Nhiệm kỳ XX (2015 - 2020) của Đảng bộ Trường Đại học Nha Trang diễn ra trong bối cảnh đất nước đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Giáo dục đại học ngày càng đóng vai trò quan trọng như là động lực phát triển kinh tế xã hội, đổi mới và khởi nghiệp sáng tạo; hệ thống giáo dục đại học trong quá trình đổi mới căn bản, toàn diện và hội nhập quốc tế. Trong nhiệm kỳ 2015 - 2020, Đảng bộ Nhà trường đã quan tâm lãnh đạo công tác công tác đào tạo và sinh viên và đạt được nhiều kết quả quan trọng:
Đảng bộ Nhà trường đã lãnh đạo triển khai thực hiện đổi mới và đa dạng hóa các chương trình đào tạo đáp ứng nhu cầu xã hội, phát triển các chương trình đào tạo liên ngành, chuyên ngành trong ngành. Trong giai đoạn 2015 - 2020, Nhà trường đã mở mới 5 ngành đào tạo trình độ đại học, 5 thạc sĩ (trong đó có ngành Quản lý thủy sản) và 2 tiến sĩ; chuyển 01 ngành hẹp sang ngành rộng, chuyển 06 ngành công nghệ kỹ thuật sang kỹ thuật.
Công tác tư vấn hướng nghiệp, quảng bá tuyển sinh ngày càng chuyên nghiệp và đi vào chiều sâu. Hoạt động tư vấn tuyển sinh phong phú, gắn kết trực tiếp với trường THPT trên địa bàn trọng điểm như Khánh Hòa, Ninh Thuận, Phú Yên.
Chương trình đào tạo được đánh giá, rà soát và cập nhật định kỳ dựa trên sứ mạng, tầm nhìn và nhu cầu của các bên liên quan; đã xây dựng Triết lý và mục tiêu giáo dục, chương trình giáo dục đại cương cho 04 nhóm ngành đào tạo. Tăng cường tính liên thông, nội dung chương trình cơ bản đáp ứng yêu cầu của Khung trình độ quốc gia Việt Nam, cập nhật chương trình đào tạo nhằm đáp ứng thay đổi của xã hội, chú trọng đến hướng nghiệp và kỹ năng mềm. Phát triển được 2 chương trình đại học định hướng nghề nghiệp POHE, 2 chương trình song ngữ (Anh – Việt, Pháp – Việt) làm nền tảng phát triển và nhân rộng thêm nhiều ngành khác trong thời gian tới. Đào tạo 02 chương trình thạc sĩ bằng tiếng Anh và 01 chương trình bằng tiếng Pháp.
Khai giảng chương trình cao học Pháp ngữ ngành Quản trị kinh doanh và Du lịch 2018
Đảng bộ Nhà trường đã lãnh đạo triển khai đồng bộ các giải pháp hỗ trợ sinh viên học tập yếu kém, dựa trên khảo sát đánh giá khoa học, mang lại hiêu quả; tỉ lệ sinh viên yếu kém bỏ học giảm đáng kể, tỉ lệ sinh viên khá giỏi có xu hướng tăng lên hàng năm. Nhiều giải pháp và mô hình đào tạo nâng cao năng lực ngoại ngữ để người học đạt chuẩn đầu ra ngoại ngữ trình độ đại học và sau đại học. Có nhiều cải tiến trong đào tạo kỹ năng mềm, từng bước đưa nội dung khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo vào giảng dạy ngoại khóa và chính khóa. Ban hành gần 25 văn bản quy định, quy trình tổ chức, quản lý đào tạo và sinh viên theo hướng chuẩn hóa, hiện đại và hội nhập quốc tế. Đến nay, cơ bản xây dựng đủ văn bản quản lý đào tạo nhằm vận hành hoạt động này một cách đồng bộ và hiệu quả.
Triển khai thực hiện nhiều hoạt động đổi mới phương pháp giảng dạy, kiểm tra đánh giá theo hướng phát huy tính tích cực, chủ động và sáng tạo của GV. Mô hình Elearning được GV quan tâm ứng dụng, đề cương học phần rà soát và cập nhật hàng năm. Các hoạt động ngoại khóa, đào tạo kỹ năng và tư vấn chuyên ngành được chú trọng; tỉ lệ sinh viên ra trường có việc làm đúng ngành nghề đào tạo đạt ở mức cao (có ngành đạt trên 90% như Nuôi trồng Thủy sản, Chế biến Thủy sản, Ngoại ngữ, Du lịch…).
Sinh viên ngành Luật tham gia cuộc thi học thuật tìm hiểu kiến thức Luật dận sự và hình sự
Đồng thời với các hoạt động đổi mới nâng cao chất lượng đào tạo, Nhà trường đã củng cố và kết nối các đầu mối cựu sinh viên ở nhiều tỉnh thành trên cả nước, tạo sự gắn kết, hỗ trợ sinh viên có nhiều cơ hội thực tập, việc làm sau khi ra trường. Ban Liên lạc Cựu Sinh viên gồm 40 thành viên là đại diện cựu sinh viên đã được kiện toàn để đồng hành và đóng góp cho sự nghiệp của Nhà trường.
Bên cạnh kết quả đạt được, công tác đào tạo và sinh viên vẫn còn tồn tại một số hạn chế như: Chất lượng đào tạo chưa tương xứng với sự phát triển quy mô sinh viên. Một số ngành đào tạo khó thu hút người học. Việc đổi mới phương pháp dạy học và kiểm tra, đánh giá người học chưa có nhiều chuyển biến. Việc ứng dụng công nghệ thông tin vào dạy và học còn nhiều hạn chế. Việc hỗ trợ và tư vấn sinh viên còn chưa bám sát nhu cầu ngày càng đa dạng của sinh viên.
Phát huy những kết quả đã đạt được đồng thời khắc phục những hạn chế còn tồn tại, Đảng bộ Trường Đại học Nha Trang đã đề ra mục tiêu trong công tác đào tạo và sinh viên giai đoạn 2020 – 2025 là: “Phát triển đào tạo gắn chặt với nhu cầu nguồn nhân lực, đa dạng hóa và nâng cao hiệu quả công tác hỗ trợ và tư vấn sinh viên; phấn đấu 100% chương trình đào tạo có mục tiêu, chuẩn đầu ra và nội dung đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội, trong đó lĩnh vực khoa học thủy sản và kinh tế biển ngang tầm Đông Nam Á, trên 70% sinh viên tốt nghiệp đúng hạn, 80% sinh viên có việc làm đúng ngành nghề đào tạo sau một năm tốt nghiệp ra trường. Đổi mới giáo dục, đặc biệt là phương pháp dạy học, kiểm tra - đánh giá nhằm đáp ứng chuẩn đầu ra và phát triển tính chủ động, sáng tạo, chuyên nghiệp và trách nhiệm của người học”.
Để đạt được mục tiêu đó Đảng bộ Nhà trường đã đề ra 7 nhiệm vụ giải pháp cơ bản:
Một là, định kỳ rà soát, cải tiến chương trình đào tạo đáp ứng nhu cầu xã hội; phát triển các chương trình đào tạo trong lĩnh vực mới và các chương trình đào tạo liên ngành mà xã hội có nhu cầu; phát triển các chương trình đào tạo theo mô hình tiên tiến có chất lượng cao, đạt tầm khu vực Đông Nam Á, đặc biệt trong lĩnh vực khoa học thủy sản và kinh tế biển.
Hai là, đổi mới đồng bộ các yếu tố cơ bản của giáo dục, đặc biệt hoàn chỉnh chính sách tạo sự chuyển biến về phương pháp dạy học, kiểm tra, đánh giá. Khuyến khích đổi mới sáng tạo và áp dụng công nghệ số trong dạy học.
Ba là, tiếp tục triển khai các giải pháp đồng bộ để nâng cao chất lượng dạy và học ngoại ngữ, đặc biệt là tiếng Anh.
Bốn là, Phát triển đào tạo ngắn hạn đáp ứng nhu cầu đa dạng của xã hội và người học sau tốt nghiệp. Đẩy mạnh hợp tác đào tạo sâu rộng với doanh nghiệp, trường, viện và tổ chức kinh tế - xã hội trong và ngoài nước theo nhiều hình thức.
Năm là, tiếp tục chuyên nghiệp hóa và tin học hóa trong quản lý công tác đào tạo và sinh viên.
Sáu là, đổi mới công tác tuyển sinh theo hướng chuyên nghiệp, định hình phương thức tuyển sinh phù hợp, mở rộng quảng bá tuyển sinh trong khu vực, từng bước nâng cao chất lượng nguồn tuyển.
Bảy là, tăng cường giáo dục đạo đức, lối sống và kỹ năng cho sinh viên. Đa dạng và từng bước chuyên nghiệp hóa các hoạt động hỗ trợ, tư vấn sinh viên; tạo điều kiện cho sinh viên tham gia các cuộc thi học thuật, văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao, sáng tạo, khởi nghiệp. Có chính sách ghi nhận, biểu dương kịp thời cho cán bộ và sinh viên có thành tích cao. Phối hợp chặt chẽ giữa nhà trường, gia đình và xã hội trong việc quản lý và giáo dục sinh viên.
Ngô Văn An – Khoa Khoa học xã hội và Nhân văn
(Trích lược Dự thảo Báo cáo chính trị trình ĐH Đảng bộ Trường lần thứ XXI, nhiệm kỳ 2020 - 2025)