“Chiều cuối xuân ngắm hoa rụng bên thềm
Chắp tay cầu gửi trời cao vời vợi
Nơi xa xăm, hi vọng em biết tới
Có một người mang nỗi nhớ tình xa.”
Đúng vậy, yêu xa thật khó khi không thể nào có thể trực tiếp cùng nhau chia sẻ mọi việc. Trong quãng đời đi học của mình,những năm tháng hẹn hò và cùng nhau tiến bộ tại ngôi trường Đại học Nha Trang này có lẽ đã lưu giữ trong tôi những ký ức đẹp nhất mà có lẽ không bao giờ quên được.
Tôi, một sinh viên hiện đang học năm 2 trường đại học Nha Trang, nhưng tôi nghĩ trường hợp của mình có một chút khác lạ so với nhiều sinh viên trong Trường, đó là tôi sinh ra và lớn lên tại Lào – đất nước láng giềng thân thiết với Việt Nam. Thời gian đầu vừa đặt chân đến đây, có rất nhiều khó khăn đến với tôi. Từ nơi ở, văn hóa, đồ ăn đến ngôn ngữ, giao tiếp với mọi người xung quanh,... có lẽ vì thế, mà tôi luôn cảm thấy vô cùng biết ơn và cảm kích với những người đã giúp mình vượt qua khoảng thời gian vô cùng khắc nghiệt ấy. Phải kể đến em, một cô gái tràn đầy năng lượng với mái tóc dài, xoăn nhẹ xõa ngang lưng. Có chừng hơn 70 cô gái chung lớp, nhưng tôi lại ấn tượng với em. Em thường xuyên hỏi thăm tình hình học tập của tôi: “Bạn có hiểu bài không?”, “mình chép bài giúp bạn nhé?”, “bạn đã biết mua đồ thể dục, bài giảng, sách vở, bút viết ở đâu chưa?”,... tôi cảm nhận được sự tốt bụng, gần gũi từ nơi em. Đó là động lực khiến một chàng trai không giỏi Tiếng Việt nhưng quyết tâm phải cưa đổ được em.
Thấm thoát cũng đã gần 2 năm gắn bó cùng nhau, em dắt tôi ghé thăm từng quán ăn vỉa hè, từng góc phố nhỏ, những nơi mà người bản địa thường ghé thăm. Chúng tôi cùng nhau đi dạo trong khuôn viên trường, cùng nhau chia sẻ văn hóa ở 2 nước, cùng nhau học nhóm, cùng nhau lớn lên từng ngày,... Ấy thế mà vẫn thấy vui, có lẽ không quan trọng là đi đâu, quan trọng là chúng ta đi cùng ai.
Cứ tưởng chừng mối tình của tôi sẽ luôn vui vẻ và hạnh phúc như vậy cho đến khi dịch COVID-19 xảy ra. Gần 4 tháng kể từ khi ca nhiễm COVID-19 đầu tiên được báo cáo, hàng triệu người trên toàn thế giới đã nhiễm bệnh. Tính phức tạp của dịch bệnh, sự thiếu hụt thuốc men và thiết bị y tế khiến các quốc gia buộc phải áp dụng quy định đóng cửa biên giới, khoanh vùng cách ly và giãn cách xã hội, như một biện pháp tốt nhất để ngăn dịch bệnh. Các biện pháp này gây nên không ít xáo trộn trong cuộc sống đời thường của tôi và em, chúng tôi khao khát gặp gỡ hơn bất cứ khoảng thời gian nào trước đó. Và những cuộc gọi video được diễn ra, trên hai chiếc smartphone, ở hai quốc gia, thuộc hai vùng văn hóa vô cùng tách biệt.
Có thể đối với mọi người, 3 tháng là khoảng thời gian ngắn, nhưng đôi với một người đang yêu thì tưởng như đã rất lâu rồi. Khoảng thời gian đầu xa nhau, có rất nhiều bất đồng bắt đầu xảy ra, có thể là vì ngôn ngữ của tôi chưa được chuẩn, cách biểu đạt tình cảm của mình qua tin nhắn không đúng, khiến hai đứa dần xa cách hơn. Nhưng không bỏ cuộc, tôi luôn là người an ủi, động viên em cùng nhau vượt qua giai đoạn này. Rồi đến khi trường thông báo học online, cảm giác bấy giờ chính là hoang mang vô cùng. Hàng loạt câu hỏi xuất hiện trong đầu tôi: “ngôn ngữ bản thân mình còn hạn chế, mình sẽ hiểu hết mọi lời giảng của giảng viên chứ?”, “mình sẽ học bằng phương tiện gì khi mạng ở Lào rất yếu?”, “sách vở, tài liệu, bút viết?”... có lẽ em hiểu những suy nghĩ của tôi, em luôn hỗ trợ bất cứ khi nào tôi cần, mà không một lời than phiền, khó chịu. Sẽ rất khó khăn nhưng cả hai đều mong vượt qua thời điểm dịch bệnh diễn biến phức tạp, để có thể cùng nhau lượn lờ từng góc phố, những món ăn ngon chưa có dịp thưởng thức, đặc biệt là xây dựng những kỉ niệm tình yêu thời sinh viên tại ngôi trường đại học Nha Trang này. Không ai biết chắc chắn khi nào dịch bệnh sẽ dừng lại, nhưng chúng ta vẫn có niềm hi vọng lớn lao về tương lai tốt đẹp phía trước, mọi thứ sẽ trở lại đúng như quỹ đạo ban đầu.
Chắc chắn những kí ức tại đây, cùng với người ấy, là những món quà đặc biệt không mang ý nghĩa vật chất mà tôi không thể nào quên trong cuộc đời của mình.
Bài viết: Sathid Sisanga
Ảnh: Nguồn Internet