1. Khái niệm Triết lý giáo dục
Trường ĐH Nha Trang sử dụng định nghĩa sau đây khi xây dựng Triết lý GD:
“Triết lý giáo dục là một tập hợp các quan điểm cốt lõi định hướng mục tiêu giáo dục, nội dung và phương pháp dạy học, vai trò của giảng viên và người học trong hoạt động giáo dục”.
(Thông tư 12/2017/TT-BGDÐT)
2. Lý do xây dựng Triết lý giáo dục
Trường ĐH Nha Trang cần có Triết lý GD để:
- Định hướng các hoạt động giáo dục, đào tạo (xây dựng mục tiêu GD, chương trình đào tạo và đề cương HP, tổ chức các hoạt động dạy học, thiết kế các hoạt động ngoại khóa, …)
- Thể hiện tính tự chủ và trách nhiệm xã hội đối với sản phẩm đào tạo, góp phần quảng bá Nhà trường
- Đáp ứng yêu cầu của công tác kiểm định chất lượng nhà trường và các chương trình đào tạo
3. Căn cứ xây dựng Triết lý giáo dục
3.1 Luật Giáo dục
Mục tiêu của GDĐH:
“Đào tạo người học phát triển toàn diện về đức, trí, thể, mỹ; có tri thức, kỹ năng, trách nhiệm nghề nghiệp; có khả năng nắm bắt tiến bộ khoa học và công nghệ tương xứng với trình độ đào tạo, khả năng tự học, sáng tạo, thích nghi với môi trường làm việc; có tinh thần lập nghiệp, có ý thức phục vụ Nhân dân.”
3.2 Luật Giáo dục đại học
Mục tiêu chung của GDĐH:
“Đào tạo người học có phẩm chất chính trị, đạo đức; có kiến thức, kỹ năng thực hành nghề nghiệp, năng lực nghiên cứu và phát triển ứng dụng khoa học và công nghệ tương xứng với trình độ đào tạo; có sức khỏe; có khả năng sáng tạo và trách nhiệm nghề nghiệp, thích nghi với môi trường làm việc; có ý thức phục vụ nhân dân.”
4. Yêu cầu đối với Triết lý giáo dục của Trường ĐH Nha Trang
- Phù hợp với định nghĩa Triết lý GD của Thông tư 12/2017/TT-BGDÐT, với mục tiêu giáo dục đại học của Luật GD và Luật GDĐH
- Phù hợp với yêu cầu hiện nay và xu thế phát triển của GDĐH Việt Nam và thế giới
- Phù hợp với Sứ mạng, Tầm nhìn, Giá trị cốt lõi và định hướng phát triển đào tạo của ĐH Nha Trang
- Đáp ứng yêu cầu định hướng cho các hoạt động giáo dục, đào tạo của ĐH Nha Trang (xây dựng mục tiêu GD, chương trình đào tạo và đề cương học phần, tổ chức các hoạt động dạy học, thiết kế các hoạt động ngoại khóa, …)
- Súc tích, dễ hiểu, khả thi
5. Quá trình xây dựng Triết lý giáo dục
- Thành lập Tổ Xây dựng Triết lý và Mục tiêu GD vào tháng 5/2018 và bổ sung nhân sự vào tháng 8/2019 (gồm 12 thành viên).
- Xây dựng cơ sở lý luận và khảo sát tình hình xây dựng Triết lý GD trong và ngoài nước.
- Tổ chức phỏng vấn lãnh đạo trường, đơn vị, một số nhà giáo lão thành về Triết lý GD của ĐH Nha Trang.
- Tổ chức khảo sát lãnh đạo từ cấp BM, các PGS, TS, GV chính, 08 doanh nghiệp về Triết lý GD của ĐH Nha Trang.
- Tổ chức hội thảo góp ý dự thảo Triết lý GD, tham vấn 02 chuyên gia ngôn ngữ.
- Tổ chức lấy ý kiến của Hội đồng Khoa học – Đào tạo của Trường và của toàn thể CBVC.
- Tổ chức nghiệm thu Triết lý GD và ban hành chính thức (QĐ840/QĐ-ĐHNT ngày 25/7/2019).
6. Nội dung Triết lý giáo dục và ý nghĩa:
6.1 Triết lý giáo dục của Trường ĐH Nha Trang:
“Chú trọng phát triển tính chuyên nghiệp, khả năng sáng tạo và ý thức trách nhiệm trong môi trường giáo dục hội nhập, gắn kết với thực tiễn nghề nghiệp và cộng đồng”
6.2 Ý nghĩa:
+ Tính chuyên nghiệp:
(1) Có kiến thức, kỹ năng mềm và kỹ năng chuyên môn phù hợp với nghề nghiệp
(2) Có năng lực nghiên cứu, ứng dụng khoa học - công nghệ và đạo đức nghề nghiệp
(3) Có khả năng thích ứng với môi trường làm việc biến động và áp lực
(4) Luôn kiên trì, nhiệt huyết, trung thực và liêm chính trong công việc
(5) Luôn nỗ lực hoàn thành tốt công việc của mình và biết giữ chữ tín
(6) Luôn có tác phong và cách ứng xử đúng mực, không để cảm xúc riêng chi phối công việc
(7) Luôn giữ gìn hình ảnh, uy tín của bản thân và của tổ chức trong sinh hoạt và công việc
+ Khả năng sáng tạo: Biết vận dụng tri thức để tạo ra các sản phẩm mới, các cách giải quyết mới trước những đòi hỏi, vấn đề của thực tiễn nghề nghiệp và trong cuộc sống.
+ Ý thức trách nhiệm: Có ý thức trách nhiệm với bản thân, gia đình, tổ chức, cộng đồng, môi trường sống và với tổ quốc.
+ Môi trường giáo dục hội nhập: Các chương trình đào tạo, các hoạt động dạy – học và các hoạt động khác trong nhà trường đều hướng đến mục tiêu giúp người học không ngừng nâng cao khả năng đáp ứng yêu cầu của nghề nghiệp trong phạm vi quốc gia và khu vực, khả năng thích ứng với những tiến bộ của khoa học, công nghệ và của xã hội; hướng đến các chuẩn mực chất lượng trong nước, khu vực và quốc tế.
+ Môi trường giáo dục gắn kết với thực tiễn nghề nghiệp và cộng đồng: Nhà trường chú trọng các hoạt động hợp tác với doanh nghiệp và địa phương trong việc thiết kế và vận hành các chương trình đào tạo, nhằm tạo điều kiện để người học phát triển tính chuyên nghiệp, khả năng sáng tạo và ý thức trách nhiệm.
Nha Trang, ngày 07/12/2020