Khi đề cập đến chủ đề này, ai cũng nghĩ đến bom nguyên tử, đến vũ khí hóa học hay vi trùng, ít ai nghĩ đến các phát minh tưởng chừng rất tốt và vô hại thật ra cũng có các hạn chế nhất định.
Khởi nguồn từ việc tìm ra lửa cách đây hơn hai triệu năm và bắt đầu áp dụng lửa vào đời sống để nấu ăn, đi săn và chế tạo dụng cụ 400.000 ngàn năm trước, con người đã biết dùng lửa để tạo nên môi trường ấm áp hơn vào mùa đông, nhưng cũng chính điều này qua hàng trăm ngàn năm tiến hóa đã làm cho con người giảm khả năng chịu đựng nhiệt độ giá lạnh của thiên nhiên.
Dùng lửa nấu ăn tạo nên nhiệt độ cao giúp thủy phân các đại phân tử trong thức ăn như tinh bột, protein và làm cho chúng dễ tiêu hóa hơn nhưng cũng làm cho hệ vi sinh vật và enzym thủy phân thức ăn trong hệ tiêu hóa của con người kém đi so với người tiền sử.
Hình 1: Tìm ra lửa của người tiền sử khi đập các viên đá vào nhau
(https://energizednationalism.wordpress.com/wp-content/uploads/2013/10/early-man.jpg)
Việc phát minh ra các chất tẩy rửa làm con người sạch sẽ hơn nhưng cũng làm giảm hệ vi sinh cư trú, cộng sinh trên da và trong đường ruột. Người dân ở các nước công nghiệp dễ bị vấn đề tiêu hóa và rối loạn đường ruột khi ăn thức ăn lạ. Việc giảm cộng đồng vi khuẩn cư trú trên người ( microbiome) đã làm con người thiếu một số chất cần thiết cho cơ thể. Đặc biệt sau đại dịch Covid-19, con người có thói quen dùng chất tẩy rửa và vệ sinh quá mức làm ảnh hưởng đến hệ vi sinh vật trên người và gây ra một số bệnh không lây nhiễm và kháng kháng sinh (Hanieh-Sadat, 2020).
Hình 2: Hệ vi sinh vật cư trú trên cơ thể người (Human microbiome)
(https://www.sigmaaldrich.com/VN/en/products/molecular-biology-and-functional-genomics/microbiome)
Thuốc giảm đau ra đời là một thành tự to lớn làm cho dịu các cơn đau do chấn thương, bệnh tật nhưng cũng vì vậy, cơ thể ngày càng tiết ra ít hơn chất giảm đau để giúp con người chịu đựng được cơn đau. Hậu quả là ngày càng phải uống với liều lượng lớn hơn và có thể gây nghiện.
Đó là chưa nói đến tác hại của việc ô nhiễm nguồn nước của vô số các hóa chất và thuốc men mà nhân loại thải ra hàng ngày. Khi đến một hiệu thuốc, các bạn có hình dung hàng ngàn, chục ngàn loại thuốc đó, sau khi vào cơ thể bệnh nhân, phần lớn sẽ được thải ra sau đó và đi vào nguồn nước, thấm vào đất. Có bao nhiêu phản ứng thứ cấp xảy ra sau đó giữa chúng? Cuối cùng là gì và tác hại của chúng ra sao vẫn còn để ngõ. Chỉ biết là các căn bệnh có nguyên nhân không rõ ngày càng nhiều.
Hình 3: Thuốc giảm đau ngày càng phổ biến và đa dạng
(https://thorpesphysiotherapy.com/should-i-take-painkillers/)
Hình 4: Thống kê số loại thuốc hiện hành
(https://go.drugbank.com/stats)
Việc phát minh ra động cơ hơi nước là một bước tiến lớn của nhân loại, nhờ đó giảm lao động nặng nhọc và rủi ro lao động. Theo sự phát triển đó, các loại động cơ đốt trong, động cơ điện ra đời và nhờ đó ngành sản xuất và giao thông có những bước tiến thần kỳ. Không ai có thể phủ nhận vai trò lớn lao của các phát minh liên quan đến động lực. Nhưng cũng từ đó, con người không còn các lao động tay chân nặng nhọc nữa, nhân loại ngày càng yếu đi và phát sinh các bệnh do dư thừa năng lượng và chất béo như tim mạch, tiểu đường, yếu hệ cơ xương. Để thấy sự suy yếu này, chỉ cần đến các viện bảo tàng lưu giữ các áo giáp sắt, chiến cụ của người xưa. Sẽ khó hình dung được con người ngày nay mặc hết và mang hết những chiến cụ đó lên người mà còn phải đi bộ hàng trăm dặm. Đó là chưa kể lúc lao vào cuộc chiến sinh tử kéo dài.
Hình 5: Bộ áo giáp của hiệp sĩ thời trung cổ
(https://www.bigstockphoto.com/image-224661742/)
Cho đến nay, chúng ta chỉ mới nói đến ảnh hưởng tiêu cực của một số phát minh đến phần thể chất của con người. Hãy lướt qua các phát minh liên quan đến việc hỗ trợ cho các chức năng suy nghĩ. Đầu tiên là phát minh ra hệ ký hiệu của ngôn ngữ, nhờ đó sự thông thái, kinh nghiệm của con người được lưu lại và truyền đi chính xác. Nhưng cũng vì vậy, khả năng tập trung khi nghe và khả năng nhớ lại của con người bị suy giảm. Một nghịch lý là kiến thức càng nhiều, sách vở, phương tiện lưu giữ càng nhiều, con người nhớ càng ít.
Hình 6: Bảng chữ hình nêm của người Sumeria, 4000 năm TCN.
(https://en.wikipedia.org/wiki/Cuneiform#/media/File:Precuneiform_tablet-AO_29561-IMG_9151-gradient.jpg)
Với sự ra đời của internet và các nền tảng tra cứu nhanh trên đó, con người hiện đại gần như không nhớ gì. Không nhớ số nhà bạn bè, không nhớ đường đi, không nhớ lịch họp, không nhớ là mình đang ở đâu nữa khi đang đi tàu xe. Nếu về thăm các làng quê ngày xưa, không khó để tìm thấy các cụ bà, không biết chữ nhưng thuộc lòng truyện Kiều của đại văn hào Nguyễn Du, thuộc lòng Chinh phụ ngâm bản dịch nôm của Phan Huy Chú/ Đoàn Thị Điểm, thuộc vô vàn các câu ca dao, tục ngữ, truyện cổ dân gian mà ông bà ngàn năm truyền lại. Các bạn sẽ nói cần gì phải nhớ những cái mà tôi có thể tìm ra trong một cái nhấp chuột. Bạn nói đúng nhưng vấn đề nằm ở chỗ khi bộ não không nhớ nhiều, nó sẽ khó suy nghĩ sâu sắc hơn và khó tìm ra giải pháp hơn. Học sinh và sinh viên hiện nay phần lớn giải bài tập theo các thủ thuật được dạy với mục đích tìm ra cái đúng hình thức hơn là suy nghĩ thực chất.
Hình 7: Truyện Kiều của Nguyễn Du
Kim Vân Kiều, Á Châu xuất bản năm 1957
(https://www.nguyendu.com.vn/vi/nhan-de-goc-cua-truyen-kieu.html)
Từ khi phát minh ra bàn tính Trung Hoa cho đến các máy tính bỏ túi và siêu máy tính, khả năng tính nhẩm của con người đã suy giảm. Cứ so sánh khả năng của một bà cụ bán hàng với một thanh niên có học thì biết là ai có khả năng sử dụng bộ não để tính nhẩm tốt hơn.
Hình 8: Các bàn tính cổ đại.
a: Bàn tính của người Sumeria (2700-2300 TCN), b: Bàn tính của người Trung Quốc (Thế kỷ II TCN).
(https://supermind.edu.vn/page/facilities)
Gần đây rộ lên thành tựu của trí tuệ nhân tạo (AI- Artificial Intelligence) mà ngay cả người phát minh ra nó, Geoffrey Hinton, được mệnh danh là Bố già AI (Godfather of AI), người được giải Nobel vật lý năm nay cùng với John Hopfield, cũng ân hận mặc dù hiệu quả của AI trên nhiều lĩnh vực thật to lớn. Nó giúp nhân loại giải được những bài toán lớn và khó như tiên đoán chính xác cấu trúc phức tạp của các phân tử protein (giải Nobel hóa học năm nay) dựa trên trình tự của chuỗi acid amin (tức là cấu trúc bậc 1) của protein đó. Nó giúp con người từ việc cung cấp những thông tin nhỏ cho đến điều hành một hệ thống lớn như trả lời các câu hỏi từ nấu ăn, bình luận văn học cho đến lập trình, có thể vẽ tranh, chỉ huy dàn nhạc giao hưởng, dựng video clip theo yêu cầu chỉ bằng văn bản. Khó mà có thể hình dung tất cả các công việc mà AI đã và đang phát triển để có thể thay thế công việc trí óc của con người. Nhưng cũng chính vì thế, con người dần dà sẽ ỷ lại và giảm khả năng tự suy nghĩ. Trẻ con sẽ không chịu tự suy nghĩ để làm bài tập, người lớn rồi sẽ mất dần khả năng tư duy để giải quyết vấn đề. Họ sẽ có xu hướng dựa vào câu trả lời hay lời khuyên của các phần mềm AI và lâu dần sẽ xem AI là tiêu chuẩn. Hậu quả là con người sẽ suy nghĩ ngày càng ít đi.
Nhưng để có câu trả lời về một chủ đề nào đó, AI phải được học, nó học cái gì, đó là toàn bộ khối kiến thức đã được số hóa và chuyển lên mạng của nhân loại. Ai giúp AI thẩm định hết tính chính xác của những cái nó học? Không ai có thể làm được. Điều gì xảy ra khi AI được học từ khối kiến thức do một cộng đồng dễ dãi quăng lên mạng? Không khó để có câu trả lời. Nó sẽ nói theo cái sai phổ biến của đám đông vì nó hoạt động một phần dựa theo thống kê.
Bản thân người viết đã kiểm tra nhiều lần các vấn đề này và hiểu được xu hướng đám đông của AI. Có người sẽ lập luận rằng máy tính hay AI giúp giải các bài toán lớn và rắc rối để nhân loại rảnh trí óc giải các bài toán khó và quan trọng hơn. Điều đó đúng nhưng bao nhiêu phần trăm trong nhân loại có được trình độ cao đó? Kết quả là, tương tự như sự suy giảm thể chất do các loại máy móc và động cơ, năng lực suy nghĩ của phần lớn nhân loại sẽ suy giảm.
Một nghịch lý là để nâng cao khả năng tính toán của máy tính, người ta nghiên cứu hoạt động của bộ não qua liên kết của các neuron thần kinh. Nhưng khi đưa vào áp dụng, các hệ neuron của máy tính tạo nên các liên kết ngày càng phức tạp trong khi bộ não của con người thì làm việc ít đi, nghĩa là liên kết của các neuron trong não người sẽ ít đi. Do suy giảm thể chất vì ít lao động tay chân, nhân loại sinh ra thể dục để phòng tránh các bệnh tim mạch, tiểu đường…, tại các phòng tập Gym. Liệu trong tương lai, nhân loại lại cần có các phòng tập Mind để tránh suy thoái năng lực trí tuệ?
-----------------------------------------------------------------
Tài liệu tham khảo
J Diabetes Metab Disord. 2020 Jul 3;19(2):2031–2033. doi: 10.1007/s40200-020-00579-0
https://thorpesphysiotherapy.com/should-i-take-painkillers/
https://edition.cnn.com/2024/10/24/style/ai-da-ai-robot-painting-auction-sothebys-intl-scli-tan
https://supermind.edu.vn/page/facilities
https://www.nguyendu.com.vn/vi/nhan-de-goc-cua-truyen-kieu.
https://en.wikipedia.org/wiki/Cuneiform