Sau Chiến dịch Biên giới năm 1950, cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược của Nhân dân ta diễn ra trong bối cảnh tình hình có nhiều biến đổi lớn. Quân viễn chinh Pháp tại Đông Dương lâm vào tình thế khó khăn, mất quyền chủ động chiến lược trên chiến trường. Mỹ tăng thêm viện trợ cho Pháp và can thiệp sâu hơn vào cuộc chiến tranh Đông Dương. Được Mỹ giúp sức, ngày 06/12/1950, Chính phủ Pháp cử Đại tướng Đờlát Đờ Tátxinhi sang làm tổng chỉ huy quân đội viễn chinh, kiêm chức Cao ủy Pháp ở Đông Dương, lên kế hoạch tiến hành chiến tranh tổng lực, bình định vùng tạm chiếm, đánh phá ác liệt các căn cứ hậu phương của ta, đẩy mạnh thực hiện chính sách “dùng người Việt đánh người Việt, lấy chiến tranh, nuôi chiến tranh”.
Sau khi triển khai nhiều trận đánh giành được thắng lợi quan trọng, tháng 9/1952, Trung ương Đảng chủ trương tránh chỗ mạnh, đánh vào chỗ yếu, tìm nơi sơ hở của địch mà đánh và quyết định mở chiến dịch tiến công Tây Bắc. Mục tiêu chiến dịch là tiêu diệt một bộ phận sinh lực địch, giải phóng một phần đất đai và xây dựng căn cứ địa Tây Bắc, mở rộng, củng cố căn cứ địa Việt Bắc, giữ vững đường giao thông quốc tế (Lào Cai - Vân Nam) và tạo những điều kiện mới cho cách mạng Lào.
Ngày 09/9/1952, Trung ương Đảng đã quyết định thành lập Bộ Chỉ huy chiến dịch, chỉ định đồng chí Đại tướng, Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp làm Chỉ huy trưởng; đồng chí Hoàng Văn Thái làm Tham mưu trưởng chiến dịch; đồng chí Nguyễn Chí Thanh làm Chủ nhiệm Chính trị; đồng chí Nguyễn Thanh Bình làm Chủ nhiệm Cung cấp.
Chiến dịch diễn ra qua ba đợt, từ ngày 14/10 đến 10/12/1952. Đợt 1 (từ ngày 14-23/10), quân dân ta tiến công tiêu diệt phân khu Nghĩa Lộ, đập tan tuyến phòng thủ vành đai ngoài Tây Bắc của địch. Đợt 2 (từ ngày 7-22/11), ta vượt sông Đà, tiêu diệt khu phòng thủ Mộc Châu, giải phóng tỉnh Sơn La, Điện Biên Phủ. Đợt 3 (30/11-10/12), lực lượng cách mạng tiến công Tập đoàn cứ điểm Nà Sản.
Sau 2 tháng mở chiến dịch, quân dân Việt Nam đã diệt, bắt sống và làm bị thương trên 6.000 tên địch; nhiều tiểu đoàn, đại đội thuộc các binh đoàn cơ động địch bị xóa sổ. Âm mưu củng cố “Xứ Thái”, “Xứ Nùng tự trị” của Pháp bị thất bại hoàn toàn. Tỉnh Sơn La (trừ Nà Sản), 4 huyện phía Nam tỉnh Lai Châu, 2 huyện phía Tây tỉnh Yên Bái, rộng 28.500 km2 với 25 vạn dân được giải phóng.
Kết quả chiến dịch Tây Bắc đã mở ra một thế chiến lược mới, rất thuận lợi cho ta. Vùng giải phóng đã nối liền Tây Bắc với Việt Bắc và Thượng Lào. 8/10 đất đai vùng Tây Bắc được giải phóng nối liền với phía Tây căn cứ địa Việt Bắc; đường giao thông quốc tế từ Trung Quốc sang Lào Cai Việt Nam, từ Việt Nam sang Lào, từ Tây Bắc, Việt Bắc xuống Liên khu 3, Liên khu 4 vào Nam dễ dàng, thuận lợi hơn.
Thắng lợi của Chiến dịch Tây Bắc là do sự lãnh đạo đúng đắn, sáng suốt, tài tình của Đảng; sự đoàn kết, thống nhất, đồng lòng của quân dân ta từ hậu phương ra tiền tuyến; sự ủng hộ mạnh mẽ của các nước xã hội chủ nghĩa và các lực lượng tiến bộ, yêu chuộng hòa bình trên thế giới.
Chiến thắng Tây Bắc đã đi vào lịch sử kháng chiến giành độc lập dân tộc, là thắng lợi có ý nghĩa chiến lược cả về quân sự, chính trị, kinh tế, tạo ra thế và lực mới để tiến hành cuộc tiến công chiến lược Đông Xuân 1953 – 1954, kết thúc cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược; động viên, tăng cường đoàn kết, đẩy mạnh công cuộc kháng chiến, kiến quốc đến thắng lợi.
Tính đến nay, 70 năm đã trôi qua, song những bài học kinh nghiệm quý báu của Chiến thắng Tây Bắc 1952 vẫn còn nguyên giá trị, cần tiếp tục được phát huy trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay. Đó là: Không ngừng phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc gắn với sức mạnh thời đại trong điều kiện mới; Tiếp tục giữ vững độc lập, tự chủ; tăng cường tiềm lực quốc phòng, an ninh; kiên quyết, kiên trì bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, biển đảo, vùng trời của Tổ quốc; Thường xuyên chăm lo xây dựng lực lượng vũ trang nhân dân, nòng cốt là Quân đội nhân dân, Công an nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, thực hiện thắng lợi nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới; Tiếp tục thực hiện thắng lợi đường lối, chủ trương đối ngoại của Đảng, Nhà nước, tranh thủ sự đồng tình, ủng hộ của các nước trên thế giới đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc của Nhân dân ta.
Kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Tây Bắc là dịp để ôn lại lịch sử cách mạng, tôn vinh và tri ân những cống hiến, hy sinh của quân và dân ta trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược; tuyên truyền giáo dục truyền thống yêu nước, niềm tự hào, tự tôn dân tộc; khơi dậy chủ nghĩa anh hùng cách mạng, tinh thần đại đoàn kết, ý chí tự lực, tự cường, góp phần đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới, xây dựng và phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, xây dựng, phát triển và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa trong thời kỳ mới.
Lưu Mai Hoa – Khoa KHXH&NV