Cách đây 66 năm, tại Điện Biên Phủ - một cánh đồng lòng chảo trên miền rừng núi Tây Bắc Việt Nam, đã diễn ra trận chiến ác liệt giữa quân và dân ta với đội quân xâm lược Pháp. Trải qua 56 ngày đêm chiến đấu dũng cảm, ngoan cường, quân và dân ta đã giành thắng lợi vang dội, giáng đòn quyết định, đánh bại nỗ lực chiến tranh cuối cùng của thực dân Pháp và can thiệp Mỹ trong cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam.
Chiến thắng Điện Biên Phủ năm 1954 đã trở thành một trong những chiến công chói lọi bằng vàng như một Bạch Đằng, Chi Lăng, Đống Đa của thế kỷ 20 trong lịch sử đấu tranh giữ nước của dân tộc. Thắng lợi đó là kết quả hợp thành của nhiều nhân tố, thể hiện đường lối kháng chiến toàn diện của Đảng ta, cũng như sự phát triển đến đỉnh cao của nghệ thuật quân sự Việt Nam, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo tài tình của Trung ương Đảng, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh.
(1) Thành công của nghệ thuật tổ chức chiến trường phối hợp
Chiến dịch Điện Biên Phủ đã để lại nhiều bài học quý về nghệ thuật quân sự, trong đó có nghệ thuật tổ chức chiến trường phối hợp. Trong suốt quá trình diễn ra Chiến dịch, từ khâu tổ chức phân chia, chuẩn bị chiến trường; thực hành tác chiến trên các chiến trường; trói chặt địch, thực hiện “đánh chắc, tiến chắc” trên chiến trường chính Điện Biên Phủ… đều đã được ta vận dụng hợp lý, hiệu quả, đúng thời điểm.
Trong Chiến dịch Điện Biên Phủ, ta chuyển từ phương thức “đánh nhanh, giải quyết nhanh” sang “đánh chắc, tiến chắc” bằng phương pháp đánh “bóc vỏ”, “đánh từng bước”, đồng thời với tiến công đánh chiếm từng cứ điểm, cụm cứ điểm, tổ chức phòng ngự giữ vững các điểm cao, mục tiêu đã chiếm được. Ta còn tiến hành tổ chức bao vây, lấn dũi các mục tiêu kế tiếp và tạo thế trận bao vây, chia cắt địch. Trận, đợt tiến công trước tạo thế có lợi cho trận, đợt tiến công tiếp theo.
Bước chuyển từ phương châm “đánh nhanh, giải quyết nhanh” sang “đánh chắc, tiến chắc”, thực hiện “vây, lấn, tấn, diệt” đã tạo điều kiện cho bộ đội ta từng bước bao vây, cô lập từng cứ điểm, cụm cứ điểm, các phân khu trong toàn bộ chiến trường Điện Biên Phủ.
Công tác chỉ đạo đã được Tổng Quân ủy - Bộ Tổng Tư lệnh yêu cầu Bộ Tư lệnh chiến dịch chuẩn bị chu đáo và thực hiện một cách kiên trì, từng bước; thận trọng nhưng cũng rất linh hoạt, phù hợp với từng trận đánh, từng đợt chiến dịch, góp phần quan trọng vào thắng lợi quyết định của chiến dịch quyết chiến chiến lược.
Lực lượng công binh, vận tải đã bạt núi, phá rừng, sáng tạo ra nhiều phương pháp mở đường, đào hào hiệu quả để vận chuyển tiếp tế hàng nghìn tấn lương thực, thực phẩm, vũ khí trang bị vào chiến trường trước giờ nổ súng.
Lực lượng pháo binh kiên trì kéo pháo ra, điều chỉnh lực lượng và thế trận, chuẩn bị các trận địa bí mật ở dãy núi Pú Hồng Mèo và Pú Tả Cọ theo phương thức tác chiến mới, sẵn sàng nổ súng.
Với sự hiệp đồng tác chiến giữa các binh chủng với sự tham gia của nhiều đại đoàn chủ lực cùng với pháo lựu, pháo phòng không và các loại hỏa lực chi viện, ta đã quyết định tiến công tập đoàn cứ điểm của địch.
Bộ đội Cao xạ trong Chiến dịch Điện Biên Phủ
Chiến thắng Điện Biên Phủ là thành công của nghệ thuật tổ chức chiến trường phối hợp tạo thế và thời cơ có lợi cho trận quyết chiến chiến lược đánh thắng địch có quân số đông, hỏa lực mạnh, với sức cơ động cao.
(2) Bước hoàn thiện cách đánh tập đoàn cứ điểm
Tập đoàn cứ điểm bao gồm hệ thống các cứ điểm, cụm cứ điểm hoặc các khu vực phòng ngự, phòng thủ được thiết kế, xây dựng liên kết, chặt chẽ, hỗ trợ nhau theo ý định, kế hoạch thống nhất; có tác dụng phòng thủ một khu vực trọng yếu, thực hiện chia cắt, ngăn chặn hoặc hạn chế sự cơ động lực lượng tác chiến của đối phương và là bàn đạp để mở các cuộc tiến công ra các khu vực do đối phương kiểm soát.
Tập đoàn cứ điểm cũng là nơi để co cụm binh lực khi bị đối phương tiến công, hoặc tung lực lượng ra phản công khi đối phương rút lui. Tùy vào vị trí, vai trò, tính chất, nhiệm vụ, tập đoàn cứ điểm có quy mô tổ chức lực lượng lớn, nhỏ khác nhau.
Mỗi cứ điểm, cụm cứ điểm là một khu vực phòng ngự, có hệ thống công sự vững chắc, hệ thống vật cản (hàng rào, bãi dây thép gai, bãi mìn) với lực lượng phòng ngự và lực lượng cơ động, hỏa lực mạnh.
Các cụm cứ điểm liên kết với nhau thành ba phân khu: Bắc, Trung tâm, Nam. Riêng phân khu Trung tâm gồm 5 cụm cứ điểm bao bọc cơ quan chỉ huy tập đoàn cứ điểm, có các căn cứ hỏa lực, căn cứ hậu cần.
Với cách bố trí và huy động này, tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ có thể coi là hệ thống phòng ngự mạnh nhất của quân đội Pháp trong cuộc chiến tranh xâm lược Đông Dương, được các tướng Pháp, Mỹ xem là, “pháo đài bất khả xâm phạm”, nhưng sau đó đã bị quân và dân Việt Nam tiêu diệt hoàn toàn.
Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng Ban thường vụ TW Đảng quyết định mở chiến dịch Điện Biên Phủ.
Chiến thắng Điện Biên Phủ là bước hoàn thiện cách đánh tập đoàn cứ điểm, cụ thể là cách sử dụng phương án tác chiến đúng đắn, dùng binh lực lớn, mạnh, thực hiện phương châm “đánh chắc, tiến chắc”; triển khai tác chiến hiệp đồng binh chủng quy mô lớn, trình độ cao; thực hiện các chiến thuật và vận dụng linh hoạt, sáng tạo cách đánh, kế hoạch chiến đấu.
Tiếp tục phát huy thế “đánh chắc, tiến chắc”, các đơn vị tham gia Chiến dịch tiến hành xây dựng trận địa bao vây địch, lần lượt tiến công tiêu diệt các cứ điểm, cụm cứ điểm trong từng trận đánh, đồng thời bộ đội ta tổ chức bám trụ trận địa, đánh bại các cuộc phản kích của địch.
Phương châm “đánh chắc, tiến chắc” của ta được thể hiện bằng nhiều biện pháp sáng tạo: Tiêu diệt từng cứ điểm, cụm cứ điểm, triệt phá cụm cứ điểm vòng ngoài, phá thế phòng ngự có chiều sâu của địch, tạo thế trận có lợi cho ta, từ đó tiến công vào khu vực trọng yếu nhất của địch.
Trong Chiến dịch Điện Biên Phủ, ta đã giải quyết thành công nhiều vấn đề về nghệ thuật chiến dịch và chiến thuật. Về nghệ thuật chiến dịch, nổi lên là: Đã xác định phương châm và cách đánh chiến dịch đúng đắn, tạo ưu thế, thế trận vững chắc, đảm bảo sự chắc thắng cho từng trận đánh trong điều kiện địch có ưu thế về hỏa lực, xe tăng và máy bay; triển khai thực hiện tác chiến hiệp đồng binh chủng (bộ binh, pháo binh, pháo phòng không); xây dựng trận địa tiến công và bao vây, tạo và nắm thời cơ; phát triển chiến thuật đánh địch trong công sự vững chắc…
Về chiến thuật, đó là cách vận dụng linh hoạt cách thức chiến đấu, tiến công trận địa bằng sự hiệp đồng chặt chẽ giữa bộ binh và pháo binh; vừa vây lấn vừa tiến công, đánh chiếm các cứ điểm, cụm cứ điểm, vừa phòng ngự, bám trụ đánh địch phản kích, tạo bàn đạp đánh chiếm các mục tiêu tiếp theo; kết hợp tác chiến giữa tiến công và phòng ngự là hình thức tác chiến mới, biểu hiện sự phát triển linh hoạt, sáng tạo của nghệ thuật quân sự Việt Nam trong trận quyết chiến chiến lược Điện Biên Phủ
Ngày 7-5-1954, toàn bộ Tập đoàn cứ điểm của địch ở Điện Biên Phủ bị tiêu diệt. Lá cờ “Quyết chiến, Quyết thắng” của Quân đội nhân dân Việt Nam tung bay trên nóc hầm tướng De Castries, kết thúc cuộc kháng chiến chống Pháp oanh liệt đầy hy sinh, gian khổ kéo dài suốt 9 năm.
Chiến thắng Điện Biên Phủ là sự hội tụ của nhiều nhân tố hợp thành, nhưng ngọn nguồn sâu xa của những nhân tố đó chính là nghệ thuật quân sự Việt Nam được thể hiện qua sự lãnh đạo tài tình, sáng suốt của Trung ương Đảng, Bác Hồ, của những vị chỉ huy quân sự tài ba, mưu lược cũng như của toàn thể nhân dân Việt Nam, có sự giúp đỡ của bạn bè quốc tế.
Vũ Thị Bích Hạnh – Khoa KH Xã hội và Nhân văn (ST)