu trong chế biến thủy sản, vi sinh vật học thực phẩm, hóa sinh thực phẩm, đánh giá cảm quan thực phẩm, kỹ thuật phân tích thực phẩm... Kiến thức chuyên ngành dần được củng cố cũng chính là lúc mình tự đặt ra câu hỏi tại sao sản lượng nông sản và khai thác thủy sản của nước ta rất cao, chủng loại phong phú nhưng bấy lâu nay ngành thực phẩm vẫn luôn đối diện với vấn nạn “Thực phẩm bẩn”?
Sau nhiều lần trăn trở, tìm hiểu, mình tìm ra được nguyên nhân chính là vì nông dân và ngư dân nước ta vẫn có tâm lý tập trung gia tăng năng suất, lạm dụng chất bảo quản, phân thuốc hóa học và thuốc kháng sinh trong nuôi trồng thủy sản quá mức thay vì đầu tư cho chất lượng nông sản hay phương pháp bảo quản, chế biến thủy hải sản sau khai thác để đảm bảo chất lượng. Vì không thực sự đầu tư vào phương pháp chế biến và bảo quản, nên đã xảy ra tình trạng nông sản sau thu hoạch và thủy hải sản sau khai thác bị ảnh hưởng chất lượng và giảm giá trị. Dễ dàng nhận thấy, nước ta vẫn chưa có nhiều mặt hàng thực phẩm chiếm lĩnh được thị trường quốc tế với những tiêu chuẩn về chất lượng nghiêm ngặt, dù tiềm năng là rất lớn. Và mình đã luôn tự đặt ra câu hỏi, cần làm gì để góp phần thay đổi thực tế này?
Mình đã dần có được câu trả lời cho câu hỏi này sau khi học các học phần cuối khóa như Quản lí chất lượng và luật thực phẩm, truy suất nguồn gốc thực phẩm, đánh giá nguy cơ và phát triển sản phẩm... Mình đã hiểu được các tiêu chuẩn và thuật ngữ chuyên ngành như QC, QA, ISO, BRC, 5S, PDCA, SS, TPM, KIP, QCC chính là những công cụ giúp kiểm soát tốt sản phẩm
Rất may mắn, mình có cơ hội thực tập tại Tập Đoàn Thủy Sản Minh Phú - Cà Mau. Tập Đoàn Minh Phú có một hệ thống nhà máy nuôi và chế biến thủy sản, với phương pháp, chất lượng sản xuất đồng nhất. Mình đã thu thập được rất nhiều kinh nghiệm từ chuyến thực tập này về quản lý chất lượng sản xuất ở nhà máy, lưu trữ vận chuyển và phân phối sản phẩm, nhìn nhận thấy rằng với chuyên ngành này, mình có cơ hội việc làm rất đa dạng. Bằng việc làm thật tốt trách nhiệm của mình ở mỗi mắc xích trong cả quá trình sản xuất, mỗi người đã có thể đóng góp sức mình vào việc đảm bảo chất lượng thực phẩm, cung cấp thực phẩm sạch với giá trị dinh dưỡng cao cho cộng đồng.
Nhờ cơ hội học tập ở chuyên ngành Công nghệ Chế biến Thủy sản cùng với chương trình học phong phú, sát với thực tế, mình đã có thể hiểu rõ hơn về nguồn thực phẩm mà mình và gia đình đang sử dụng hàng ngày. Và càng ngày mình càng biết rõ hơn bản thân cần làm gì, cần phấn đấu học tập, nghiên cứu như thế nào để góp phần phát triển ngành chế biến thủy sản, qua đó nâng cao giá trị các mặt hàng thủy hải sản mà mình vốn rất tâm đắc và tự hào của quê nhà và rộng hơn là của cả đất nước.
Bài viết: Nguyễn Ngọc Vàng
Ảnh: Nguồn Internet