Cùng lắng nghe những cảm nhận của 2 học viên đến từ Trường ĐH Nha Trang về khóa học hè chương trình Chứng chỉ Cao học Thủy sản Nhiệt đới.
Học tập không bao giờ quá trễ
Là những người phụ nữ luôn bận rộn với công việc gia đình, công việc tại cơ quan, thế nhưng chị Lê Thiên Sa và chị Đào Thị Đoan Trang, hiện đang công tác tại Trung tâm Thí nghiệm Thực hành Trường ĐH Nha Trang, vẫn quyết tâm tham gia khóa học nhiều thử thách và đầy thú vị này.
Chị Trang chia sẻ: “Là một cán bộ quản lý Phòng thí nghiệm, tôi muốn tiếp cận những thiết bị hiện đại, kinh nghiệm quản lý, vận hành PTN của Trường để có thể vận dụng vào công việc của tôi, nhằm hoàn thiện bản thân và nâng cao chất lượng phục vụ đào tạo, NCKH. Ngoài ra, nội dung khóa học đúng với chuyên ngành Nuôi trồng thủy sản mà tôi đang theo học cao học”.
Còn chị Thiên Sa lại đặc biệt quan tâm đến các môn về phương pháp phân tích thí nghiệm mới nhất (Latest Analytical and Experimental Method) được giảng dạy trong chương trình, vì chúng phù hợp với công việc hiện tại chị đang đảm nhận tại trường ĐH Nha Trang.
Chị Đoan Trang và chị Thiên Sa tại trường ĐH Kagoshima, Nhật Bản
Chương trình học có tính ứng dụng cao
Trong 6 tuần, các học viên được bổ sung kiến thức ở các môn học như: Nuôi trồng thủy sản, Khoa học và công nghệ nguồn lợi thủy sản, Các kỹ thuật nghiên cứu và phân tích mới nhất về hóa sinh,…
Mỗi bài giảng đều sinh động, có nhiều thông tin mới, cập nhật. Chị Trang ấn tượng về nội dung bài giảng, cách truyền đạt, hướng dẫn nhiệt tình của các giáo sư: GS. Tomonari KOTANI, GS. Miguel VAZQUEZARCHDALE, GS. Kazuhiko ANRAKU, GS. Shiozaki, Munnechika ISHIZAKI.
Các giáo sư rất thân thiện, gần gũi, tận tâm giúp đỡ sinh viên học tập và hòa nhập, hoạt ngôn. Ngoài thời gian dạy còn dành thời gian chia sẻ kinh nghiệm sống, kiến thức chuyên sâu với các sinh viên quan tâm.
Bài giảng với ngư cụ có sẵn giúp SV tiếp cận dễ dàng
Ngoài những buổi học trên lớp, các học viên còn được tham quan tại chợ cá Kagoshima - một trong những chợ cá lớn nhất Nhật Bản, được tận mắt chứng kiến màn đấu giá những chú cá vừa cập cảng đầy sôi động cũng như chiêm ngưỡng kỹ thuật chế biến cá ngoạn mục. Cách bảo quản sản phẩm thủy sản sau khi đánh bắt, cách vận hành, quản lý của Hợp tác xã thủy sản này gây ấn tượng với các học viên.
Học viên tham quan chợ cá Kagoshima
Các học viên đã có dịp được tham quan tàu Kagoshima - Maru 03, là một con tàu hiện đại của Đại học Kagoshima phục vụ đào tạo và nghiên cứu về khai thác, khoa học biển.
Tham quan tàu Kagoshima - Maru 03
Tham quan hợp tác xã thủy sản - Nuôi cá ngừ bằng lồng trên biển và khai thác dịch vụ du lịch tại Tarumizu – Kagoshima và thưởng thức các món ăn đậm hương vị địa phương từ đầu bếp của Nhà hàng.
Kỷ niệm ấm áp về những người bạn láng giềng
Chị Trang kể lại: “Chúng tôi cùng các bạn học viên khác đến từ Indonesia, Malaysia, Phillippines, Thái Lan đã có thời gian học tập, sinh hoạt vui vẻ cùng nhau, cùng nhau trao đổi, chia sẻ thông tin, giúp đỡ nhau hoàn thành bài tập, báo cáo trên lớp cũng như tại phòng thí nghiệm. Chúng tôi còn có cơ hội tìm hiểu về văn hóa, con người đất nước bạn. Chúng tôi có nhiều kỷ niệm đẹp cùng nhau không những trong lớp học, ở phòng thí nghiệm, các buổi tham quan thực tế mà còn qua những lần cùng nhau đi bộ hàng chục Km, đạp xe đạp hay cùng nhau trên xe buýt chật chội để tham quan thành phố với nhiều thắng cảnh thiên nhiên xinh đẹp, di tích văn hóa nổi tiếng và thưởng thức ẩm thực đặc trưng của thành phố Kagoshima. Thời gian học tập, sinh hoạt, chia sẻ thông tin cùng nhau đã gắn kết chúng tôi, những học viên của các nước bạn và đội sinh viên tình nguyện Nhật Bản từ những người xa lạ trở thành những người bạn thân thiết, chân thành, tạo nên mối quan hệ thân thiết giữa các thành viên trong mạng lưới chương trình”.
Thời gian học tập, sinh hoạt, chia sẻ thông tin cùng nhau đã gắn kết các học viên từ các quốc gia khác nhau
Đối với chị Thiên Sa, chị cảm nhận về các học viên đến từ các quốc gia khác đều hòa đồng, gần gũi, dù học chung trong thời gian ngắn nhưng đã trao cho nhau những tình cảm chân thành, dù có sự khác biệt về tôn giáo và tuổi tác nhưng rất tôn trọng và cảm thông. Đặc biệt, chị nhớ nhất khi được các bạn trẻ gọi “Mamy” bằng giọng yêu thương, trìu mến từ ngày thường đến bài phát biểu cảm tưởng ở lễ chia tay.
Các học viên dù có sự khác biệt về tôn giáo và tuổi tác nhưng rất tôn trọng và cảm thông
Những điều thú vị về Kagoshima
Khóa học lần này được tổ chức tại Trường Đại học Kagoshima, thuộc thành phố Kagoshima. Đây là một cơ hội tuyệt vời cho các học viên được trải nghiệm cuộc sống và hiểu thêm về con người Nhật Bản.
Kagoshima là Trung tâm chính của tỉnh Kagoshima với khí hậu tương đối mát mẻ, đường phố sạch đẹp, giao thông thuận tiện và an toàn, người dân thân thiện. Thành phố có nhiều danh lam thắng cảnh, di tích văn hóa nổi tiếng.
Vịnh Kagoshima tương tự như Vịnh Nha trang, với diện tích mặt nước lớn và ngành thủy sản phát triển. Bên cạnh đó, ngành nông nghiệp ở Kagoshima cũng là một trong các ngành trọng điểm tại đây.
Các món ăn nổi tiếng tại Kagoshima được làm từ các sản phẩm, đánh bắt , nuôi trồng tại địa phương như Sashimi từ các loại cá ngừ, chả cá, thịt heo Kurobuta, thịt bò Kagoshima, và rượu Soju làm từ khoai lang tím, đặc trưng của tỉnh Kagoshima.
Các học viên có cơ hội để trải nghiệm cuộc sống tại đất nước Nhật Bản
Điều đáng trân quý và học hỏi tại nơi đây chính là con người. Cảm nhận rõ nhất của các học viên là họ sống giản dị, chân thành, khiêm tốn, văn minh. Rất nhiều người già tại đây vẫn lao động kiếm sống, cống hiến nhiều hơn nữa cho xã hội.
Ngoài ra, công tác tổ chức chương trình của Trường Đại học Kagoshima rất chu đáo và chính xác. Những thông tin hướng dẫn đơn giản nhưng rất cần thiết cho người nước ngoài được cung cấp ngay ngày đầu đặt chân đến Nhật Bản như y tế, an ninh, ngân hàng và các địa điểm cầu nguyên gần nhất cho các tôn giáo được chỉ dẫn cẩn thận.
Các học viên nhận bằng tốt nghiệp khóa học
6 tuần học tập, thực hành, 6 tuần được trải nghiệm những kiến thức mới, hiểu thêm về con người của đất nước bạn đã để lại những kỷ niệm vô cùng khó quên cho 2 học viên của Trường ĐH Nha Trang.
Hợp tác Đối ngoại