Những năm gần đây, phong trào nghiên cứu khoa học của sinh viên Khoa Cơ khí có nhiều khởi sắc, số lượng sinh viên tham gia nghiên cứu khoa học có sự gia tăng, các năm trước đây hằng năm có 2-3 sinh viên, gần đây có 4-6 sinh viên tham gia, năm 2023 có 23 sinh viên tham gia, chất lượng các đề tài nghiên cứu ngày càng được nâng cao. Các lĩnh vực nghiên cứu của đề tài gắn với các chuyên ngành của khoa đang đào tạo như: Kỹ thuật cơ khí, Kỹ thuật chế tạo, Thiết kế chế tạo số, Kỹ thuật cơ điện tử, Kỹ thuật nhiệt lạnh. Các sản phẩm đề tài đều hướng đến nghiên cứu ứng dụng kiến thức học tập để giải quyết các vấn đề thực tế. Thông qua đề tài nghiên cứu, sinh viên nắm bắt những vấn đề thực tế trong ngành và tìm hiểu về các công nghệ, quy trình và vật liệu mới; hiểu rõ hơn về các thách thức và cơ hội trong lĩnh vực chuyên môn, từ đó phát triển khả năng tư duy sáng tạo và giải quyết vấn đề cho đề tài nghiên cứu.
Sinh viên đang nghiên cứu về máy in 3D.
Để có được phong trào nghiên cứu khoa học trong sinh viên như hiện tại, đã có sự quan tâm từ nhiều phía, trong đó đầu tiên là định hướng từ phía lãnh đạo trường, sự hỗ trợ của Phòng Khoa học Công nghệ và đặc biệt là kế hoạch triển khai thực hiện từ lãnh đạo Khoa Cơ khí, đã khuyến khích động viên tinh thần cho Cán bộ hướng dẫn và sinh viên tham gia nghiên cứu. Nhận thức được tầm quan trọng của nghiên cứu khoa học gắn với đào tạo ngành nghề ở trường đại học; Giảng viên, Cố vấn học tập hướng dẫn trình tự, thủ tục đăng ký đề tài, gợi ý các định hướng nghiên cứu, động viên, khích lệ tinh thần nghiên cứu khoa học cho sinh viên khi lên lớp hoặc tại các buổi sinh hoạt lớp, bên cạnh đó Hội đồng khoa tổ chức các buổi góp ý, hoàn thiện các thuyết minh. Hằng năm, khoa tổ chức Ngày hội kỹ thuật để sinh viên làm quen với việc thiết kế, chế tạo máy và thiết bị; khuyến khích sự đam mê sáng tạo, hình thành ý tưởng NCKH mới cho sinh viên.
Các đề tài nghiên cứu khoa học của sinh viên đều hướng đến mục tiêu chung là nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ và kỹ thuật trong lĩnh vực cơ khí, trong đó tập trung vào thiết kế, chế tạo, cải tiến, cơ giới hóa, tự động hóa, ứng dụng năng lượng mới, vật liệu mới để nâng cao hiệu quả sử dụng máy và thiết bị. Các đề tài nghiên cứu khoa học của sinh viên trong thời gian gần đây có tính ứng dụng cao như: (1) Lĩnh vực thiết kế chế tạo có các đề tài: Thiết kế, chế tạo nẹp dùng hỗ trợ điều trị chấn thương và chỉnh hình, ứng dụng công nghệ chế tạo số và máy in 3D; Thiết kế, chế tạo máy tách tạp chất cho cà phê sau thu hoạch; Thiết kế, chế tạo máy phân loại cà phê quả tươi theo màu sắc; Thiết kế và chế tạo hoàn chỉnh máy rang cà phê dành riêng cho gia đình, công sở nhằm nâng cao hiệu quả quá trình sau thu hoạch và chế biến cà phê; Thiết kế và chế tạo máy giặt có kích thước nhỏ không sử dụng điện, tiết kiệm nước; Thiết kế chế tạo khuôn dập cho chi tiết nắp chặn trong bộ lọc dầu ô tô; (2) Lĩnh vực điều khiển tự động hóa có các đề tài: Thiết kế, chế tạo Drone phục vụ chữa cháy và cứu trợ tạm thời trên sân thượng tòa nhà cao tầng giúp dập tắt những điểm cháy và có thể cứu trợ kịp thời đối với các nạn nhân trong đám cháy; Thiết kế, chế tạo mô hình xe dò đường vận chuyển hàng tự động trong nhà máy, không cần người lái; Thiết kế, chế tạo hệ thống giám sát và điều khiển quạt tạo oxi ứng dụng cho các đìa nuôi thủy sản, giúp giảm công sức cho người công nhân; Thiết kế, chế tạo hệ thống tưới tiêu tự động phục vụ cho trồng trọt, giúp giảm công sức và tiết kiệm nước; Thiết kế, chế tạo mô hình chuồng nuôi gà tự động, có khả năng chăm sóc gà từ xa thông qua sự điều khiển từ điện thoại; (3) Lĩnh vực nhiệt lạnh có các đề tài: Nghiên cứu thiết kế chế tạo hệ thống tưới tiêu bằng năng lượng mặt trời, giúp tiết kiệm năng lượng; Ứng dụng năng lượng mặt trời kết hợp với hồng ngoại để nhằm rút ngắn thời gian sấy tôm thẻ khô, giảm chi phí năng lượng; Nghiên cứu ảnh hưởng của các phương pháp sấy đến suất tiêu hao năng lượng trong quá trình sấy tôm thẻ chân trắng; Thiết kế, chế tạo một tủ điện điều khiển loại cơ mới kết hợp với điều khiển PLC để điểu khiển cho hệ thống lạnh 2 cấp chạy cho tủ cấp đông gió; Thiết kế, chế tạo tủ điện dùng PLC để điều khiển hệ thống sấy chân không vi sóng nhằm nâng cao hiệu quả quá trình điều khiển, giám sát các thông số làm việc của thiết bị; Nghiên cứu về đánh giá hiệu quả của hệ thống lạnh sử dụng biến tần và không biến tần, nhằm nâng cao hiệu quả làm việc của thiết bị; Đánh giá hiệu quả năng lượng của một số môi chất lạnh cho hệ thống lạnh nén hơi dùng trong kho bảo quản;Phân tích exergy của hệ thống lạnh một cấp sử dụng môi chất lạnh khác nhau để tìm môi chất lạnh có hiệu quả năng lượng tốt nhất; (4) Lĩnh vực gia công, vật liệu có các đề tài: Khảo sát ảnh hưởng của thông số hàn ma sát khuấy đến sự hình thành cấu trúc mối hàn giáp mí giữa hợp kim nhôm AA6061 và đồng đỏ C1100; Khảo sát ảnh hưởng của môi trường đến quá trình ăn mòn của mối hàn chồng ma sát khuấy giữa hợp kim nhôm AA6061 và thép không gỉ SUS316; Khảo sát ảnh hưởng của tốc độ hàn ma sát khuấy đến ứng xử phá hủy của mối hàn chữ T giữa hợp kim nhôm và đồng thau; Khảo sát ảnh hưởng của tốc độ quay dụng cụ đến sự hình thành cấu trúc và cơ tính của mối hàn ma sát khuấy chữ T giữa hợp kim nhôm và đồng thau, nhằm nâng cao hiệu quả và đảm bảo độ bền của quá trình gia công, chế tạo thiết bị.
Sản phẩm từ đề tài Thiết kế, chế tạo nẹp cổ tay cá nhân hóa theo công nghệ in 3D.
Sinh viên bảo vệ đề tài Thiết kế, chế tạo máy cho gà ta ăn tự động theo độ tuổi.
Sinh viên trình bày đề tài Thiết kế, chế tạo máy sấy chân không.
Trưng bày poster giới thiệu kết quả các đề tài nghiên cứu.
Để duy trì phong trào nghiên cứu khoa học trong sinh viên, Khoa Cơ khí tiếp tục triến khai các hoạt động sau:
- Xây dựng môi trường nghiên cứu: tăng cường các trang thiết bị thí nghiệm cần thiết để tiến hành nghiên cứu.
- Tạo động lực và tinh thần: Tạo ra một tinh thần đam mê và sự quan tâm đối với nghiên cứu khoa học trong sinh viên bằng cách tổ chức các buổi thảo luận, buổi giới thiệu về nghiên cứu và những thành công của các nghiên cứu trước.
- Hướng dẫn và hỗ trợ: động viên, khích lệ tinh thần Cán bộ hướng dẫn có kinh nghiệm để giúp sinh viên đưa ra ý tưởng, xác định phương pháp nghiên cứu và cách triển khai đề tài nghiên cứu. Tổ chức góp ý hoàn thiện đề xuất trước khi gửi hội đồng xét duyệt.
- Hợp tác, tìm kiếm nguồn tài chính cho nghiên cứu: tăng cường hợp tác với doanh nghiệp để hỗ trợ các quỹ nghiên cứu, trang thiết bị phục vụ nghiên cứu.
- Thực hiện đề tài nghiên cứu liên ngành: khuyến khích sinh viên thực hiện đề tài nghiên cứu đa ngành, từ các ngành khác nhau để giải quyết các vấn đề phức tạp, giúp sinh viên khám phá nhiều kiến thức mới, phát triển kỹ năng làm việc nhóm và tạo ra những giải pháp sáng tạo.
Tác giả: TS. Nguyễn Hữu Nghĩa - Phụ trách Khoa Cơ khí