Chuyển giao quy trình sử dụng đèn LED cho nghề lưới vây xa bờ
Dự án “Hoàn thiện và chuyển giao quy trình sử dụng đèn LED cho nghề lưới vây xa bờ Khánh Hòa” vừa được Hội đồng Khoa học và Công nghệ tỉnh nghiệm thu và đánh giá cao. Nghiên cứu chỉ ra rằng, tàu sử dụng đèn LED khai thác thủy sản tiết kiệm được trên 70% nhiên liệu so với tàu sử dụng đèn cao áp truyền thống.
Hiệu quả khai thác cao
Theo Thạc sĩ Nguyễn Văn Nhuận, giảng viên Viện Khoa học và Công nghệ Khai thác thủy sản, Trường Đại học Nha Trang, chủ nhiệm dự án, ở Khánh Hòa nguồn sáng được ngư dân trang bị trên tàu, thuyền lưới vây rất đa dạng nhưng phổ biến nhất là các loại bóng đèn do Trung Quốc, Đài Loan và Nhật Bản chế tạo. Công suất mỗi bóng cao áp của nghề lưới vây phần lớn sử dụng bóng 1.000W tùy thuộc vào cỡ tàu và ngư trường đánh bắt. Việc nghiên cứu áp dụng công nghệ mới để tiết kiệm chi phí cho các chuyến biển, đặc biệt là chi phí nhiên liệu là cần thiết nhằm nâng cao hiệu quả kinh tế của nghề khai thác thủy sản.
Hệ thống đèn LED thử nghiệm được lắp trên tàu khai thác thủy sản.
Từ thực tế đó, đầu năm 2017, UBND tỉnh đã đặt hàng cho Trường Đại học Nha Trang thực hiện dự án “Hoàn thiện và chuyển giao quy trình sử dụng đèn LED cho nghề lưới vây xa bờ Khánh Hòa”. Sau hơn 2 năm triển khai, nhóm thực hiện dự án đã lắp đặt thành công 2 mô hình (tàu) sử dụng đèn LED có công suất 150W và 200W đáp ứng các tiêu chí kỹ thuật. Mặc dù tổng công suất chiếu sáng của tàu sử dụng đèn LED chỉ bằng 1/4 so với tàu đối chứng (tàu sử dụng đèn cao áp truyền thống) nhưng độ rọi lớn hơn 1,41 lần, khoảng cách chiếu sáng trên mặt nước của tàu sử dụng đèn LED là 65m, trong khi tàu đối chứng chỉ 45m. Kết quả nghiên cứu độ rọi dưới nước cũng cho thấy, độ sâu lớn nhất còn ánh sáng bên 2 mạn và đuôi của tàu sử dụng đèn LED tương ứng là 40,6m và 36,9m, trong khi đó con số này của tàu đối chứng chỉ đạt 35,6m và 30,7m.
Qua 4 chuyến biển thử nghiệm, sản lượng khai thác cá của 2 tàu sử dụng đèn LED phát sáng tập trung cá cao gấp 1,34 lần sản lượng của tàu đối chứng. Theo ông Nhuận, sở dĩ đạt được hiệu quả khai thác cao là do đèn LED có sử dụng chóa đèn, điều chỉnh góc treo đèn từ 450 lên 500 đảm bảo mức độ thu hút cá trên cả tầng mặt và tầng nước sâu; trong khi đó đèn cao áp truyền thống không sử dụng chóa, vì vậy chỉ tập trung cá ở tầng nước mặt. Thành phần sản phẩm khai thác trong mỗi chuyến biển của tàu lưới vây thử nghiệm chủ yếu là cá ngừ vằn (sọc dưa), chiếm tỷ lệ từ 70% - 76% tổng sản lượng, cá ngừ bò (ngừ đại dương) chiếm từ 10% - 16%, còn lại cá thu, mực, nục, bạc má... Như vậy, đối tượng chính khai thác của tàu sử dụng đèn LED đáp ứng được yêu cầu thực tế của nghề lưới vây xa bờ ở Khánh Hòa.
Tiết kiệm nhiên liệu
Đặc biệt, tàu sử dụng đèn LED khai thác thủy sản rất tiết kiệm nhiên liệu. Cụ thể, đối với 4 chuyến biển sử dụng máy phát điện công suất nhỏ, lượng dầu tiêu thụ của 2 tàu sử dụng đèn LED là 3.290 lít; 2 tàu đối chứng tiêu thụ 11.452 lít. Ngoài ra, tàu sử dụng đèn LED còn có ý nghĩa về bảo vệ môi trường, khi lượng dầu tiết kiệm lớn sẽ giảm phát thải khí carbon ra môi trường. Ông Huỳnh Văn Khâu (phường Vĩnh Phước, TP. Nha Trang) - chủ tàu KH97272TS cho biết:
“Qua 2 năm lắp thử nghiệm đèn LED trên tàu, hiệu quả tiết kiệm nhiên liệu rất rõ rệt (hơn 70% so với trước đây). Đặc biệt, các chỉ số ánh sáng của đèn LED như: quang thông, độ rọi, hiệu suất chiếu sáng, tuổi thọ… đều vượt trội so với đèn cao áp và huỳnh quang. Hiện các đèn LED thử nghiệm vẫn hoạt động bình thường, đảm bảo độ rọi”.
Bên cạnh những ưu điểm, dự án cũng đưa ra những hạn chế của việc sử dụng đèn LED khiến người dân chưa mạnh dạn đầu tư, đó là giá thành sản phẩm quá cao, gấp 9,8 lần so với đầu tư đèn cao áp truyền thống mà ngư dân đang sử dụng. Nhưng theo tính toán của nhóm nghiên cứu, tổng giá thành của toàn bộ hệ thống đèn LED chỉ cao hơn 2,5 lần so với hệ thống đèn cao áp. Tuy chi phí đầu tư ban đầu lớn nhưng khi sử dụng đèn LED thì công suất máy phát điện nhỏ hơn, tiết kiệm nhiên liệu cao, hiệu suất năng lượng và tuổi thọ cao, người sử dụng sẽ nhanh chóng hoàn vốn.
Ông Huỳnh Kỳ Hạnh - Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ cho biết: “Tuy còn một số hạn chế nhưng bước đầu dự án đã góp phần chuyển giao công nghệ mới, nâng cao hiệu quả kinh tế của nghề khai thác thủy sản nói chung, nghề lưới vây xa bờ Khánh Hòa nói riêng. Đây là cơ sở khoa học để ngư dân cân nhắc việc đầu tư thay thế dần đèn truyền thống bằng đèn LED để nâng cao hiệu quả khai thác”.