Kỹ năng viết đoạn văn chiếm 30% số điểm thi cuối kỳ của sinh viên không chuyên trình độ trung cấp, trình độ B1 (theo Khung tham chiếu châu Âu CEFR) [1]. Do đó, sinh viên muốn thi đậu học phần tiếng Anh B1 thì phải viết được một đoạn văn 120 từ về một chủ đề tiếng Anh trong năm chủ đề tiếng Anh được cho trước trong chương trình học. Tuy nhiên, theo khảo sát nhanh của 4 lớp tiếng Anh trình độ B1 năm học 2022 - 2023, 82,4% sinh viên e ngại kỹ năng viết vì đây là một kỹ năng khó, vì sinh viên thiếu từ vựng, ngữ pháp, cấu trúc câu, thiếu ý tưởng và chưa biết sắp xếp các từ. Ngoài ra, sinh viên không dành thời gian nhiều cho kỹ năng viết, không chuẩn bị bài trước khi thi và thời gian thi hạn chế là những trở ngại cho kỹ năng viết.
Để hiểu và đạt được mục tiêu học tập của mình, sinh viên cần có động cơ học tập, đặc biệt là đối với kỹ năng viết tiếng Anh. Theo Mahado và Jafari [2], động cơ không chỉ tạo cơ hội học ngôn ngữ, mà còn tác động đến số lượng và chất lượng học ngôn ngữ của người học. Bên cạnh đó, Tambunan và Siregar [3] cho rằng động cơ “ảnh hưởng đến việc học của sinh viên và thúc đẩy các chiến lược dạy và học hiệu quả.”
Động cơ được chia thành động cơ bên trong và động cơ bên ngoài.
Động cơ bên trong là sự tự nguyện làm một hành động nào đó trong khi động cơ bên ngoài là những lý do hay những quy định bên ngoài làm cho một người tự nguyện làm một hành động [4]. Williams và Burden [5] chia ra các động cơ bên trong và động cơ bên ngoài của việc học ngoại ngữ. Động cơ bên trong bao gồm “sự thú vị của hoạt động học tập, giá trị của hoạt động đó, giá trị của bản thân, sự hoàn thành nhiệm vụ học tập, thái độ của việc học ngôn ngữ, và các trạng thái cảm xúc khác”. Động cơ bên ngoài bao gồm “ảnh hưởng của người khác, ảnh hưởng của các nhân tố quan trọng, môi trường học, và bối cảnh lớn bên ngoài [5].”
Về động cơ bên trong, Ariyanti và Fitriana [6] cho rằng sinh viên có những khó khăn trong kỹ năng viết là ngữ pháp, từ nối và sự mạch lạc. Trong khi đó, Novariana và cộng sự [7] cảm thấy những yếu tố bên trong gây trở ngại cho kỹ năng viết bao gồm thiếu động cơ, thiếu từ vựng, trật tự từ, chính tả, ngữ pháp và thái độ thụ động trong lớp học, và những vấn đề bên ngoài là không nhận được phản hồi về bài viết.
Kết quả nghiên cứu của Fitriana và cộng sự [8] cho thấy 68,2% sinh viên thiếu động cơ bên trong để tự luyện tập tiếng Anh tại nhà và 100% sinh viên tin rằng giảng viên tạo động lực cho họ luyện viết tiếng Anh. Động cơ bên ngoài như chương trình học, ảnh hưởng của giảng viên và trang thiết bị phục vụ cho kỹ năng viết. Bên cạnh đó, động cơ bên ngoài còn là “thiết bị hỗ trợ học kỹ năng viết trong trường học” [7] và “tiếng Anh là môn học bắt buộc ở trường” [8].
Nếu giảng viên hiểu được những động cơ bên trong và bên ngoài của sinh viên khi học tiếng Anh sẽ có những chiến lược thúc đẩy hiệu quả và thành công lớp học [9], [10].
Một số giải pháp để nâng cao động cơ viết của sinh viên.
Về phía sinh viên, các em học thuộc từ vựng và ngữ pháp, tham khảo các bài mẫu và các bài báo để nâng cao kiến thức cần thiết. Bên cạnh đó, sinh viên cần dành nhiều thời gian luyện kỹ năng viết đoạn văn, áp dụng từ vựng, ngữ pháp, cấu trúc câu đã học và xem lại lỗi sai giảng viên đã sửa. Bên cạnh đó, sinh viên cần ôn tập kỹ và làm bài cẩn thận.
Về phía nhà trường, nhà trường cần trang bị thêm trang web để luyện kỹ năng viết, phần mềm để học ngữ pháp và từ vựng, và sách tham khảo tiếng Anh, các sách bài văn mẫu và từ điển tiếng Anh. Ngoài ra, nhà trường có thể tổ chức các cuộc thi tiếng Anh và các hoạt động ngoại khóa cho sinh viên.
Về phía giảng viên, thứ nhất là giảng viên khuyến khích sinh viên đọc sách báo, bài văn mẫu để có ý tưởng và cấu trúc câu. Thứ hai là giảng viên hướng dẫn cách viết bài, nhiệt tình giải đáp thắc mắc của sinh viên trong kỹ năng viết, cho từ vựng gợi ý và tổ chức các hoạt động trong lớp để sinh viên trao đổi ý tưởng viết bài. Sau khi sinh viên viết bài xong, các nhóm có thể đọc bài viết của nhau, phát hiện các lỗi sai trong bài cho nhau [10], và giảng viên sửa các lỗi sai điển hình trong lớp [11]. Sau đó, giảng viên cho sinh viên chép các bài đã sửa lên bảng. Giải pháp cuối cùng là giảng viên cho những sinh viên đã hoàn thành xong bài viết điểm cộng khuyến khích.
Tóm lại “Động cơ là yếu tố ảnh hưởng quan trọng đến việc học vì nỗ lực và mong muốn của người học ảnh hưởng đến việc đạt được mục tiêu học tập” [12], đặc biệt là kỹ năng viết. Nếu người học có động lực thì các em tự luyện tập kỹ năng viết và kết quả phần viết đoạn văn trong bài thi cuối khóa sẽ cao hơn. Điều quan trọng là sinh viên ý thức được tầm quan trọng của việc học tiếng Anh và tầm quan trọng của động cơ bên trong và động cơ bên ngoài của việc học tiếng Anh, từ đó cải thiện được kết quả học tập của mình.
TÀI LIỆU THAM KHẢO/ REFERENCES
[1] Council of Europe, The Common European Framework of Reference for Languages: Learning, Teaching, Assessment. Cambridge: Cambridge University Press, 2001, pp. 66-72.
[2] T. S. T Mahadi and S. M. Jafari, “Motivation, Its Types, and Its Impacts in Language Learning,” International Journal of Business and Social Science, vol. 3, no. 24, pp. 230-235, 2012.
[3] A. R. S. Tambunan and T. M. S. Siregar, “Students’ Motivation in Learning English Language (A case Study of Electrical Engineering Department Students),” Journal of English Language Studies, vol. 1, no. 2, pp. 63-70, 2016.
[4] R. M. Ryan and E. L. Deci, “Intrinsic and Extrinsic Motivation: Classic Definitions and New Direction,” Contemporary Educational Psychology, vol. 25, no. 1, pp. 54-67, 2000.
[5] M. Williams and R. L. Burden, Psychology for Language Teachers: A Social Constructivist Approach. Cambridge: Cambridge University Press, 1997, p. 137.
[6] A. Ariyanti and R. Fitriana, “EFL Students’ Difficulties and Needs in Essay Writing,” Proceeding of The International Conference on Teacher Training and Education 2017 (ICTTE 2017), Atlantic Press, 2017, pp. 111-121.
[7] H. Novariana, Sumardi, and S. S. Tarjana, “Senior High School Students’ Problems in Writing A Preliminary Studies of Implementing Writing E-Journals as Self-Assessment to Promote Studnets’ Writing Skills,” English Language and Literature International Conference (ELLiC), vol. 2, pp. 216-219, 2018.
[8] I. M. Najmitdinovna, “Motivation for Improving Writing Skills of English Language Learners,” International Journal of Research, vol. 6, no. 13, pp. 315-322, 2019.
[9] N. Fitriana, Sabarniati, P. Aceh, and B. Aceh, “Motivation Writing Problems of College Students in English Class,” Journal of English Teaching and Linguistics, vol. 2, no. 2, pp. 84-90, 2021.
[10] T. S. T. Mahadi and S. M. Jafari, “Motivation, Its Types, and Its Impacts in Language Learning,” International Journal of Business and Social Science, vol. 3, no. 34, pp. 230-235, 2012.
[11] K. Fadli, L. A. Irawan, and Haerazi, “English Teachers’ Feedback on Students’ Writing Work in the New Normal Era,” JOLLS: Journal of Language and Literature Studies, vol. 1, no. 2, pp. 83-92, 2021.
[12] N. A. Purmama, N. S. Rahayu, and R. Yugafiati, “Students’ Motivation in Learning English,” PROJECT Professional Journal of English Education, vol. 2, no. 4, pp. 539-544, 2019.