Hàng năm, trường Đại học Nha Trang không chỉ đón thêm hàng ngàn sinh viên trong nước mà còn tiếp nhận ngày càng nhiều sinh viên nước ngoài theo học các chương trình đại học, cao học, các khóa học ngắn hạn. Ví dụ năm 2018, Trường có 60 sinh viên quốc tế theo học các chương trình cấp bằng và nhiều lượt sinh viên đến trường thực tập, học trao đổi 1 học kỳ hoặc tham gia chương trình ngắn hạn. Vậy đâu là lý do để Trường ĐH Nha Trang thu hút các sinh viên quốc tế? Hãy cùng chúng tôi tìm câu trả lời từ các bạn sinh viên Tomas (Namibia), Louis (Haiti) và Jean (Rwanda).
Các ngành học hấp dẫn
Với việc mở rộng hợp tác với nhiều cơ quan, học viện, trường đại học từ các quốc gia trên thế giới, Trường ĐH Nha Trang hiện nay đã mở thêm nhiều ngành đào tạo thạc sĩ bằng tiếng Anh hoặc tiếng Pháp, gồm: Quản trị kinh doanh và du lịch (Song ngữ tiếng Anh và tiếng Pháp, dưới sự hợp tác và hỗ trợ của Tổ chức Đại học Pháp ngữ), Công nghệ thực phẩm - Food Technology (Chương trình quốc tế đào tạo bằng tiếng Anh, theo dự án VLIR của chính phủ Bỉ), Quản lý hệ sinh thái biển và biến đổi khí hậu (Chương trình quốc tế đào tạo bằng tiếng Anh, theo dự án NORHED của chính phủ Nauy).
Các tổ chức như Tổ chức Đại học Pháp ngữ hay các dự án của chính phủ Bỉ, chính phủ Nauy là những dự án, tổ chức có tiếng trên thế giới. Chính vì vậy, việc tiếp cận thông tin về các chương trình học này cũng như thu hút sự chú ý đến các sinh viên từ khắp thế giới trở nên dễ dàng và thuận tiện hơn.
Tomas Ndatitangi Nalukaku đến từ Namibia cho biết cô đã nộp đơn cho chương trình Quản lý hệ sinh thái biển và biến đổi khí hậu giảng dạy tại Trường ĐH Nha Trang và cảm thấy may mắn vì được chấp thuận. Chương trình này cũng phù hợp với định hướng về nghề nghiệp của Tomas trong tương lai. Hiện tại Tomas đã hoàn thành chương trình học 2 năm của khóa thứ 3 với điểm bảo vệ cao nhất trong 3 khóa học.
Trong khi đó, Louis Hernseau, một sinh viên khác đến từ quốc đảo Haiti, vùng Caribbean, lại tìm thấy cơ duyên với Trường ĐH Nha Trang thông qua Tổ chức Đại học Pháp ngữ. “Tôi luôn mong muốn học cao học để gia tăng cơ hội có việc làm tại quê hương với một mức lương tốt. Tôi đã nộp đơn cho chương trình thạc sĩ song ngữ Quản trị kinh doanh và du lịch và được Trường tiếp nhận. Ngay khi tìm thấy thông tin về chương trình này, tôi biết rằng tôi thật sự muốn theo học”, anh nói.
Louis (ngoài cùng bên phải) mong muốn học cao học để có một công việc tốt tại Haiti
Còn đối với Jean Baptiste Simurabiye, sinh viên đến từ Rwanda hiện đang theo học chương trình Thạc sĩ Công nghệ thực phẩm, lựa chọn trường ĐH Nha Trang sau khi được biết trường có ngành học cho sinh viên quốc tế. Bên cạnh đó, anh cũng rất hứng thú vì vị trí địa lý của Trường.
Môi trường học tập thuận lợi
Năm 2019, Trường Đại học Nha Trang đánh dấu 60 năm xây dựng và phát triển. Một số công trình trong trường có giá trị lịch sử đã được tu tạo, sửa chữa song song với việc bảo tồn nuôi dưỡng cây xanh. Một số công trình khác được xây mới cùng trang thiết bị hiện đại. Điều này góp phần tạo khuôn viên Trường ĐH Nha Trang hòa hợp cả mới và cũ, một nét hấp dẫn đối với cả sinh viên Việt Nam và quốc tế.
Tomas chia sẻ: “Môi trường ở đây rất gần gũi và giúp ích cho việc học tập. Các phòng học và tất cả cơ sở vật chất như phòng thí nghiệm,v.v đều được trang bị tốt. Chúng giúp cho việc học và giảng dạy trở nên dễ dàng hơn”.
Mặt khác, các sinh viên nước ngoài khi tới học tập tại Trường cũng không quá lo lắng về chỗ ở vì sẽ được ở tại khu ký túc xá, nằm ngay trong khuôn viên trường. “Thiết bị thể dục thể thao của Trường cũng rất tốt. Có nhiều sân bóng rổ, phương tiện tập thể dục, sân bóng chuyền, sân cầu lông, v.v gần khu ký túc xá, giúp chúng tôi có thời gian giải tỏa áp lực sau những buổi học tập”, Tomas nói thêm.
Thành phố biển thân thiện, hiếu khách
Trường Đại học Nha Trang nằm trên đồi Lasan của thành phố biển Nha Trang luôn nhộn nhịp khách du lịch, nên sinh viên quốc tế khi đến học tập tại đây luôn cảm thấy cuộc sống sôi động, không nhàm chán. Bên cạnh các khu vui chơi, nhà hàng, danh lam thắng cảnh nổi tiếng, sinh viên có thể tìm đến những bảo tàng sinh vật biển, những ngôi làng ngoại ô, hay ghé thăm các tỉnh lân cận khi rảnh rỗi. Qua đó, các bạn có cơ hội tìm hiểu thêm về con người Nha Trang nói riêng và con người Việt Nam nói chung, hòa nhập hơn với cuộc sống nơi đây.
Tomas (thứ 2 từ trái qua) trong một chuyến dã ngoài cùng lớp Access - Trường ĐH Nha Trang
Khi đề cập đến Nha Trang, Louis vui vẻ đáp rằng: “Đây quả là một nơi kỳ diệu. Mảnh đất này nổi tiếng với du lịch, những khách sạn sang trọng và việc đầu tư vào những sản phẩm dành cho các du khách (an ninh, lòng hiếu khách, văn hóa, những bãi biển đẹp,di sản vật chất và phi vật chất, ánh mặt trời, ẩm thực…). Đây là yếu tố quyết định của nơi thiên đường với diện tích chỉ 251 km2 này”.
Với Tomas, ấn tượng nhất với cô là con người Việt Nam: “Tôi đánh giá cao và sẽ mang về nhà tính kỷ luật và sự chăm chỉ, đặc biệt là từ những phụ nữ Việt Nam rất siêng năng. Tôi nhận thấy rằng người Việt Nam cũng thích tận hưởng cuộc sống bất kể tuổi tác của họ: họ vẫn dành thời gian để đi bơi hoặc đi uống cà phê. Đó có lẽ là điều tôi sẽ dạy lại cho những người của tôi ở Namibia. Ăn uống lành mạnh cũng là một điều tôi sẽ luôn nhớ”.
Con người cũng là một yếu tố khiến Jean cảm thấy nơi đây như “nhà” của mình. Anh kể về kỷ niệm lần đầu tiên đến Nha Trang: “Khi đến sân bay Cam Ranh, tôi đã bị lạc vì khi đó là buổi tối. Khi tôi đang cố gắng xoay sở thì một người đàn ông khá lớn tuổi đã đến chỗ tôi và cố gắng nói chuyện bằng tiếng Việt, nhưng tôi không trả lời. Ông ấy hẳn đã thấy tôi cần sự giúp đỡ nên đã nhờ 1 cô gái đến hỗ trợ phiên dịch, cuối cùng cũng giúp tôi đến được Trường ĐH Nha Trang. Mỗi khi nhớ về điều này, tôi luôn cảm thấy khó tin”.
Jean (thứ 5 từ trái qua) cảm nhận Nha Trang và Việt Nam như ngôi nhà thứ 2
Trong tương lai, Trường ĐH Nha Trang sẽ tiếp tục thúc đẩy, mở rộng các ngành học tiếng Anh, Pháp, v.v.. thông qua các quan hệ hợp tác quốc tế. Qua đó các sinh viên từ nhiều quốc gia khác nhau sẽ có cơ hội đến Nha Trang, Việt Nam học tập cũng như giao lưu văn hóa giữa các nước.
Phòng Hợp tác Đối ngoại