


Giỗ tổ Hùng Vương - Lễ hội Đền Hùng vào ngày 10 tháng 3 âm lịch hằng năm là một ngày lễ trọng đại của đất nước, là một lễ hội lớn mang tầm vóc quốc gia ở Việt Nam, là dịp để Nhân dân ta tưởng nhớ và tỏ lòng biết ơn công lao lập nước của các Vua Hùng, những vị vua đầu tiên của dân tộc, các bậc tiền nhân đã có công lao xây dựng, gìn giữ và bảo vệ non sông gấm vóc từ ngàn đời.
Theo những tài liệu hiện nay còn lưu lại, hình thức sơ khai của Ngày Giỗ Tổ đã xuất hiện rất sớm trong lịch sử, cách đây hơn 2000 năm. Dưới thời Thục Phán - An Dương Vương, cột đá thề đã được dựng trên núi Nghĩa Lĩnh, ghi rõ: “Nguyện có trời đất lồng lộng chứng giám, nước Nam được trường tồn lưu ở miếu Tổ Hùng Vương, xin đời đời trông nom lăng miếu họ Hùng và gìn giữ giang sơn mà Hùng Vương trao lại; nếu nhạt hẹn, sai thề sẽ bị gió giăng, búa dập”.
Trong suốt hàng ngàn năm lịch sử, nhiều vị vua có tên tuổi của các triều đại phong kiến Việt Nam ngay khi mới lên ngôi, đã từng xác lập “ngọc phả” về thời đại Hùng Vương, khẳng định vai trò to lớn của các Vua Hùng đối với non sông đất nước.
Sau Cách mạng tháng Tám năm 1945, Chính phủ lâm thời đã cử cụ Huỳnh Thúc Kháng, Quyền Chủ tịch nước lên dự Giỗ Tổ năm đầu tiên (1946). Sau 9 năm trường kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp thắng lợi, mặc dù bận trăm công nghìn việc, Bác Hồ vẫn rất quan tâm đến giáo dục các thế hệ con cháu hướng về cội nguồn dân tộc. Ngày 18/9/1954, Bác từ Thái Nguyên sang Đền Hùng nghỉ lại một đêm, sáng ngày Bác gặp các chiến sĩ Sư đoàn 308 trước khi về tiếp quản Thủ đô, Bác đã căn dặn bộ đội: “Các vua Hùng đã có công dựng nước, Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước”.


Ngày 06/01/2001, Chính phủ ra Nghị định số 82/2001/NĐ-CP, quy định nhà nước về các ngày lễ lớn, trong đó ngày Giỗ Tổ Hùng Vương 10/3 Âm lịch là ngày Quốc lễ. Năm 2012, tín ngưỡng thờ cúng Vua Hùng của Việt Nam đã được UNESCO vinh danh là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại.

Giỗ Tổ Hùng Vương - Lễ hội Đền Hùng được tổ chức hàng năm mang nhiều giá trị nhân văn sâu sắc:
Lễ hội Đền Hùng thể hiện ý thức hướng về cội nguồn của mỗi con người Việt Nam: “Uống nước nhớ nguồn” là nét đẹp trong đạo lý của dân tộc. Lễ hội Đền Hùng đã nhắc nhở mỗi con người Việt Nam chúng ta phải ý thức hơn nữa về trách nhiệm của mình trong xã hội hiện tại, phải đoàn kết xây dựng đất nước Việt Nam; dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh, phải bảo vệ vững chắc biên cương của Tổ quốc đúng như Bác Hồ đã từng nói: “Các vua Hùng đã có công dựng nước, Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước”.
Lễ hội Đền Hùng đã góp phần tăng cường ý thức cố kết cộng đồng dân tộc: Tinh thần cố kết cộng đồng là một truyền thống quý báu từ ngàn xưa của dân tộc Việt Nam, nhờ có tinh thần ấy mà dân tộc ta đã đánh thắng được mọi kẻ thù, bảo vệ đất nước. Giỗ Tổ Hùng Vương - Lễ hội Đền Hùng có ý nghĩa quan trọng trong việc thu hút sự quan tâm của toàn thể nhân dân trong cả nước hướng về lễ hội, khơi dậy trong tâm thức của người Việt tinh thần đoàn kết cộng đồng, một giá trị tinh thần vô cùng quý báu của dân tộc ta. Trong sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội ngày nay tinh thần ấy đòi hỏi phải ngày càng được giữ gìn và phát huy.
Lễ hội Đền Hùng là một hình thức bảo tồn, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc: Xu thế hội nhập quốc tế để phát triển kinh tế ở nước ta hiện nay sẽ không tránh khỏi sự xâm nhập của các luồng văn hóa độc hại, làm ảnh hưởng đến một số truyền thống quý báu của dân tộc. Do vậy, việc bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc là vấn đề cấp thiết. Lễ hội Đền Hùng là phần nào đáp ứng được yêu cầu thời sự đó. Giữ gìn, bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, là một hình thức để khẳng định tính độc lập tự chủ của dân tộc mình.
Với những giá trị nhân văn ấy, Lễ hội Đền Hùng là một nhân tố góp phần giáo dục chủ nghĩa yêu nước trong mỗi con người Việt Nam hiện nay. Trong xã hội hiện đại, chủ nghĩa yêu nước không chỉ là giữ nước mà chủ nghĩa yêu nước còn là phải bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc. Để làm được điều đó, trong giai đoạn hiện nay, đòi hỏi chúng ta phải phát triển song song cả mặt kinh tế và mặt tinh thần, bằng việc bảo vệ và xây dựng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Đúng như Đảng ta khẳng định: “Chăm lo văn hóa là chăm lo xây dựng củng cố nền tảng văn hóa tinh thần của xã hội. Thiếu nền tảng tinh thần lành mạnh và tiến bộ, không quan tâm giải quyết tốt mối quan hệ giữa phát triển kinh tế với tiến bộ công bằng xã hội thì không thể có sự phát triển kinh tế, xã hội bền vững. Xây dựng và phát triển kinh tế phải nhằm mục tiêu văn hóa, vì xã hội công bằng, dân chủ, văn minh, con người phát triển toàn diện”.
Mỗi công dân Việt Nam hiện nay cần phải có trách nhiệm giữ gìn và phát huy những giá trị lịch sử, văn hóa và truyền thống đoàn kết của dân tộc Việt Nam; giới thiệu những phong tục, tập quán tốt đẹp của cộng đồng dân tộc Việt Nam trên khắp mọi miền đất nước; có ý chí tự cường, tinh thần đoàn kết, cần cù, sáng tạo trong lao động, dũng cảm trong đấu tranh dựng nước và giữ nước. Ủng hộ và thực hiện những quan điểm, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Cổ vũ các tầng lớp nhân dân, người Việt Nam ở nước ngoài hướng về cội nguồn dân tộc, đồng lòng, chung sức xây dựng đất nước hội nhập và phát triển./.
Ngô Văn An – Khoa KH Xã hội và Nhân văn