Đồng chí Đồng Sỹ Nguyên tên khai sinh là Nguyễn Hữu Vũ, bí danh Nguyễn Văn Đồng, sinh ngày 01/3/1923 tại xã Quảng Trung, huyện Quảng Trạch (nay là thị xã Ba Đồn), tỉnh Quảng Bình. Đồng chí sớm giác ngộ cách mạng, tham gia hoạt động chống thực dân Pháp từ khi mới 15 tuổi. Tháng 12/1939, Đồng chí được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương.
Năm 1941, Đồng chí đảm nhận nhiệm vụ Phủ ủy viên lâm thời huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình. Từ năm 1942 đến tháng 2/1945, làm Ủy viên Ban cán sự tỉnh Quảng Bình phụ trách hai huyện Quảng Trạch và Tuyên Hóa. Cuối năm 1942 địch khủng bố, cơ sở bị vỡ, Đồng chí sang Thái Lan và Lào tiếp tục hoạt động, gây dựng cơ sở trong Việt kiều.
Tháng 3/1945, Đồng chí Đồng Sỹ Nguyên về nước tham gia thành lập Ban cán sự tỉnh Quảng Bình, lập chiến khu, chuẩn bị khởi nghĩa. Tháng 8/1945, được chỉ định vào Thường vụ Tỉnh ủy và làm Chủ nhiệm Việt Minh tỉnh Quảng Bình.
Cách mạng tháng Tám thành công, Đồng chí được cử làm Bí thư Huyện ủy, kiêm Chính trị viên Huyện đội, Huyện đội trưởng huyện Quảng Trạch. Đến giữa năm 1948, làm Tỉnh ủy viên, Chính trị viên, kiêm Tỉnh đội trưởng tỉnh Quảng Bình.
Từ năm 1949 đến năm 1950, Đồng chí được cử đi học lớp quân sự Bộ Tổng Tư lệnh, công tác ở Phòng Đảng vụ, Cục Chính trị. Từ năm 1951 đến tháng 1/1954, làm Cục phó Cục Tổ chức, Phái viên của Tổng Tư lệnh trong các chiến dịch Điện Biên Phủ, Hoàng Hoa Thám, tham gia Bộ Chỉ huy và Đảng ủy Mặt trận Trung Lào.
Từ tháng 2/1954 đến tháng 3/1956, Đồng chí phụ trách công tác trao trả tù binh ở Sầm Sơn và đón tiếp bộ đội miền Nam tập kết. Từ tháng 4/1956 đến năm 1960, Đồng chí lần lượt kinh qua các chức vụ Cục phó Cục Điều động dân quân, Cục trưởng Cục Động viên dân quân, Bí thư Ban Chấp hành Đảng bộ cơ quan Bộ Tổng Tham mưu và được phong quân hàm Đại tá năm 1958.
Năm 1964, Đồng chí làm Bí thư Ban Chấp hành Đảng bộ cơ quan Bộ Tổng Tham mưu, Tổng Tham mưu phó. Năm 1965, làm Chính ủy Quân khu 4, Bí thư Khu ủy; Chính ủy kiêm Tư lệnh Quân tình nguyện Việt Nam ở Mặt trận Trung Lào. Năm 1966 giữ chức Phó Chủ nhiệm Tổng cục Hậu cần phụ trách Tổng cục Tiền phương.
Từ năm 1967 đến tháng 5/1976, Đồng chí đảm nhiệm các chức vụ: Tư lệnh Chính ủy, Bí thư Đảng ủy Đoàn 559; Bí thư Ban cán sự cố vấn Đảng, quân, dân, chính, kiêm Tư lệnh Bộ đội tình nguyện ở Trung Hạ Lào. Đồng chí được phong quân hàm vượt cấp từ Đại tá lên Trung tướng năm 1974. Trong chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, Đồng chí tham gia Bộ Chỉ huy chiến dịch. Tháng 6/1976, Đồng chí giữ chức Thứ trưởng Bộ Quốc phòng; Chủ nhiệm Tổng cục Xây dựng kinh tế, Bí thư Đảng ủy Tổng cục.
Tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IV của Đảng (tháng 12/1976), Đồng chí được bầu làm Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng; giữ chức Thứ trưởng Thường trực Bộ Xây dựng, rồi Bộ trưởng, Bí thư Ban Cán sự đảng Bộ Xây dựng. Đầu năm 1979, đồng chí được điều trở lại quân đội làm Tư lệnh kiêm Chính ủy Quân khu Thủ đô.
Tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ V của Đảng (tháng 3/1982), đồng chí tiếp tục được bầu làm Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng và được bầu làm Ủy viên dự khuyết Bộ Chính trị; bổ nhiệm giữ chức Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng (nay là Phó Thủ tướng Chính phủ) kiêm Bộ trưởng Giao thông vận tải.
Tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI của Đảng (tháng 12/1986), đồng chí Đồng Sỹ Nguyên tiếp tục được bầu làm Ủy viên Bộ Chính trị; giữ chức Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng. Đồng chí là Ủy viên Trung ương Đảng các khóa IV, V, VI; Ủy viên dự khuyết Bộ Chính trị khóa V; Ủy viên Bộ Chính trị khóa VI; Đại biểu Quốc hội các khóa I, VI, VII, VIII.
Cuộc đời và sự nghiệp hoạt động cách mạng vẻ vang của Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên là tấm gương sáng về bản lĩnh chính trị, tinh thần dũng cảm, luôn nêu cao phẩm chất đạo đức cách mạng, tuyệt đối trung thành với Đảng, Tổ quốc và Nhân dân, tận tụy với nhiệm vụ được phân công. Trong suốt quá trình hoạt động cách mạng, Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên được giao nhiều cương vị quan trọng. Đặc biệt, trên cương vị Tư lệnh Bộ Tư lệnh Trường Sơn (1967-1976), Đồng chí đã có những quyết định sáng tạo trong chỉ đạo, tổ chức lực lượng, xây dựng, phát triển, khai thác hiệu quả đường Trường Sơn và lập nhiều chiến công đặt biệt xuất sắc, kịp thời chi viện sức người, sức của cho các chiến trường, góp phần giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Với những cống hiến, công lao to lớn và thành tích xuất sắc đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng, của dân tộc, Đồng chí đã được Đảng, Nhà nước tặng thưởng Huân chương Sao Vàng, Huân chương Quân công hạng Nhất, Huy hiệu 80 năm tuổi Đảng và nhiều huân chương, huy chương, phần thưởng cao quý khác của Việt Nam và quốc tế.
Kỷ niệm 100 năm Ngày sinh đồng chí Đồng Sỹ Nguyên, là dịp để chúng ta tưởng nhớ và biết ơn những công lao, cống hiến to lớn của Đồng chí đối với Đảng và cách mạng Việt Nam. Trân trọng và ghi nhớ công ơn to lớn của bao lớp người đi trước, nhắc nhở thế hệ hôm nay tiếp tục phát huy tinh thần yêu nước, tích cực học tập, lao động sáng tạo, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, xây dựng, phát triển đất nước Việt Nam phồn vinh, hạnh phúc./.
Ngô Văn An – Phòng CTCT&SV