Hội nghị Các Bên (Conference of the Parties COP)
Hội nghị Các Bên, Conference of the Parties, gọi tắt là COP, là cơ quan ra quyết định cao nhất của Công ước về Biến đổi khí hậu (Convention of Climate Change). Tất cả các quốc gia, gọi tắt là Các Bên (Parties) tham gia Công ước đều có đại diện tại COP, tại đó họ xem xét việc thực hiện Công ước và mọi văn bản pháp lý khác mà COP thông qua và đưa ra các quyết định cần thiết để thúc đẩy việc thực hiện Công ước một cách hiệu quả, bao gồm cả các thỏa thuận về thể chế và hành chính.
Nhiệm vụ chính của COP là xem xét lại các thông tin quốc gia và đánh giá phát thải do Các Bên đệ trình. Dựa trên các thông tin này, COP đánh giá tác động của các biện pháp do Các Bên thực hiện và tiến bộ đã hoàn thành trong việc đạt được mục tiêu cuối cùng của Công ước.
COP họp hàng năm, trừ khi các Bên có quyết định khác. Cuộc họp COP đầu tiên được tổ chức tại Berlin, Đức vào tháng 3 năm 1995. COP nhóm họp tại Bonn, trụ sở của ban thư ký, trừ khi có một Bên đề nghị đăng cai phiên họp. Giống như Chủ tịch của COP sẽ luân phiên giữa năm khu vực được Liên hợp quốc công nhận, tức là Châu Phi, Châu Á, Châu Mỹ Latinh và Caribe, Trung và Đông Âu, Tây Âu và các khu vực khác, địa điểm họp của COP cũng sẽ thay đổi giữa những nhóm này.
Hội nghị Các Bên COP28 và các thành tựu
Hội nghị về Biến đổi khí hậu của Liên hiệp quốc (COP28), khai mạc ngày 01 tháng 12 năm 2023 tại UAE, đã khép lại vào ngày 13 tháng 12 năm 2023 với thoả thuận về việc đặt nền móng cho một quá trình chuyển đổi nhanh chóng, công bằng và bình đẳng trên cơ sở của việc cắt giảm sâu xa việc phát thải khí nhà kính và tăng qui mô tài chính cho các hoạt động chống biến đổi khí hậu.
Trong thư ngỏ đến Hội nghị Chủ tịch COP 28, Tiến sĩ Sultan Ahmed Al Jaber đã viết : “Tại Hội nghị Các Bên COP21 năm 2015, thế giới đã đồng ý giới hạn sự nóng lên toàn cầu đến năm 2050 ở 1,5 0C so với mức tiền công nghiệp. Để giữ vững mục tiêu đó, khoa học đã cho chúng ta biết cần giảm phát thải một nửa trước năm 2030. Chúng ta chỉ còn bảy năm nữa để đạt mục tiêu đó. COP28 UAE là cơ hội rất tốt để suy nghĩ lại, khởi động lại và tập trung lại vào chương trình nghị sự về khí hậu”.
Về phía Việt Nam, tại Hội nghị COP28, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã có những bài phát biểu rất quan trọng tại các diễn đàn khác nhau, với những thông điệp quan trọng gửi đến cộng đồng quốc tế. Đó là phải biến cam kết từ các hội nghị trước thành những hành động cụ thể, nhanh chóng, quyết liệt, việc đã nói là phải làm, đã cam kết phải thực hiện là chìa khoá để củng cố lòng tin giữa các quốc gia và khai thông bế tắc trong đàm phán về biến đổi khí hậu.
Hội nghị COP28 dù chưa có các thay đổi căn bản như mong đợi nhưng được xem như đã đưa ra các dấu hiệu cho thấy sự bắt đầu của tiến trình kết thúc kỷ nguyên sử dụng nguyên liệu hoá thạch (“Beginning of the End” of the fossil fuel era).
Hội nghị COP28 ở Dubai có sự tham dự của các nhà đàm phán từ gần 200 quốc gia (gọi là Các Bên-Parties) trên thế giới. Tại đó, Hội nghị đã thể hiện sự đoàn kết quốc tế qua việc đạt được một quyết định lần đầu tiên trên thế giới: đó là bản Kiểm toán toàn cầu (global stocktake), nhằm tăng cường các hành động về khí hậu trước khi kết thúc thập kỷ (2030) với mục tiêu chung là duy trì được giới hạn tăng nhiệt độ toàn cầu 1,5 0C từ Thoả thuận Paris (Paris Agreement).
Thư ký Điều hành của Uỷ ban Biến đổi Khí hậu của Liên hợp quốc, Simon Stiell, trong bài phát biểu bế mạc đã tuyên bố: “Mặc dù chúng ta chưa lật sang trang mới về kỷ nguyên nhiên liệu hóa thạch ở Dubai, nhưng kết quả này là sự khởi đầu cho sự kết thúc (kỷ nguyên)”. “Bây giờ tất cả các chính phủ và doanh nghiệp cần phải biến những cam kết này thành kết quả kinh tế thực sự mà không được chậm trễ.”
Kiểm toán toàn cầu ( Global Stocktake)
Kiểm toán toàn cầu giống như việc kiểm kê. Nó có nghĩa là xem xét mọi thứ liên quan đến tình hình hành động và hỗ trợ về biến đổi khí hậu trên toàn cầu, xác định những khoảng cách biệt (gaps) và cùng nhau làm việc để đề ra một hướng đi tốt hơn để thúc đẩy hành động về biến đổi khí hậu.
Kiểm toán toàn cầu tiến hành năm năm một lần, với việc Kiểm toán toàn cầu đầu tiên dự kiến sẽ được đúc kết tại COP28.
Mục tiêu của nó là cung cấp thông tin cho vòng tiếp theo của các kế hoạch hành động về biến đổi khí hậu theo Hiệp định Paris (các NDC) sẽ được đưa ra vào năm 2025.
Bằng cách đánh giá tình hình thế giới đang ở đâu trong tiến trình đạt được mục tiêu của Hiệp định Paris và sử dụng thông tin của nó, bản Kiểm toán toàn cầu có thể giúp các nhà hoạch định chính sách và các bên liên quan củng cố chính sách và cam kết về biến đổi khí hậu trong vòng tiếp theo của các NDC, mở đường cho hành động tăng tốc.
Bản Kiểm toán toàn cầu được xem là thành quả chính của COP28 - vì nó bao gồm mọi yếu tố đang được đàm phán và có thể được các quốc gia sử dụng ngay để phát triển các kế hoạch hành động về khí hậu mạnh mẽ hơn vào năm 2025.
Từ các kết quả phân tích khoa học, bản Kiểm toán toàn cầu công nhận lượng phát thải khí nhà kính toàn cầu cần phải cắt giảm 43% vào năm 2030, so với mức của năm 2019, để hạn chế sự nóng lên toàn cầu ở mức 1,5°C. Nhưng nó lưu ý rằng Các Bên đang đi chệch hướng để có thể đạt được các mục tiêu của Thỏa thuận Paris.
Bản Kiểm toán toàn cầu kêu gọi Các Bên thực hiện các hành động nhằm đạt được việc tăng gấp ba lần công suất năng lượng tái tạo và tăng gấp đôi cải thiện hiệu quả sử dụng năng lượng vào năm 2030 ở quy mô toàn cầu. Danh sách này cũng bao gồm việc đẩy nhanh các nỗ lực hướng tới việc giảm dần năng lượng than không suy giảm (unabated coal power), loại bỏ dần năng lượng hóa thạch kém hiệu quả, và các biện pháp khác nhằm thúc đẩy quá trình chuyển đổi ra khỏi việc sử dụng nhiên liệu hóa thạch trong các hệ thống năng lượng một cách công bằng, có trật tự và bình đẳng, trong đó các nước phát triển tiếp tục đóng vai trò dẫn đầu.
Trong ngắn hạn, Các Bên được khuyến khích đưa ra các mục tiêu giảm phát thải trên toàn bộ nền kinh tế, bao gồm tất cả các khí nhà kính, các lĩnh vực (sectors), các ngành hàng (categories) và phù hợp với giới hạn 1,5°C trong vòng kế hoạch hành động khí hậu tiếp theo (được gọi là Đóng góp do quốc gia tự quyết định, Nationally Determined Contributions NDC) vào năm 2025.
Giúp các quốc gia tăng cường khả năng chống chịu trước tác động của biến đổi khí hậu
Hội nghị kéo dài hai tuần đã được tiến hành cùng với Hội nghị thượng đỉnh về hành động vì khí hậu thế giới (the World Climate Action Summit), quy tụ 154 nguyên thủ quốc gia và chính phủ. Các Bên đã đạt được thỏa thuận lịch sử về việc vận hành Quỹ Tổn thất và Thiệt hại cũng như các thỏa thuận tài trợ - lần đầu tiên một quyết định quan trọng được thông qua vào ngày đầu tiên của hội nghị. Các cam kết đối với quỹ bắt đầu được đưa ra ngay sau khi quyết định được công bố, với tổng trị giá hơn 700 triệu USD cho đến nay.
Hội nghị đã có nhiều tiến bộ hơn trong chương trình nghị sự về mất mát và thiệt hại với một thỏa thuận rằng Văn phòng Giảm thiểu Rủi ro Thiên tai của Liên Hợp Quốc và Văn phòng Dịch vụ Dự án của Liên Hợp Quốc sẽ đảm nhận vai trò tổ chức ban thư ký của Mạng lưới Santiago về Mất mát và Thiệt hại. Nền tảng này sẽ xúc tác hỗ trợ kỹ thuật cho các nước đang phát triển đặc biệt dễ bị tổn thương trước những tác động bất lợi của biến đổi khí hậu.
Các bên đã nhất trí về các mục tiêu và khung của bản Mục tiêu Toàn cầu về Thích ứng (Global Goal on Adaptation, GGA), trong đó xác định những mục tiêu mà thế giới cần hướng tới để có khả năng chống chịu trước những tác động của biến đổi khí hậu và đánh giá nỗ lực của các quốc gia. Khung GGA phản ánh sự đồng thuận toàn cầu về các mục tiêu thích ứng và nhu cầu hỗ trợ về tài chính, công nghệ và xây dựng năng lực để đạt được các mục tiêu đó.
Tăng cường tài chính khí hậu (climate finance)
Tài chính khí hậu chiếm vị trí trung tâm tại hội nghị, với việc Stiell, Thư ký Hội nghị, liên tục gọi nó là “nhân tố thúc đẩy tuyệt vời cho hành động vì khí hậu”.
Quỹ Khí hậu Xanh (The Green Climate Fund,GCF) đã nhận được sự tài trợ mạnh mẽ cho đợt bổ sung lần thứ hai với sáu quốc gia cam kết tài trợ mới tại COP28 với tổng số cam kết hiện ở mức kỷ lục là 12,8 tỷ USD từ 31 quốc gia, và dự kiến sẽ có thêm đóng góp.
Tám chính phủ tài trợ đã công bố các cam kết mới với Quỹ các nước kém phát triển nhất và Quỹ biến đổi khí hậu đặc biệt với tổng trị giá hơn 174 triệu USD cho đến nay, trong khi các cam kết mới, với tổng trị giá gần 188 triệu USD cho đến nay, đã được đưa ra cho Quỹ thích ứng tại COP28.
Tuy nhiên, như đã được nhấn mạnh trong bản Kiểm toán toàn cầu, những cam kết tài chính này còn kém xa hàng nghìn tỷ USD cần thiết để hỗ trợ các nước đang phát triển chuyển đổi năng lượng sạch, thực hiện các kế hoạch khí hậu quốc gia và các nỗ lực thích ứng.
Để cung cấp nguồn tài trợ như vậy, bản Kiểm toán toàn cầu nhấn mạnh tầm quan trọng của việc cải cách cơ cấu tài chính đa phương và đẩy nhanh việc thiết lập liên tục các nguồn tài chính mới và sáng tạo.
Tại COP28, các cuộc thảo luận tiếp tục đặt ra “mục tiêu định lượng chung mới về tài chính khí hậu” vào năm 2024, có tính đến nhu cầu và ưu tiên của các nước đang phát triển. Mục tiêu mới, bắt đầu từ mức cơ bản là 100 tỷ USD mỗi năm, sẽ là nền tảng cho việc thiết kế và thực hiện các kế hoạch khí hậu quốc gia cần được thực hiện vào năm 2025.
Hướng tới quá trình chuyển đổi sang các nền kinh tế và xã hội phi cacbon ở phía trước, một thỏa thuận đã đạt được tại COP27 năm ngoái về Chương trình công tác giảm nhẹ (the mitigation work programme) sẽ tiếp tục cho đến năm 2030, với ít nhất hai cuộc đối thoại toàn cầu được tổ chức mỗi năm.
Sự tham gia đông đảo và các hoạt động bao gồm theo sự kiện
Các nhà lãnh đạo thế giới tại COP28 đã kết nối với các tổ chức xã hội dân sự, doanh nghiệp, người dân bản địa, thanh niên, tổ chức từ thiện và các tổ chức quốc tế với tinh thần quyết tâm chung nhằm thu hẹp khoảng cách đến năm 2030. Khoảng 85.000 người tham dự COP28 để chia sẻ ý tưởng, giải pháp và xây dựng quan hệ đối tác và liên minh.
Các quyết định được đưa ra trong Hội nghị COP28 cũng nhấn mạnh lại tầm quan trọng đặc biệt của việc trao quyền cho tất cả các bên liên quan tham gia vào hành động vì khí hậu; đặc biệt thông qua kế hoạch hành động về Trao quyền khí hậu và Kế hoạch hành động về giới (Action for Climate Empowerment and the Gender Action Plan).
Tăng cường hợp tác giữa chính phủ và các bên liên quan chính
Song song với các cuộc đàm phán chính thức, không gian Hành động vì Khí hậu Toàn cầu tại COP28 đã tạo nền tảng cho các chính phủ, doanh nghiệp và xã hội dân sự hợp tác và giới thiệu các giải pháp khí hậu trong thế giới thực của họ.
Các nhà vô địch cấp cao, trong khuôn khổ Đối tác Marrakech về Hành động vì Khí hậu Toàn cầu, đã đưa ra lộ trình thực hiện các Giải pháp Khí hậu năm 2030. Đây là một tập hợp các giải pháp, với sự hiểu biết sâu sắc từ nhiều bên liên quan về các biện pháp hiệu quả cần được mở rộng và nhân rộng để giảm một nửa lượng khí thải toàn cầu, hướng đến sự cách biệt thích ứng và tăng khả năng phục hồi vào năm 2030.
Hội nghị cũng chứng kiến một số thông báo nhằm tăng cường khả năng phục hồi của hệ thống thực phẩm và y tế công cộng, đồng thời giảm lượng khí thải liên quan đến nông nghiệp và khí mê-tan.
Nhìn về phía trước
Các cuộc đàm phán về ‘khuôn khổ tăng cường minh bạch’ tại COP28 đã đặt nền móng cho một kỷ nguyên mới trong việc thực thi Thỏa thuận Paris. Liên Hợp Quốc về Biến đổi Khí hậu đang phát triển các công cụ đánh giá và báo cáo minh bạch để các Bên sử dụng. Công cụ này đã được giới thiệu và thử nghiệm tại COP28. Phiên bản cuối cùng của công cụ báo cáo sẽ được cung cấp cho các Bên trước tháng 6 năm 2024.
COP28 cũng chứng kiến các Bên đồng ý chọn Azerbaijan là chủ nhà COP29 từ ngày 11-22 tháng 11 năm 2024 và Brazil là chủ nhà COP30 từ ngày 10-21 tháng 11 năm 2025.
Hai năm tới sẽ rất quan trọng trong công cuộc hành động vì khí hậu toàn cầu. Tại COP29, các chính phủ phải thiết lập mục tiêu tài chính khí hậu mới, phản ánh quy mô và mức độ cấp bách của thách thức khí hậu. Và tại COP30, họ phải chuẩn bị sẵn sàng những Đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC) cho toàn bộ nền kinh tế, giải quyết tất cả các loại khí nhà kính và hoàn toàn phù hợp với giới hạn nhiệt độ 1,5°C.
Stiell nói: “Chúng ta phải tiếp tục công việc thực hiện đầy đủ Thỏa thuận Paris. “Đầu năm 2025, các quốc gia phải đưa ra những văn bản NDC mới. Mỗi cam kết đơn lẻ– về tài chính, thích ứng và giảm nhẹ – đều phải đưa chúng ta đi đúng hướng với một thế giới 1,5 độ.”
Stiell nói thêm: “Thông điệp cuối cùng của tôi gửi tới những người bình thường ở khắp mọi nơi là họ hãy lên tiếng vì sự thay đổi”. “Mỗi người trong số các bạn đang tạo ra sự khác biệt thực sự. Trong những năm quan trọng sắp tới, tiếng nói và quyết tâm của các bạn sẽ quan trọng hơn bao giờ hết. Tôi mong bạn đừng bao giờ nản lòng. Chúng ta vẫn đang trong cuộc đua này. Chúng tôi sẽ đồng hành với các bạn trong từng bước trên con đường này”.
Thư ký điều hành, Executive Secretary Simon Stiell.
H.E. Dr. Sultan Ahmed Al Jaber, Chủ tịch Hội nghị COP28 tại UAE.
Tổng thống UAE Mohamed bin Zayed Al Nahyan và Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc António Guterres đón Thủ tướng Phạm Minh Chính dự Hội nghị Thượng đỉnh hành động khí hậu thế giới trong khuôn khổ Hội nghị các bên tham gia Công ước khung về biến đổi khí hậu lần thứ 28 (COP28) - Ảnh: VGP/Nhật Bắc.
Chú thích:
Nationally Determined Contributions NDC: Đóng góp do quốc gia tự quyết định
Đóng góp do quốc gia tự quyết định, gọi tắt là NDC, là đóng góp do quốc gia cam kết về ứng phó với khí hậu, bao gồm mục tiêu thích ứng và giảm nhẹ phát thải khí nhà kính, chính sách và biện pháp ứng phó với biến đổi khí hậu nhằm đạt được các mục tiêu của Thỏa thuận Paris.
Unabated coal power: Thuật ngữ điện than "không suy giảm" ám chỉ việc sử dụng than phát điện mà không có bất kỳ công nghệ nào để làm giảm đáng kể lượng khí thải CO2 của nó.
Tài liệu tham khảo:
- https://unfccc.int/news/cop28-agreement-signals-beginning-of-the-end-of-the-fossil-fuel-era
- https://www.cop28.com/
- https://unfccc.int/topics/global-stocktake/about-the-global-stocktake/why-the-global-stocktake-is-important-for-climate-action-this-decade
- https://www.carboncollective.co/sustainable-investing/market-sector#categories-of-market-sectors
- https://baochinhphu.vn/thu-tuong-chinh-phu-pham-minh-chinh-ket-thuc-tot-dep-chuyen-cong-tac-tham-du-hoi-nghi-cop-28-hoat-dong-song-phuong-tai-uae-va-tham-chinh-thuc-tho-nhi-ky-102231204085405044.htm