Học tiến sĩ là học gì?
Học tiến sĩ (người học tiến sĩ được gọi là nghiên cứu sinh) là quá trình tập trung vào việc thực hiện nghiên cứu chuyên sâu trong một lĩnh vực cụ thể (kinh tế - xã hội, khoa học – kỹ thuật, kinh doanh – quản lý) để tạo ra các tri thức khoa học, lý thuyết mới, hoặc mô hình ứng dụng mới. Nghiên cứu sinh thường là những người có kiến thức sâu rộng và có khả năng tự chủ trong việc tiến hành các dự án nghiên cứu. Khi tốt nghiệp, nghiên cứu sinh được công nhận học vị và cấp bằng tiến sĩ (học vị cao nhất trong bậc giáo dục tại Việt Nam), phục vụ cho chuyên môn nghề nghiệp, làm nghiên cứu hoặc đi dạy ở các trường đại học và viện nghiên cứu.
Trước khi trở thành nghiên cứu sinh, bạn phải có năng lực ngoại ngữ bậc 4 được minh chứng bằng các văn bằng hoặc chứng chỉ còn hiệu lực, đồng thời phải vượt qua vòng thi tuyển hoặc xét tuyển thông qua lý lịch khoa học, thành tích học tập, nghiên cứu ở các bậc học trước và bảo vệ đề cương nghiên cứu đạt yêu cầu.
Chương trình đào tạo tiến sĩ ở đa số các cơ sở đào tạo của nước ta hiện nay thường sẽ bao gồm các nội dung theo trình tự như sau:
Học các học phần ở trình độ tiến sĩ, lập kế hoạch chi tiết kế hoạch nghiên cứu, viết và bảo vệ tiểu luận tổng quan về đề tài luận án mà bạn đã xác định khi ứng tuyển, thực hiện các chuyên đề nghiên cứu (2 hoặc 3 chuyên đề tùy theo cơ sở đào tạo), tham gia các hội thảo khoa học, viết các bài báo khoa học liên quan nội dung của luận án để gửi các tạp chí khoa học chuyên ngành, viết luận án và bảo vệ luận án trước hội đồng đánh giá qua 2 cấp (cấp khoa/viện - còn gọi là cấp cơ sở - và cấp trường).
Thời gian học tiến sĩ trong nước là bao lâu?
Thời gian tiêu chuẩn của các chương trình đào tạo tiến sĩ hiện nay ở nước ta hiện nay thường được thiết kế trong 3 năm. Tuy nhiên nghiên cứu sinh được phép gia hạn và thường kéo dài khoảng 3 - 5 năm.
Thời gian thực tế có thể ngắn hoặc dài hơn tùy vào chương trình và đề tài nghiên cứu cũng như năng lực và điều kiện cụ thể của từng nghiên cứu sinh. Với đề tài nghiên cứu đã có sự chuẩn bị sớm ngay từ giai đoạn đầu, số liệu nghiên cứu có độ tin cậy, nghiên cứu sinh có nhiều nỗ lực thì thời gian học tiến sĩ có thể rút ngắn.
Cần chuẩn bị gì để học tiến sĩ trong nước?
- Về bằng cấp chuyên môn ban đầu: bạn phải có bằng tốt nghiệp thạc sĩ (trường hợp chưa có bằng thạc sĩ thì phải có bằng đại học xếp hạng giỏi) ngành phù hợp với ngành dự tuyển làm nghiên cứu sinh.
- Về kinh nghiệm nghiên cứu: có kinh nghiệm nghiên cứu thể hiện qua luận văn thạc sĩ của chương trình đào tạo định hướng nghiên cứu; hoặc bài báo, báo cáo khoa học đã công bố; hoặc có thời gian công tác từ 02 năm trở lên là giảng viên, nghiên cứu viên của các cơ sở đào tạo, tổ chức khoa học và công nghệ.
- Về ngoại ngữ: bạn phải có năng lực ngoại ngữ bậc 4 trở lên minh chứng bằng các chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế (ví dụ IELTS, TOEFL… đối với tiếng Anh) hoặc: bằng tốt nghiệp trình độ đại học trở lên do một cơ sở đào tạo nước ngoài cấp cho người học toàn thời gian bằng tiếng nước ngoài; bằng tốt nghiệp trình độ đại học ngành ngôn ngữ tiếng nước ngoài do các cơ sở đào tạo của Việt Nam cấp. Năng lực ngoại ngữ giúp bạn đọc các tài liệu nước ngoài, giao tiếp khoa học, tham gia các hội thảo khoa học quốc tế và viết các bài báo đăng trên các tạp chí quốc tế.
- Tìm người hướng dẫn khoa học:một trong những sự chuẩn bị cũng không kém phần quan trọng đó chính là tìm và chọn được giảng viên hoặc nghiên cứu viên hướng dẫn phù hợp hướng nghiên cứu, am hiểu sâu về chuyên ngành của đề tài nghiên cứu của bạn, có khả năng cải thiện chất lượng nghiên cứu, chỉ ra các vướng mắc và các hướng giải quyết hay gợi ý các phương pháp; góp ý và sửa luận án cho bạn, giúp bạn viết báo và công bố kết quả nghiên cứu trên các tạp chí khoa học chuyên ngành.
- Về tài chính: người chuẩn bị học tiến sĩ trong nước cũng cần chuẩn bị về kinh phí đào tạo. Kết quả tham khảo hiện nay (2023) tường tổng học phí cho khóa học tiến sĩ ở Việt Nam khoảng 150 đến 200 triệu đồng. Đây là con số ước lượng trung bình đối với học phí đóng góp cho cơ sở đào tạo mà chưa tính đến các chi phí khác như chi phí làm nghiên cứu, chi phí đăng bài… Vậy nên, người học nghiên cứu sinh cần có sự chuẩn bị tốt về tài chính để có thể chủ động và sẵn sàng cho việc học này.
- Về sức khỏe và tâm lý: học tiến sĩ là một hành trình tương đối gian nan, vất vả và bạn có thể gặp nhiều áp lực vì ngoài việc tập trung làm luận án, phía sau bạn còn có thể vướng bận công việc của cơ quan, công việc của gia đình. Bạn có thể phải làm việc với công suất gấp đôi so với bình thường. Do vậy, bạn phải chuẩn bị một tâm lý thật tốt và sức khỏe thật tốt để đương đầu với các thử thách bởi vì khi làm nghiên cứu có thể gặp các rủi ro về chuyên môn.
Vậy, học tiến sĩ dễ hay khó? Câu trả lời chung là không dễ nhưng cũng không phải là quá khó. Nếu dễ thì hầu như ai cũng làm được và nếu quá khó thì ít ai có thể vượt qua. Chỉ cần bạn có động lực, có quyết tâm, lập kế hoạch thực hiện thật chu đáo, có chiến lược phù hợp và có nỗ lực phấn đấu để nâng cao trình độ và năng lực chuyên môn. Điều này sẽ giúp bạn có cơ hội thăng tiến và thúc đẩy sự nhảy vọt trong sự nghiệp ở tương lai.
Vì vậy, giữa những cái khó và dễ, giữa cái được và mất, ngưỡng chịu đựng của bạn ở đâu, mục đích học tiến sĩ là gì chính là lời giải xác đáng nhất cho câu hỏi “có nên học tiến sĩ hay không” hay “học tiến sĩ dễ hay khó”. Chúc bạn lựa chọn đúng và thành công!
Tài liệu tham khảo
https://vienkt.ntu.edu.vn/tin-tuc/bao-ve-luan-an-tien-s-cap-co-so-cua-ncs-phan-dang-liem
https://www.ntu.edu.vn/tin-tuc/truong-dh-nha-trang-to-chuc-le-tot-nghiep-dao-tao-sau-dai-hoc-nam-2023
https://som.edu.vn/co-nen-hoc-tien-si-hay-khong-hoc-o-viet-nam-tot-khong/