Nói về điểm bắt đầu của con đường nghiên cứu khoa học mà tôi đã đi qua, tôi nghĩ rằng cần truy đến nơi khởi phát niềm đam mê tìm tòi nghiên cứu. Từ khi còn khoác áo học sinh chưa biết nghiên cứu khoa học là gì, tôi đã đặc biệt yêu thích môn Toán và Vật lý, tôi cũng rất thích quan sát và đặt câu hỏi các loại máy móc thiết bị vận hành ra sao. Chính niềm đam mê sớm in sâu vào tiềm thức đó đã trở thành kim chỉ nam hướng tôi đến lựa chọn trở thành sinh viên ngành Kỹ thuật Tàu thủy, Trường Đại học Nha Trang sau này.
Bước chân vào cổng trường đại học, tôi vô cùng hạnh phúc khi được học tập dưới sự dẫn dắt, chỉ bảo của những người thầy hết sức tận tụy, tâm huyết, say mê nghiên cứu khoa học, có nhiều công trình nghiên cứu về kỹ thuật tàu thủy và những người bạn học tuyệt vời tại Khoa Kỹ thuật Giao thông - Trường Đại học Nha Trang. Tấm gương yêu nghề, hết mình trong nghiên cứu khoa học của các thầy là động lực to lớn và là viên gạch gây dựng nền móng sự nghiệp giảng dạy của tôi sau này. Tôi đã từng khao khát một ngày nào đó cũng được đứng trên bục giảng, thổi bùng nhiệt huyết và truyền kiến thức cho các thế hệ sinh viên, rồi bước xuống giảng đường thì thời gian còn lại thỏa sức nghiên cứu, nghiên cứu và nghiên cứu. Thật may mắn tôi đã được đi trên con đường đó đến tận bây giờ. Kết thúc 4 năm ngồi trên ghế giảng đường, tôi đã hoàn thành khóa luận tốt nghiệp của mình với nhóm nghiên cứu từ đề tài nghiên cứu khoa học (NCKH) sinh viên . Sau khi ra trường, bạn bè lựa chọn nhiều ngả đường, riêng tôi thì luôn tin rằng con đường ở lại giảng dạy ở trường đại học có thể còn rất nhiều thử thách, nhưng đây là lựa chọn tốt nhất giúp tôi có điều kiện theo đuổi lý tưởng nghiên cứu khoa học của mình, và mái trường này cũng là nơi tôi có thể ươm mầm những tài năng nghiên cứu khoa học sau này, góp phần dìu dắt các em sinh viên có xuất phát điểm giống tôi 14 năm về trước.
Nhóm NCKH sinh viên của TS. Đỗ Quang Thắng khi còn là SV khoa KTGT (2005-2009).
Khi đã trở thành giảng viên chính thức, tôi được nhà trường cử đi học bậc thạc sĩ và tiến sĩ tại Đại học Ulsan – Hàn Quốc. Đây thực sự là một chân trời mới mở ra trước mắt tôi – một thiên đường lý tưởng về nghiên cứu lĩnh vực Kỹ thuật tàu thủy và Công trình biển. Tại đây, tôi nhận ra bản thân vẫn còn nhiều thiếu sót, sự khiếm khuyết trong tư duy nghiên cứu và tác phong làm việc. Nhưng thử thách cũng là cơ hội nếu như ta biết triệt để nỗ lực và nắm bắt, tôi đã đặt mục tiêu cố gắng để thời gian đi học nước ngoài không trở nên uổng phí. Hàn Quốc vốn là một đất nước đề cao sự nghiêm túc trong học tập, giáo dục, nghiên cứu. Dưới sự hướng dẫn của giáo sư, người thầy và cũng là nhà nghiên cứu khoa học nổi tiếng trong lĩnh vực tàu thủy tại Hàn Quốc và trên thế giới, tôi đã tích lũy được nhiều kinh nghiệm bổ ích, dần hoàn thiện về thái độ làm việc, phương pháp nghiên cứu. Thầy luôn đề ra tiêu chuẩn cao với học trò nhưng cũng luôn động viên tôi vượt qua chính mình, cho tôi niềm tin nghiên cứu khoa học cũng như một vạn việc khác vậy: kiên trì, đúng định hướng thì tất sẽ có thành tựu. Tôi luôn quan niệm rằng “Hãy theo đuổi đam mê, thành công sẽ theo đuổi mình”. Do đó, tôi tiếp tục phát triển đề tài NCKH từ hồi sinh viên để nghiên cứu sâu hơn tại bậc đào tạo Thạc sĩ, Tiến sĩ.
Hình ảnh TS. Đỗ Quang Thắng tiếp tục phát triển đề tài NCKH từ sinh viên lên đề tài Thạc sĩ và Tiến sĩ tại Đại học Ulsan, Hàn Quốc.
Trở về nước, với sự tận tình quan tâm, giúp đỡ của nhà trường và đồng nghiệp, tôi tiếp tục công việc vừa giảng dạy, vừa nghiên cứu cho ra đời các bài báo mới. Hiểu được thế mạnh nghiên cứu của mình, tôi vẫn bám sát trục nghiên cứu về tàu thủy và công trình ngoài khơi để đào sâu hơn nữa, đưa ra những kết quả mới với hi vọng có thể cống hiến sức mình vào sự phát triển của ngành Kỹ thuật tàu thủy và công trình biển. Bên cạnh đó, các đề tài nghiên cứu đã và đang thực hiện cũng giúp tôi tránh sa vào tình trạng giảng “chay”, thực sự đem đến cho các em sinh viên theo học bộ môn “Phương pháp nghiên cứu khoa học” mà tôi đang giảng dạy những kiến thức thực tế, “thực chiến” mà tôi đã kinh qua để rồi đúc kết lại. Từ những bài giảng như vậy, các em sẽ hiểu được các bước cụ thể để tiến hành nghiên cứu khoa học, và hiểu được con đường nghiên cứu khoa học thực sự có gian nan nhưng cũng hết sức vinh quang. Tôi hết sức vui mừng trước thành tích mà các học trò của mình đạt được trong nghiên cứu khoa học. Tôi đã trực tiếp hướng dẫn một số nhóm sinh viên NCKH và đạt được kết quả nhất định. Mỗi ngày, tôi đều cố gắng dành ra thời gian làm việc nhất định để việc nghiên cứu khoa học diễn ra đều đặn, không ngừng trệ. Muốn không bị trở nên tụt hậu về phía sau trong thời buổi khoa học công nghệ phát triển từng giây, từng phút thì người nghiên cứu phải đề ra chiến lược cụ thể, duy trì kỷ luật và phải đọc, tự học hỏi mỗi ngày để nắm được tình hình nghiên cứu trong nước cũng như quốc tế về lĩnh vực mình đang theo đuổi, tích cực trao đổi chuyên môn với các nhà nghiên cứu khác.
Nhóm sinh viên KTTT nghiên cứu về giàn khoan ngoài khơi do TS. Đỗ Quang Thắng hướng dẫn.
Đặc biệt, từ năm 2022, tôi được Nhà trường tin tưởng giao trọng trách Bí thư Đoàn thanh niên trường đại học Nha Trang, công việc Đoàn hội cần nhiều thời gian và năng lượng. Nhưng qua công tác Đoàn thanh niên, tôi như tìm thấy ý nghĩa và niềm vui mới trong việc nghiên cứu khoa học. Tôi nhận ra các bạn Đoàn viên đến từ các khoa viện đều hết sức năng động, sáng tạo, trong đó nhiều bạn đam mê nghiên cứu khoa học cũng đang từng bước tìm hướng đi, nuôi dưỡng niềm đam mê của mình. Hoạt động Đoàn giúp tôi hiểu thêm về chí hướng, tâm tư, tình cảm của các em để có thể đưa ra cho các em những lời khuyên hữu ích. Thông qua sự giao lưu, trao đổi giữa Đoàn thanh niên trường đại học Nha Trang và các Đoàn thanh niên, các cơ quan đơn vị khác các cơ hội hợp tác, tài trợ nghiên cứu khoa học cũng rộng mở. Công việc Đoàn hội không những không ảnh hưởng đến hoạt động nghiên cứu khoa học của tôi mà còn hỗ trợ tôi lan tỏa năng lượng, được góp phần “chắp cánh” cho các bạn sinh viên trong trường thực hiện mơ ước nghiên cứu khoa học, phát huy thế mạnh nghiên cứu của mình. Đoàn đóng vai trò như một mạng lưới kết nối hiệu quả các bạn sinh viên có cùng đam mê nghiên cứu – tôi lạc quan tin tưởng đây sẽ là những nhân tố sáng giá sẽ cống hiến sức mình để xây dựng nền khoa học nước nhà phát triển vững mạnh trong tương lai.
Với sự cố gắng và kiên trì trong NCKH, bản thân cũng gặt gái được những kết quả ban đầu như: H-index 11, tác giả của 18 bài báo quốc tế SCIE (trong đó 10 bài là tác giả chính), tác giả chính 10 bài đăng trên tạp chí khoa học trong nước và 25 bài báo tại các hội thảo quốc tế; nhiệm thu thành công 01 đề tài NAFOSTED của Quỹ phát triển KH&CN Quốc gia.
Qua bài viết này, tôi xin gửi lời chân thành cảm ơn tới Nhà trường, các đồng nghiệp yêu quý và các em sinh viên, các bạn Đoàn viên thanh niên trường Đại học nha Trang đã luôn đồng hành, yêu mến, giúp đỡ, tạo điều kiện tốt nhất để tôi hoàn thành nhiệm vụ giảng dạy, nghiên cứu khoa học và nhiệm vụ Đoàn giao phó. Mong rằng những lời bộc bạch chia sẻ của tôi sẽ tăng thêm sức mạnh tinh thần, niềm tin cho các bạn sinh viên yêu thích nghiên cứu khoa học vững bước trên con đường nghiên cứu phía trước. Nhà văn Lỗ Tấn từng nói: “Kì thực trên mặt đất vốn làm gì có đường, người ta đi mãi thành đường thôi”, vô số các nhà khoa học đi trước đã để lại thành tựu nghiên cứu, đặt bản lề cho những người phía sau. Nhiệm vụ của chúng ta là tiếp thu nhưng đừng theo những lỗi mòn, hãy sáng tạo và dũng cảm khai phá những con đường mới, dù bước chân đầu tiên bao giờ cũng hết sức khó khăn nhưng kiên trì không bỏ cuộc, vun trồng ắt sẽ có ngày gặt hái thành công xứng đáng.
Đối với sinh viên yêu quý tại Trường Đại học Nha Trang, nghiên cứu khoa học không chỉ là một nhiệm vụ học tập, mà còn là một cơ hội để khám phá, đóng góp và thay đổi thế giới xung quanh. Một slogan đầy ý nghĩa mà tôi muốn chia sẻ cùng các bạn trẻ để truyền cảm hứng cho bạn bước vào cuộc hành trình nghiên cứu khoa học của mình: "Khám phá Đam Mê NCKH, Ánh Sáng Tương Lai!"