Cách đây 73 năm, vào đêm ngày 19-12-1946, đáp ứng lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh “Chúng ta thà hy sinh tất cả chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ”, toàn thể dân tộc Việt Nam đã đồng lòng đứng lên chống thực dân Pháp xâm lược, mở đầu cuộc Kháng chiến trường kỳ gian khổ, anh dũng trong 9 năm.
Sau khi giành thắng lợi vẻ vang trong Cách mạng tháng Tám năm 1945 và thành lập nên nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, nhân dân Việt Nam hết lòng mong muốn có một cuộc sống hòa bình để khôi phục, xây dựng đất nước, xây dựng cuộc sống ấm no và hạnh phúc, sau khi phải chịu nhiều mất mát đau thương do chiến tranh gây ra. Vì vậy trước những hành động gây hấn của thực dân Pháp, Chính phủ và nhân dân ta đã có những nhân nhượng cần thiết để tránh cho dân tộc ta một cuộc chiến tranh, song “Chúng ta càng nhân nhượng thực dân Pháp càng lấn tới vì chúng quyết tâm muốn cướp nước ta một lần nữa”.
Đáp ứng lời kêu gọi cứu nước của Chủ tịch Hồ Chí Minh, cả Hà Nội đã anh dũng đứng lên kháng chiến. Các lực lượng vệ quốc đoàn, công an, tự vệ đồng loạt tiến công các vị trí địch theo kế hoạch đã định.
Các chiến sĩ trận địa Pháo đài Láng (Hà Nội) chuẩn bị sẵn sàng chiến đấu, 12-1946
Ngay từ những phút đầu, một số ổ tác chiến của Pháp bố trí ở các đường phố trung tâm đã bị tiêu diệt như ở Nhà máy Đèn Bờ Hồ, Nhà máy Điện Yên Phụ, Rạp chiếu bóng Magiettich,…Tự vệ nổ mìn đánh gục hàng loạt cây to và cột đèn; công nhân lật đổ những toa xe điện, xe lửa; nhân dân ném đồ đạc ra mặt đường…tạo thêm nhiều chiến lũy trên đường phố. Phụ nữ xung phong tải thương, cứu thương, tiếp tế. Các trục giao thông chính trong thành phố bị chặt đứt làm nhiều đoạn. Nhân dân ngoại thành nổi trống mõ, huy động lực lượng tiếp ứng cho nội thành.
Các khu Đại La, Đống Đa, Mê Linh, Đề Thám tập trung tự vệ từng đại đội, tiểu đoàn tiến vào các cửa ô, phối hợp chiến đấu với các Liên khu phố I, II, và III. Một số đơn vị tự vệ của Hoài Đức, Đan Phượng, Thanh Trì, thị xã Hà Đông cũng đã tham gia chiến đấu ở Hà Nội ngay từ đêm đầu tiên.
Các đường giao thông từ Hà Nội đi các tỉnh bị quân dân địa phương triệt phá. Sân bay Bạch Mai bị khống chế. Sân bay Gia Lâm bị quân dân liên tiếp đột kích. Liên lạc giữa Hà Nội với các căn cứ đóng quân của địch bị cắt đứt. Quân dân Thủ đô đã giáng cho địch những đòn đích đáng và giành giật với chúng từng căn nhà, góc phố. Nhiều trận chiến đấu đã diễn ra ác liệt ở Bắc Bộ phủ, Sở Bưu điện, trụ sở Ủy ban, trụ sở Bộ Quốc phòng và Trại vệ quốc đoàn trung ương ở Hàng Bài, Sở Chỉ huy tự vệ Hà Nội ở Đấu Xảo…
Cảm tử quân Hà Nội đã dũng cảm chiến đấu, linh hoạt, cơ động, giáng cho địch những đòn đau, xứng đáng với lời khen của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”. Âm mưu ngông cuồng của thực dân Pháp định chiếm Hà Nội trong 24 giờ đã bị hoàn toàn phá sản. Không những thế chúng còn bị tổn thất lớn. Trong đêm 19 rạng ngày 20-12, trên 300 tên địch đã bị tiêu diệt, 5 xe tăng, 2 xe gíp, 7 xe vận tải đã bị phá hủy.
Chiến sĩ cảm tử quân với bom ba càng tại mặt trận Hà Nội năm 1946
Phối hợp với cuộc kháng chiến của nhân dân Hà Nội, nhân dân ở các thành phố, thị xã và các địa phương khác cũng giáng cho địch những đòn nặng. 24h ngày 19-12-1946, quân dân Nam Định nổ súng vào quân giặc đóng tại khu Nhà máy Sợi, Nhà máy Tơ và Nhà ga, gây cho chúng nhiều thiệt hại. 2h30 ngày 20-12, quân dân Huế nổ súng tiến công giặc đóng trong thành phố, tiêu diệt gần 100 tên ngụy trong ngày chiến đấu đầu tiên. 5h sáng ngày 20-12, quân dân Đà Nẵng nổ súng tiến công vào các vị trí đóng quân của địch, tiêu hao, tiêu diệt nhiều quân địch, v.v...
Ngày Toàn quốc kháng chiến, 19-12-1946 đã mở đầu vẻ vang cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược trên phạm vi cả nước vì nền độc lập, tự do của Tổ quốc. Thắng lợi của Toàn quốc kháng chiến là đã tiêu diệt một bộ phận sinh lực địch, giam chân chúng tại đô thị vượt thời gian so với dự kiến ban đầu, tạo ra khoảng thời gian chiến lược quý báu chuyển đất nước vào thời chiến, bảo vệ an toàn cơ quan Trung ương Đảng và Chính phủ, bảo toàn lực lượng. Toàn quốc kháng chiến thể hiện rõ tinh thần chủ động, sáng tạo, nét đặc sắc trong nghệ thuật chỉ đạo chiến tranh cách mạng và sức mạnh vô địch của chiến tranh nhân dân Việt Nam.
Cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp cũng như sự kiện Toàn quốc Kháng chiến (19-12-1946), đã đi vào lịch sử của dân tộc ta một cách hào hùng. Bảy mươi ba năm đã trôi qua kể từ ngày mở đầu cuộc Kháng chiến Toàn quốc, nhưng tiếng súng chống xâm lăng trong những ngày tháng đó như vẫn luôn nhắc nhở và thúc giục chúng ta, tiếp thêm sức mạnh cho chúng ta hôm nay tiến bước mạnh mẽ hơn trên con đường đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc vì mục tiêu “Dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh”.
Vũ Thị Bích Hạnh – Khoa KH Xã hội và Nhân văn (sưu tầm và biên soạn).