Thầy và trò đội tuyển xe sinh thái
Đã 9 năm kể từ ngày đội xe sinh thái của Khoa Kỹ thuật Giao thông – Trường ĐH Nha Trang tham gia vào Cuộc thi Lái xe sinh thái – Tiết kiệm nhiên liệu do Công ty Honda Việt Nam tổ chức. Nhìn lại hành trình đầy nỗ lực mà thầy và trò đội xe sinh thái đã trải qua mới thầy rõ tình thầy trò gắn kết, lòng nhiệt huyết của những người thầy để khơi gợi cho sinh viên tình yêu và lòng đam mê với xe cộ, máy móc.
Từ những năm đầu tiên gây dựng đội, mặc dù khi đó cuộc thi chưa được nhiều người biết tới, phong trào chưa thu hút được nhiều sinh viên tham gia, đội xe sinh thái luôn nằm trong top 20 của cuộc thi, đặc biệt là vị trí thứ 5 toàn quốc vào năm 2016. Nói về những ngày đầu mới thành lập đội – cũng là người đồng hành với các sinh viên từ những mùa đầu tiên, thầy Đoàn Phước Thọ - Giảng viên Bộ môn Động lực vẫn còn nhớ như in những tình huống khó khăn khi gặp phải trong quá trình chế tạo xe. Xe thiết kế phải như thế nào đây? Hình dáng vận tốc ra sao? Hệ thống lái, hệ thống phanh, hệ thống truyền động rồi sẽ như thế nào? Tất cả những băn khoăn, lo lắng ban đầu không làm giảm sút sự thôi thúc đam mê thiết kế, chế tạo của thầy và trò mặc cho những sai lệch giữa tính toán lý thuyết và thực tế chế tạo. Tất cả các bộ phận phải được chế tạo thủ công và phải đảm bảo xe chạy tiết kiệm nhiên liệu nhất có thể. Trong suốt thời gian ấy, sự hạn chế về kinh phí thực hiện đôi lúc khiến tập thể thầy và trò muốn dừng lại, nhưng rồi sau đó lại cùng nhau đưa ra giải pháp, nâng cấp dần theo từng năm, từng bước từng bước can thiệp vào quá trình điều khiển, thay đổi hệ thống cung cấp nhiên liệu và tỉ số nén, hạn chế tối đa tổn thất nhiệt trên từng chiếc xe mô hình trong mỗi lần thi.
Cách đây hai năm, với quyết tâm phải chế tạo ra được một chiếc xe mới đạt thành tích cao trong cuộc thi với tiêu chí xe phải nhẹ nhất có thể, công nghệ thiết bị phải tiên tiến, thầy và trò đội xe sinh thái đã ngày đêm, theo đúng nghĩa đen, để cùng nhau suy nghĩ đầu tư thiết kế, đặt mua thiết bị từ TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội, thậm chí từ nước ngoài gửi về. Thời điểm đó việc thầy trò cùng ăn, cùng ngủ với xe diễn ra thường xuyên. Thầy Huỳnh Trọng Chương - Bộ môn Kỹ thuật Ô tô - một giảng viên gạo cội - người đầy trăn trở và quyết tâm lớn nhất với việc cải thiện thành tích của đội kể vui rằng “Khi đó không những các bác bảo vệ thường xuyên kiểm tra đêm thấy thầy trò chúng tôi vẫn làm việc ở xưởng mà tại Viện Nghiên cứu và Chế tạo tàu thủy, nhiều anh em công nhân cũng đã nhẵn mặt thầy trò chúng tôi. Khi đó với sự hỗ trợ và tài trợ từ Viện, vỏ xe của chúng tôi được làm bằng vật liệu composite và công đoạn này hoàn toàn thực hiện ở đây. Khung xe thì luôn được thầy trò mang đi mang lại giữa viện và trường để vừa làm vỏ vừa tìm giải pháp công nghệ, huấn luyện tại xưởng trong trường”. Quyết tâm ấy đã được đền đáp bằng vị trí thứ 5 trên tổng số gần 200 đội tham gia cuộc thi trên toàn quốc.
Theo chân Thầy Nguyễn Thanh Tuấn – Phó trưởng khoa tới thăm CLB, chúng tôi cảm nhận được phong trào và sức lan tỏa. Từ cuộc thi lái xe sinh thái, mô hình CLB ra đời đang đóng góp sức mình cho sự phát triển chung của khoa, nhà trường nói riêng và ngành ô tô nói chung. Một nhóm các bạn sinh viên đang niềm nở hăng say trong việc chế tạo những chiếc ô tô mới, nhóm khác đang khắc phục hạn chế cho xe cũ, còn nhóm khác nữa đang cưa những chiếc lốp xe phế thải để làm khu tự học trước cửa xưởng. Theo bạn Nguyễn Như Quỳnh, một nữ sinh ngành ô tô đã có hai năm tham dự cùng đội xe sinh thái, hiện đang là thành viên CLB thì việc tham gia CLB thực chất là tham gia nghiên cứu khoa học. Việc nghiên cứu này sẽ giúp các bạn sinh viên như em tích lũy thêm nhiều kiến thức từ nhiều lĩnh vực và hoàn thiện các kỹ năng cần thiết để thành công trong xã hội. Trong đó có việc rèn luyện được kỹ năng tư duy phản biện và tư duy phân tích - tổng hợp. Trên thực tế, để thực hiện được các giải pháp cho tiêu chí cuộc thi, chúng em cần phải tìm, đọc và phân tích rất nhiều bài báo khoa học, tài liệu nghiên cứu, trang thiết bị trên ô tô, từ đó khơi gợi niềm đam mê khoa học và ham thích học hỏi. Chia sẻ về những người thầy đã cùng cả đội “ăn ngủ” bên những chiếc xe, Quỳnh cho biết “Là con gái, em đã không nghĩ rằng mình có thể chế tạo được một chiếc ô tô, ít nhất là khi còn là sinh viên, nhưng mọi thứ đã thật khác. Sự tận tình động viên, khuyến khích, lòng nhiệt tình hướng dẫn và hăng say lao động của các thầy trong đội dường như đã thôi thúc chúng em phải cố gắng hơn và không thể bỏ cuộc giữa chừng. Chúng em thật sự đã “lớn lên” trong khoảng thời gian đó.”
Sinh viên miệt mài bên những chiếc xe mô hình
Tiếp nối những thành công, hiện nay các đội xe sinh thái đã được mở rộng hơn. CLB Ô tô mô hình đã thu hút đông đảo sinh viên tham dự, không chỉ những sinh viên hai năm cuối mà cả những sinh viên năm nhất, không chỉ sinh viên ngành ô tô mà còn có nhiều sinh viên từ các ngành khác, khoa khác như Cơ điện tử, Khoa học Hàng hải, Cơ khí động lực. Tin mừng là cho đến thời điểm này, ngoài phần kinh phí của Khoa, của Bộ môn Kỹ thuật ô tô, đã có ít nhiều sự ủng hộ, hỗ trợ tài chính của các đơn vị tài trợ.
Còn các thầy, những người đã hơn một thập kỷ sống với máy móc, lăn lộn cùng với từng động cơ, bánh lái, bu lông, đai ốc, dù mái đầu còn xanh hay đã ngả màu sương, vẫn ngày ngày thắp lên ngọn lửa niềm đam mê chế tạo khoa học cho những sinh viên trẻ, hết lớp này lại đến lớp khác, bền bỉ như những con sóng và rực rỡ như màu phượng ngày hè. Các thầy cô – không chỉ là những chiến sĩ trên giảng đường để truyền tải tri thức, mà là còn là người thân, người bạn đồng hành, người truyền cảm hứng của một trong những quãng thời gian đáng nhớ nhất của tuổi trẻ - thời sinh viên.
Khoa Kỹ thuật Giao thông
Phòng Hợp tác Đối ngoại