Trung tâm Nghiên cứu Giống và Dịch bệnh Thủy sản nghiên cứu đánh giá vắc xin phòng bệnh cá mú ngủ
Nhằm góp phần hạn chế thiệt hại từ bệnh cá mú ngủ, Trung tâm Nghiên cứu Giống và Dịch bệnh Thủy sản - Trường ĐH Nha Trang đã tiến hành tiêm vắc xin phòng bệnh cho khoảng 8000 cá thể cá mú lai vào cuối tháng 08/2021.
Trong nhiều năm gần đây, hiện tượng cá mú nuôi chết với dấu hiệu đặc trưng của bệnh cá mú ngủ xảy ra thường xuyên ở khu vực Cam Ranh, Cam Lâm và Vạn Ninh (Khánh Hòa) với tỉ lệ chết tích lũy lên đến 70% quần thể đàn cá nuôi. Kết quả xét nghiệm bằng Elisa cho thấy cá dương tính với Iridovirus. Nhóm nghiên cứu của Trung tâm Nghiên cứu Giống và Dịch bệnh Thủy sản – Trường ĐH Nha Trang đã tiến hành nghiên cứu nhằm đánh giá khả năng bảo hộ của vắc xin Piscivac Irido Si đối với bệnh cá mú ngủ do iridovirus gây ra. Trước đó, từ năm 2019, vắc xin Piscivac Irido Si đã được sử dụng để phòng bệnh do Iridovirus gây ra trên cá chẽm ở Việt Nam.
Vắc xin Piscivac Irido.
Kết quả thí nghiệm cho thấy hệ số bảo vệ tương đối của vắc xin Piscivac Irido Si đối với bệnh do iridovirus gây ra ở cá mú là 72,9%, vắc xin Piscivac Irido Si hoàn toàn an toàn cho cá mú lai trong quá trình sử dụng.
Ở Việt Nam, cá mú đã được nuôi từ lâu nhưng cho đến nay nghề nuôi cá mú vẫn chưa phát triển mạnh bởi nhiều nguyên nhân khác nhau, trong dịch dịch bệnh là một trong những nguyên nhân quan trọng. Iridovirus gây bệnh cá mú ngủ thường xuất hiện ở giai đoạn cá mú giống và nuôi thương phẩm. Dấu hiệu đặc trưng của bệnh cá mú ngủ là cá thường chết vào buổi tối hoặc sáng sớm mà không có dấu hiệu thương tổn trên bề mặt cơ thể. Hiện nay vẫn chưa có thuốc chữa bệnh này trên cá mú, do đó vắc-xin phòng bệnh vẫn đang là phương pháp hiệu quả nhất để hạn chế thiệt hại từ loại dịch bệnh này.