Khám phá bản sắc riêng của mỗi cá nhân
Bị thu hút bởi chương trình được tổ chức bởi 1 đơn vị uy tín như Hội đồng Anh, sinh viên Trần Nhân Quý đến với khóa tập huấn Công dân tích cực với mong muốn tìm hiểu thêm về định nghĩa công dân tích cực và doanh nghiệp xã hội. Không chỉ đạt được những mục tiêu đề ra, tham gia các hoạt động tập huấn, Quý còn rèn luyện được những kỹ năng quan trọng mà lâu nay chưa thực sự quan tâm đúng mức, đó là kỹ năng hiểu về chính bản thân mình. “Mình học được cách nhìn nhận bản thân và người xung quanh, mỗi người sẽ có cách ứng xử thích trong những hoàn cảnh khác nhau”, Nhân Quý chia sẻ.
Khám phá được bản sắc của chính mình, điều tưởng chừng đơn giản nhưng chưa phải ai cũng làm được. Hiểu rõ được nét riêng của bản thân sẽ giúp mỗi người ý thức được việc phát huy được điểm mạnh và cải thiện điểm yếu của mình để phát triển toàn diện hơn. Sinh viên Nguyễn Tuấn Nghĩa chia sẻ “Sau khi kết thúc khóa tập huấn thì những cái mình nhận được vượt qua sự mong đợi rất nhiều. Sự tự tin dần thay thế sự nhút nhát, mình đã dám đứng lên nói lên suy nghĩ của bản thân, điều mà trước kia mình chưa thể nào làm được”.
Nhóm sinh viên tham gia trả lời phỏng vấn về khóa tập huấn Công dân tích cực.
Có được điều này chính là nhờ các hoạt động, trò chơi mà khóa tập huấn mang lại đã đem đến cho sinh viên cơ hội được thể hiện ý kiến cá nhân của mình trước sự tôn trọng và lắng nghe của người khác. Từ đó, hình thành tâm lý mạnh dạn, biết trình bày và bảo vệ lập trường của mình cho sinh viên. Đây là một kỹ năng cần thiết của mỗi người, đặc biệt là với những ai mong muốn trở thành những nhà lãnh đạo trong thời đại mới. Hiểu rõ chính mình, đó là nền tảng mà khóa tập huấn Công dân tích cực trang bị cho sinh viên trước hành trình phát triển bản thân, hòa nhập và gắn kết với mọi người để góp phần xây dựng xã hội.
Kết nối đa văn hóa – chìa khóa gắn kết những bản ngã
Một trong những phương pháp tập huấn để lại nhiều ấn tượng cho sinh viên là phương pháp kết nối vòng tròn. Phương pháp này đem lại cho sinh viên kỹ năng đối thoại và nắm bắt thông tin từ người khác, phá vỡ khoảng cách để hiểu nhau hơn. “Sự khác biệt lớn nhất của khóa tập huấn này chính là hoàn toàn không có khoảng cách nào giữa thầy cô, điều phối viên và sinh viên. Trong không gian thoải mái vừa học vừa chơi, mọi người đã cùng đưa ra ý kiến, tôn trọng lẫn nhau, đề cao tinh thần học hỏi. Trên quy tắc chung được xây dựng từ mỗi cá nhân thống nhất thành một tập thể gắn kết, mọi người cùng chung sức tìm ra giải pháp tối ưu để giải quyết vấn đề mà khóa tập huấn đặt ra” – sinh viên Trần Nhân Quý chia sẻ.
Phương pháp kết nối vòng tròn rèn kỹ năng đối thoại và thấu hiểu người khác cho sinh viên.
Khi có được kỹ năng đối thoại và thấu hiểu người khác tốt, mỗi người sẽ dễ hòa nhập vào môi trường đa văn hóa, dễ kết nối với nhau hơn. Đây là kỹ năng mà khóa tập huấn Công dân tích cực rất chú trọng, bởi càng nhiều các quan điểm tham gia vào quá trình học tập thì lại càng tạo ra nhiều cơ hội học tập, và khi càng có nhiều quan điểm được đưa ra, trí tuệ tập thể có thể xuất hiện. Nhờ đó, sinh viên hiểu được rằng, thông qua đối thoại, mọi người sẽ tạo ra được những nền tảng chung để tạo ra những hành động thống nhất giải quyết những vấn đề chung của cả cộng đồng.
Nỗ lực phát triển bản thân song hành với phát triển cộng đồng
Chương trình “Công dân tích cực” tập trung vào những khía cạnh cụ thể của tinh thần công dân tích cực là thực hiện các dự án phát triển xã hội, gắn kết vào những hoạt động tình nguyện tạo ra những ảnh hưởng tích cực tới cuộc sống của người dân địa phương hoặc các cộng đồng. Tại khóa tập huấn, mỗi nhóm sinh viên sẽ thực hiện một dự án hành động vì cộng đồng, từ khâu lên ý tưởng, chuẩn bị đến thực hiện. Ở hoạt động này, tinh thần quan sát, ý thức về cộng đồng của mỗi sinh viên đã được thể hiện rõ, hiện thực hóa mong muốn góp sức cho sự phát triển chung của xã hội thông qua những dự án nhỏ đầy tiềm năng.
Phương pháp tập huấn đa dạng và sinh động đã khiến cho nhiều sinh viên ấn tượng với chương trình CDTC.
Sau 3 đợt tập huấn, nhiều dự án vì cộng đồng đã được lên ý tưởng và tiến hành thực hiện, với những chủ đề khác nhau, chủ yếu xoay quanh việc giải quyết những vấn đề xã hội hiện có như hạn chế rác thải nhựa, vấn nạn ô nhiễm, nhu cầu nước sạch, nâng cao dân trí… Những vấn đề quan sát được trong các chuyến đi thực tế đã thực sự thôi thúc mỗi sinh viên cần phải hành động: “Ở vùng nông thôn vẫn còn tình trạng người dân thiếu nước sạch để sử dụng, nhiều người phải sử dụng nước giếng nhiễm phèn để sinh hoạt, nên chúng em đã thực hiện dự án tìm ra thiết bị giúp giải quyết vấn đề này”, sinh viên Trần Văn Nam nhớ lại chuyến đi thực tế tìm đề tài của mình.
Còn với nhóm sinh viên Quốc Thông, Nhân Quý, vấn nạn về rác thải nhựa và thực phẩm bẩn đã khiến các bạn đến với dự án chế tạo Muỗng ăn được. Các bạn tâm niệm rằng: “Một dự án khởi nghiệp gắn với trách nhiệm xã hội, thì bạn phải đảm bảo được các vấn đề về bảo vệ môi trường, tác động tích cực đến cộng đồng, vì thế nhóm mình quyết tâm tạo ra những chiếc muỗng ăn được từ nguồn thực phẩm sạch, hướng tới thay thế việc sử dụng muỗng nhựa bằng loại muỗng thân thiện với môi trường này.”
Sản phẩm từ dự án "Muỗng Ăn Được" của sinh viên Trường Đại học Nha Trang.
Không chỉ cảm nhận rõ ràng hơn về ý nghĩa trở thành một công dân tích cực, qua việc thực hiện những dự án này, sinh viên còn có cơ hội thể hiện sự sáng tạo, năng động và sức trẻ của mình. Đồng hành cùng sinh viên trong suốt quá trình tập huấn, cô Lê Thị Hồng Nhung – giảng viên Khoa Kinh tế đánh giá cao các dự án mà sinh viên thực hiện: “Khi tham gia tổ chức và điều phối cho khóa tập huấn này, điều mình bất ngờ nhất chính là năng lượng và sức sáng tạo của sinh viên. Sinh viên Trường Đại học Nha Trang rất giỏi, năng động và tích cực. Các bạn đã có sẵn kiến thức, kỹ năng, thái độ và không thiếu ý tưởng, chỉ cần được trang bị thêm 1 chút nền tảng về khởi nghiệp tạo tác động xã hội, được tiếp thêm cảm hứng và sự khích lệ thì sẽ bùng lên như ngọn lửa, rất mãnh liệt.”
Ví von các giảng viên, điều phối viên là những người truyền lửa, cô Lê Thị Hồng Nhung cho rằng, khóa tập huấn đã thổi bùng lên ngọn lửa nhiệt huyết vốn có trong mỗi sinh viên, truyền năng lượng sống tích cực đến mỗi bạn trẻ. Từ đó, ươm mầm những dự án đầy ý nghĩa, hình thành một thế hệ trẻ sống và hành động vì cộng đồng. Và một điều ý nghĩa hơn nữa, mỗi sinh viên sau khi tham gia tập huấn sẽ là một nhân tố lan tỏa những giá trị sống tích cực đến mọi người xung quanh, góp phần tạo nên môi trường sống lành mạnh, gắn kết, xây dựng cộng đồng phát triển bền vững hơn.
Trường Đại học Nha Trang là 1 trong 15 trường đại học trên cả nước ký kết thỏa thuận hợp tác với Hội đồng Anh tại Việt Nam. Chương trình tập huấn “Công dân tích cực – Doanh nghiệp xã hội” lần này nằm trong khuôn khổ hợp tác giữa hai bên. Đây là chương trình phát triển kỹ năng lãnh đạo xã hội, thúc đẩy đối thoại đa văn hóa và trách nhiệm với xã hội. Công dân tích cực do Hội đồng Anh triển khai cùng các tổ chức dân sự trên toàn cầu đến nay đã tiếp cận được hơn 210,000 người thông qua các khóa tập huấn, hội thảo, nghiên cứu xã hội và các chuyến tham quan học tập quốc tế.
Hợp tác Đối ngoại