Hoạt động khoa học và công nghệ được Đảng bộ Trường Đại học Nha Trang xác định là một trong những hoạt động quan trọng của Nhà trường, Trong nhiệm kỳ 2015 - 2020, Đảng bộ đã tập trung lãnh đạo, đẩy mạnh các hoạt động khoa học và công nghệ và đạt được nhiều kết quả nổi bật, cụ thể như:
Hoàn thành việc rà soát, xác định lại hướng nghiên cứu chiến lược, mũi nhọn để tập trung đầu tư, triển khai các nhiệm vụ nghiên cứu khoa học thuộc hướng nghiên cứu chiến lược, mũi nhọn, liên ngành và gắn với thế mạnh của đơn vị. Xây dựng và triển khai 13 nhiệm vụ nghiên cứu cơ bản về hóa học, sinh học, kinh tế học làm cơ sở cho các nghiên cứu ứng dụng, chuyển giao công nghệ thuộc lĩnh vực Công nghệ thực phẩm, Công nghệ sinh học, Nuôi trồng thủy sản và Kinh tế. Thành lập 09 nhóm nghiên cứu để triển khai thực hiện nhiệm vụ khoa học công nghệ theo các định hướng nghiên cứu của một số khoa, viện. Thương mại hoá 04 sản phẩm khoa học công nghệ.
Cơ chế, chính sách thúc đẩy hoạt động khoa học công nghệ được rà soát, cập nhật và bổ sung cho phù hợp: công tác lập kế hoạch, phân bổ ngân sách; công tác xây dựng đề xuất, viết thuyết minh; cơ chế khuyến khích cán bộ, giảng viên kết nối với các doanh nghiệp xây dựng nhiệm vụ nghiên cứu, chuyển giao; chính sách cho các nhóm nghiên cứu hoạt động; chế độ nghiên cứu viên; khuyến khích cán bộ, giảng viên đầu tư phát triển sản phẩm mới.
Cơ chế phối hợp giữa các phòng chức năng với các khoa/viện trong việc thẩm định, xét duyệt, triển khai, mua sắm, thanh quyết toán kinh phí, khen thưởng nhịp nhàng hơn, tạo điều kiện thuận lợi cho các chủ nhiệm đề tài/dự án tập trung vào thực hiện nội dung chuyên môn của đề tài/dự án.
Công tác xét duyệt, đánh giá kết quả nghiên cứu được chú trọng và đi vào chiều sâu. Tăng cường mời các chuyên gia có uy tín bên ngoài trường tham gia vào các Hội đồng xét duyệt, đánh giá kết quả nghiên cứu. Số lượng đề tài, dự án các cấp giai đoạn 2015 - 2020 tăng 15% so với giai đoạn 2010-2015. Giai đoạn này, cán bộ viên chức Nhà trường đã công bố được 733 bài báo trên các Tạp chí khoa học trong nước; 182 bài báo trên các tạp chí quốc tế (tạp chí quốc tế uy tín – ISI, SCI, SCIE, SSCI, ESCI, SCOPUS: 160 bài; tạp chí quốc tế khác: 22 bài). Chỉ số đánh giá kết quả và hiệu quả hoạt động KHCN từ năm 2015-2018 đạt từ 90 điểm trở lên.
Hoạt động nghiên cứu khoa học trong sinh viên hệ đại học chính quy được duy trì, khuyến khích và gắn với hoạt động nghiên cứu của giảng viên. Học phần Phương pháp nghiên cứu khoa học được đưa vào hầu hết chương trình đào tạo của Nhà trường. Việc thực hiện luận án tiến sĩ của nghiên cứu sinh, luận văn thạc sĩ của học viên cao học đã bám sát với chiến lược và hoạt động nghiên cứu của khoa, viện và bộ môn.
Cơ sở dữ liệu về khoa học công nghệ được bổ sung, cập nhật thường xuyên trên website của Trường. Các hội thảo, hội nghị khoa học được tổ chức thường xuyên với sự tham gia của các đơn vị, doanh nghiệp ngoài trường và các chuyên gia, học giả trong và ngoài nước. Đặc biệt là các hội thảo khoa học liên quan đến lĩnh vực thuỷ sản và phát triển kinh tế biển.
Hội thảo khoa học về thủy sản trong khuôn khổ Hội chợ Vietfish 2018
Bên cạnh kết quả đạt được, công tác công tác khoa học và công nghệ vẫn còn tồn tại một số hạn chế như: Hoạt động khoa học công nghệ chủ yếu tập trung ở một số ngành có thế mạnh và truyền thống. Chưa hình thành các nhóm nghiên cứu mạnh và liên ngành tương xứng với tiềm năng của Trường. Việc thu hút chuyên gia, người nước ngoài đến làm việc và nghiên cứu chưa đạt như kỳ vọng.
Phát huy những kết quả đã đạt được đồng thời khắc phục những hạn chế còn tồn tại, Đảng bộ Trường Đại học Nha Trang đã đề ra mục tiêu trong công tác công tác khoa học và công nghệ giai đoạn 2020 - 2025 là: “Phát triển hoạt động khoa học công nghệ gắn với thực tiễn của cộng đồng và xã hội theo hướng đổi mới sáng tạo; chú trọng đầu tư nghiên cứu, chuyển giao công nghệ và đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực thuỷ sản và kinh tế biển. Phấn đấu mỗi năm số lượng đề tài/giảng viên đạt 0,15 đề tài/giảng viên; số lượng bài báo đăng trên Tạp chí khoa học trong nước/giảng viên đạt 0,3 bài/giảng viên; số lượng bài báo đăng trên Tạp chí khoa học quốc tế/giảng viên đạt 0,12 bài/giảng viên; 2-3 hợp đồng chuyển giao công nghệ mới được triển khai; tạp chí Khoa học - Công nghệ Thuỷ sản được Hội đồng Giáo sư liên ngành (Chăn nuôi-Thú y-Thủy sản) chấm điểm tối đa là 1 ”.
Để đạt được mục tiêu đó Đảng bộ Nhà trường đã đề ra 6 nhiệm vụ giải pháp cơ bản:
Một là, tăng cường kết nối với các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp và cơ sở nghiên cứu nhằm đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu, chuyển giao công nghệ và đổi mới sáng tạo gắn với nhu cầu thực tiễn.
Hai là, tiến hành rà soát và hoàn chỉnh các hướng nghiên cứu ưu tiên; xây dựng, phát triển một số chương trình nghiên cứu trọng điểm gắn với lĩnh vực thuỷ sản và kinh tế biển.
Ba là, hoàn thiện cơ chế, chính sách phát triển các nhóm nghiên cứu; tập trung đầu tư phát triển từ 3-5 nhóm nghiên cứu mạnh gắn với các chương trình nghiên cứu trọng điểm.
Bốn là, hỗ trợ và thúc đẩy các hoạt động nghiên cứu, đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp trong đội ngũ CBVC và người học.
Năm là, hoàn thiện chính sách khen thưởng cá nhân, tập thể có thành tích nổi bật trong hoạt động khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo.
Sáu là, tiếp tục triển khai rà soát, cập nhật, hệ thống hóa toàn bộ các văn bản pháp lý, quy trình công việc liên quan để nâng cao hiệu quả quản lý khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo.
Ngô Văn An – Khoa Khoa học xã hội và Nhân văn
(Trích lược Dự thảo Báo cáo chính trị trình ĐH Đảng bộ Trường lần thứ XXI, nhiệm kỳ 2020 - 2025)