Dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ Trường Đại học Nha Trang nhiệm kỳ 2015 - 2020, công tác hợp tác đối ngoại và phục vụ cộng đồng được đẩy mạnh với nhiều kết quả nổi bật đáng ghi nhận, cụ thể như:
Hoàn thành công tác rà soát, ban hành mới một số văn bản quy định, quy trình tổ chức và quản lý thúc đẩy hoạt động hợp tác đối ngoại: Đề án đẩy mạnh Hợp tác đối ngoại Trường Đại học Nha Trang giai đoạn 2016 - 2021; Quy định về quản lý các dự án sử dụng hỗ trợ nước ngoài (2018); Cơ chế hỗ trợ và thúc đẩy hoạt động hợp tác quốc tế.
Thiết lập được mạng lưới cộng tác viên làm đầu mối liên lạc và hỗ trợ các đơn vị trong công tác triển khai hoạt động hợp tác đối ngoại. Đội ngũ này đã phát huy được vai trò là đầu mối thu nhận, trao đổi thông tin giữa trường với các đơn vị và có những đóng góp bước đầu trong việc thúc đẩy công tác hợp tác đối ngoại tại đơn vị.
Công tác hợp tác, liên kết với các đối tác trong và ngoài nước tiếp tục được duy trì và phát triển: giai đoạn 2015-2020, đã phát triển được 37 đối tác (nước ngoài) mới thông qua các biên bản ghi nhớ hợp tác (MoU), duy trì và củng cố quan hệ hợp tác với 9 đối tác; ký 62 hợp tác với các trường, viện, công ty, doanh nghiệp trong nước. Hoạt động hợp tác trong xây dựng và phát triển dự án quốc tế ngày càng cụ thể và đi vào chiều sâu với nhiều chương trình, dự án mới được triển khai (nổi bật là các dự án NORHED, Clime-Fish, TUNASIA, V2WORK, dự án PEER 3, PEER 6, ACCESS, các dự án do IFS, hợp tác với FAO, UNCTAD, ILP, VLIR, AUF tài trợ). Các dự án này đã góp phần đáng kể trong việc nâng cao năng lực đào tạo và nghiên cứu của Trường đồng thời gia tăng vị thế, ảnh hưởng của Nhà trường trong cộng đồng khu vực.
Hợp tác đào tạo và nghiên cứu với Trường Đại học Rhode Island
Triển khai tổ chức tốt công tác lễ tân, quản lý đoàn ra đoàn vào. Hoạt động thu hút sinh viên nước ngoài đến giao lưu, học tập, nghiên cứu tại trường và cử sinh viên tham gia các khóa học tại các đơn vị đào tạo, nghiên cứu ở nước ngoài tiếp tục được quan tâm và đi vào chiều sâu.
Hoạt động quảng bá truyền thông ngày càng được tổ chức một cách chuyên nghiệp, được kế hoạch hóa theo từng năm học; công tác truyền thông giáo dục cũng như quảng bá hình ảnh, thương hiệu của Nhà trường được triển khai một cách đồng bộ, phong phú và đa dạng.
Hoạt động kết nối và phục vụ cộng đồng được nhìn nhận đầy đủ và đẩy mạnh hơn. Nhà trường đã xây dựng và ban hành chính sách phục vụ cộng đồng phù hợp với tầm nhìn và sứ mạng đã công bố. Hoạt động kết nối và phục vụ cộng đồng đã được đưa vào trong kế hoạch công tác hàng năm và phân công cụ thể cho các đơn vị, các tổ chức đoàn thể và cá nhân thực hiện. Hoạt động kết nối và phục vụ cộng đồng được thực hiện bằng nhiều hình thức khác nhau, gắn với thế mạnh của Nhà trường, thu hút ngày càng nhiều đơn vị và cá nhân tham gia, qua đó đem lại các lợi ích thiết thực cho cộng đồng cũng như gia tăng ảnh hưởng của trường đối với địa phương và khu vực.
Lãnh đạo trường thăm hỏi và tặng quà cho đồng bào dân tộc thiểu số huyện Khánh Vĩnh
Bên cạnh kết quả đạt được, công tác công tác khoa học và công nghệ vẫn còn tồn tại một số hạn chế như: Hoạt động hợp tác quốc tế vẫn còn tập trung chủ yếu ở một số ngành có thế mạnh và truyền thống. Hợp tác với doanh nghiệp chưa đi vào chiều sâu và tương xứng với tiềm năng của các bên.
Phát huy những kết quả đã đạt được đồng thời khắc phục những hạn chế còn tồn tại, Đảng bộ Trường Đại học Nha Trang đã đề ra mục tiêu trong công tác hợp tác đối ngoại và phục vụ cộng đồng giai đoạn 2020 - 2025 là: “Khai thác có hiệu quả các quan hệ hợp tác hiện có; tìm kiếm các hợp tác mới với bên ngoài góp phần nâng cao năng lực, chất lượng đào tạo và nghiên cứu; Tăng cường hợp tác bền vững với doanh nghiệp; tăng cường các hoạt động phục vụ cộng đồng có chiều sâu, thiết thực dựa trên nguồn lực sẵn có và các thế mạnh của Nhà trường. Phấn đấu mỗi năm có ít nhất 2 dự án quốc tế mới được phê duyệt, 3 dự án nghiên cứu khoa học hợp tác với đối tác nước ngoài; 10 cán bộ đi theo học các chương trình đào tạo cấp bằng tại nước ngoài, 50 cán bộ tham dự các khóa đào tạo, tập huấn, hội nghị, hội thảo quốc tế, 30 sinh viên đi tham gia các chương trình tham quan, giao lưu tại nước ngoài”.
Để đạt được mục tiêu đó Đảng bộ Nhà trường đã đề ra 9 nhiệm vụ giải pháp cơ bản:
Một là, tiếp tục rà soát, cập nhật và hệ thống hóa văn bản pháp lý, quy trình công việc hướng tới sử dụng các phần mềm quản lý chuyên dụng để nâng cao hiệu quả hoạt động. Cụ thể hoá chiến lược Hợp tác đối ngoại trong định hướng chiến lược phát triển Nhà trường trong giai đoạn mới. Đa dạng hoá hình thức, nội dung truyền thông, quảng bá hình ảnh của Nhà trường theo hướng chuyên nghiệp và hiệu quả.
Hai là, bổ sung, điều chỉnh chế độ chính sách thúc đẩy hoạt động hợp tác đối ngoại. Tăng cường hoạt động thu hút giảng viên và trao đổi sinh viên nước ngoài đến học tập và giảng dạy tại Trường.
Ba là, kiện toàn và chuyên môn hóa đội ngũ cán bộ chuyên trách, cộng tác viên công tác hợp tác đối ngoại. Thường xuyên cử đi đào tạo, tập huấn hoặc tổ chức tập huấn nâng cao trình độ chuyên môn, ngoại ngữ của đội ngũ này. Bồi dưỡng, nâng cao trình độ ngoại ngữ của CBGV tạo tiền đề kết nối, hợp tác NCKH, tham gia các chương trình đào tạo, giảng dạy bằng tiếng nước ngoài và các hoạt động học tập, hội thảo tập huấn ở nước ngoài.
Bốn là, tăng cường các hoạt động hợp tác quốc tế về NCKH dựa trên các nhóm nghiên cứu trọng điểm có sự tham gia của các nhà nghiên cứu quốc tế để thực hiện các dự án, chương trình nghiên cứu và xuất bản quốc tế. Phấn đấu mỗi năm có ít nhất 2 dự án quốc tế mới được phê duyệt, 3 dự án nghiên cứu khoa học hợp tác với đối tác nước ngoài.
Năm là, hoàn thiện chính sách hợp tác với doanh nghiệp. Mở rộng mạng lưới hợp tác với doanh nghiệp, gắn kết doanh nghiệp với các hoạt động đào tạo, nghiên cứu khoa học và đổi mới sáng tạo của nhà trường. Thường xuyên tổ chức các hoạt động có doanh nghiệp tham gia và thông tin cho doanh nghiệp hoạt động của nhà trường.
Sáu là, chú trọng công tác truyền thông nội bộ, ngoài trường và đảm bảo thông tin đến với CBVC, người học và xã hội một cách kịp thời, thông tin xác thực góp phần quảng bá Nhà trường.
Bảy là, tăng cường các hoạt động vì sự phát triển của cộng đồng: đáp ứng đầy đủ và kịp thời các yêu cầu đến từ cộng đồng thông qua các hoạt động tình nguyện; chủ động đề xuất và phối hợp với các bên liên quan của cộng đồng để triển khai các hoạt động vì mục tiêu phát triển cộng đồng.
Tám là, tăng cường trao đổi và chia sẻ tri thức giữa Nhà trường và cộng đồng: đẩy mạnh các hoạt động chia sẻ thông tin về chủ trương chính sách, khoa học, văn hóa, giáo dục giữa Nhà trường và cộng đồng; chủ động tham gia góp ý, phản biện khoa học các vấn đề của cộng đồng.
Chín là, tăng cường các hoạt động đào tạo, nghiên cứu khoa học và đổi mới sáng tạo gắn kết với cộng đồng: lồng ghép các hoạt động dạy và học có sự gắn kết với cộng đồng; tổ chức các hoạt động đào tạo đáp ứng nhu cầu phát triển nguồn nhân lực của cộng đồng; chú trọng các nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ nhằm mục tiêu phát triển cộng đồng; tăng cường sự tham gia của cộng đồng trong hoạt động đào tạo và nghiên cứu khoa học.
Ngô Văn An – Khoa Khoa học xã hội và Nhân văn
(Trích lược Dự thảo Báo cáo chính trị trình ĐH Đảng bộ Trường lần thứ XXI, nhiệm kỳ 2020 - 2025)