Những kiến thức mới mẻ
Tham gia khóa tập huấn được tổ chức ngày 17/10/2019, sinh viên Trường Đại học Nha Trang đã có dịp lắng nghe những chia sẻ từ các chuyên gia trong ngành về thực tế vấn đề quản lý lao động tại các doanh nghiệp trong lĩnh vực thủy sản. Đó là ông Trần Minh Trí và bà Phạm Nguyên Cường - 2 Chuyên gia cao cấp của ILO và VCCI về quản lý Lao động – Tiền lương và Giờ làm.
Ấn tượng với những kiến thức mới mẻ mà các chuyên gia chia sẻ, bạn Nguyễn Hoàng Lê cho rằng đó đều là những kiến thức rất bổ ích, được đúc kết từ thực tế, khiến sinh viên tiếp thu tốt và không hề nhàm chán. Hoàng Lê cũng nhận thức rõ hơn rằng, thủy sản là một ngành có vị trí rất quan trọng trong nền kinh tế của đất nước. Chính vì vậy, người lao động để tạo ra các sản phẩm thủy sản là những yếu tố quan trọng quyết định sự phát triển vững mạnh của ngành này.
Đông đảo sinh viên tham gia khóa tập huấn.
Trải qua khóa tập huấn, sinh viên Nguyễn Thị Kim Thoa cho rằng “Ngành thủy sản là một ngành đặc thù, việc quản lý lao động sao cho không vi phạm pháp luật mà vẫn đảm bảo tiến độ sản xuất là không dễ. Tuy nhiên, nếu làm được điều này sẽ giúp nâng cao giá trị sản phẩm, mở rộng thị trường. Từ đó mới có thể cải thiện hơn cách nhìn nhận của các nước trên thế giới đối với sản phẩm thủy sản Việt Nam.”
Từ chỗ chưa thực sự hiểu hết tầm quan trọng của vấn đề quản lý tốt lao động, sinh viên Trần Thị Diễm My nhận thấy rằng đây là một vấn đề rất cần được quan tâm. Và cũng nhờ khóa tập huấn, My và các bạn của mình có được những kiến thức thực tế hơn để tư duy và nhận thức đúng đắn hơn về lĩnh vực này.
Kinh nghiệm gắn liền với thực tế nghề nghiệp
Lợi ích đầu tiên mà nhiều bạn sinh viên cảm nhận được sau kỳ tập huấn chính là bảo vệ quyền lợi của chính mình khi làm việc tại các doanh nghiệp. “Khi được vào làm việc ở bất kỳ đơn vị nào, em sẽ biết được đâu là đúng, đâu là sai, và sẽ không để cho bản thân bị bóc lột.” Sinh viên Nguyễn Thị Kim Thoa chia sẻ.
Kiến thức từ khóa tập huấn cũng giúp cho những sinh viên sắp ra trường như Nguyễn Thị Hồng Thủy chuẩn bị sẵn sàng cho quá trình tìm kiếm việc làm, chuẩn bị sẵn những vấn đề mà mình cần được cung cấp thông tin về chế độ, công việc để đặt ra cho nhà tuyển dụng khi tham gia phỏng vấn xin việc. Theo Thủy, điều này thật sự cần thiết cho việc tìm kiếm và gắn bó với một môi trường làm việc phù hợp.
Sinh viên được trao đổi, giải đáp các thắc mắc của mình trong lĩnh vực quản lý lao động ngành Thủy sản.
Nhìn sâu hơn ở góc độ quản lý, sinh viên nhận thức được sự cần thiết của vấn đề nâng cao quản lý lao động một cách có trách nhiệm tại các doanh nghiệp thủy sản. “Nếu sau này có cơ hội được làm việc trong các doanh nghiệp ở bộ phận quản lý nhân sự hoặc các lĩnh vực liên quan, thì em sẽ thực hiện quản lý lao động có trách nhiệm theo đúng quy định của pháp luật, quan tâm nhiều hơn đời sống và tâm tư nguyện vọng của các công nhân, để xây dựng những chính sách chăm sóc người lao động”, sinh viên Nguyễn Hoàng Lê chia sẻ.
Xã hội phát triển, bên cạnh việc tìm kiếm các sản phẩm an toàn, chất lượng, người tiêu dùng còn quan tâm đến việc sản phẩm mình sử dụng có được tạo nên bởi sự bóc lột sức lao động và có tác động gì đến môi trường hay không. Ý thức này đang lan tỏa rộng rãi trên khắp thế giới. Với vị trí quan trọng của ngành thủy sản trong kinh tế nước ta, việc chú trọng đến vấn đề quản lý lao động có trách nhiệm cần được nhìn nhận rõ ràng và đúng mức hơn để phát triển ngành này, từ đó phát triển kinh tế.
Sự thiết thực của những khóa tập huấn kỹ năng
Bên cạnh việc tiếp thu những kiến thức nền tảng từ Nhà trường, việc tham gia các hoạt động ngoại khóa để đến gần hơn với thực tế nghề nghiệp và phát triển các kỹ năng mềm luôn được sinh viên quan tâm. Cùng với đó, cơ hội gặp gỡ các chuyên gia cũng chính là điểm thu hút nhiều sinh viên đến với các khóa tập huấn như thế này. “Em muốn có thêm nhiều kiến thức hữu ích về nghề nghiệp để vận dụng vào thực tế. Hơn nữa em lại rất muốn được gặp gỡ các chuyên gia để nghe họ chia sẻ về những bài học kinh nghiệm.” – đó chính là lý do mà sinh viên Nguyễn Hoàng Lê tích cực tham gia các khóa tập huấn được Nhà trường tổ chức.
Tham gia các khóa tập huấn là cơ hội trang bị kỹ năng thiết thực đối với sinh viên.
Còn sinh viên Trần Thị Diễm My thì cho rằng, qua những khóa tập huấn như thế này, các bạn được chuyên gia tư vấn trực tiếp, tháo gỡ những băn khoăn và thắc mắc về các lĩnh vực liên quan trong công việc. Đây chính là cơ hội để sinh viên củng cố các kiến thức nền tảng mà mình đã được học trong Nhà trường và có cái nhìn sâu sát, thực tế hơn về lĩnh vực mà mình sắp tham gia làm việc.
Có cơ hội tham gia thêm nhiều những khóa tập huấn như thế này chính là mong muốn chung của nhiều sinh viên, bởi chính nhờ những kiến thức, những kinh nghiệm học hỏi được từ đây sẽ giúp sinh viên tự tin và năng động hơn khi tham gia làm việc tại các đơn vị, doanh nghiệp trong tương lai.
*Khóa tập huấn về Quản lý Lao động có Trách nhiệm trong ngành Thủy sản là một hoạt động nằm trong thỏa thuận hợp tác chung giữa Trường ĐH Nha Trang và Chi nhánh Phòng Thương mại và Công nghệ Việt Nam tại TP.HCM, nhằm nâng cao nhận thức cho sinh viên về các chủ đề liên quan đến thực hành tốt về lao động tại Doanh nghiệp.
Hợp tác Đối ngoại