Từ chế phẩm tôm đến giải thưởng sáng tạo về dinh dưỡng
Biến vỏ tôm – một thứ được xem là phế phẩm trở thành những sản phẩm giá trị cao là một đề tài nghiên cứu khoa học đem lại nhiều thành quả bất ngờ của Trường ĐH Nha Trang. Từ trước năm 2000, PGS.TS Trang Sĩ Trung đã nghiên cứu và cùng các cộng sự cải tiến quy trình sản xuất chitin từ phế liệu thủy sản để tận thu các hợp chất dinh dưỡng giá trị. Công nghệ của nhóm nghiên cứu đã tận thu được khoảng 60 - 70% chitin, protein, từ đó tạo ra nhiều sản phẩm giá trị cao trong sinh học, y tế, nông nghiệp.
Nghiên cứu để biến vỏ tôm thành những sản phẩm giá trị cao.
Hợp tác với Trường ĐH Nha Trang từ năm 2016 về ứng dụng nghiên cứu này vào sản xuất, Công ty Cổ phần Việt Nam Food (VNF) đã có được nền tảng để theo đuổi định hướng “không-chất-thải”, chiết xuất thành công phần lớn dưỡng chất từ phụ phẩm tôm và chuyển hóa thành nhiều loại thực phẩm có giá trị. Trên cơ sở đó, đầu tháng 12/2019 tại triển lãm Fi Global ở Châu Âu, VNF đã được trao Giải Thưởng Sáng Tạo trong cuộc thi toàn cầu về Dinh dưỡng cho Tương lai (Future of Nutrition), giúp “thay đổi đột phá chuỗi cung ứng thức ăn truyền thống trong vòng 5 năm tới”.
Giải quyết bài toán con giống trong nuôi trồng thủy sản
Giải quyết bài toán về con giống trong lĩnh vực nuôi trồng thủy sản của địa phương và khu vực cũng là một trong những điểm sáng của lĩnh vực nghiên cứu khoa học mà Trường ĐH Nha Trang đã đạt được trong quá trình chuyển giao công nghệ đến doanh nghiệp và người dân.
Cá hồng mỹ là đối tượng nuôi hấp dẫn ở nhiều nước thuộc châu Á - Thái Bình Dương trong đó có Việt Nam. Nắm bắt thực tế đó, Viện Nuôi trồng thủy sản – Trường ĐH Nha Trang đã bắt tay vào việc nghiên cứu sản xuất giống cá này, đến cuối năm 2015, đưa vào ứng dụng sản xuất thử nghiệm tại các doanh nghiệp và đã đạt được kết quả khả quan. Hiện nay, có khoảng 20 trại sản xuất giống cá hồng Mỹ tại khu vực Nam Trung bộ và Nam bộ, riêng Khánh Hòa, năm 2019, ước tính các cơ sở sản xuất hơn 2 triệu con giống cá hồng Mỹ cung cấp cho thị trường. Cá hồng Mỹ sinh trưởng nhanh, sau 1 năm nuôi thương phẩm trong ao đạt năng suất từ 9 đến 24 tấn/ha; nuôi thương phẩm bằng lồng trên biển đạt 0,9 - 1,2kg. Hiện nay, với giá bán cá thương phẩm từ 80.000 đến 90.000 đồng/kg, người nuôi có lãi từ 25.000 - 35.000 đồng/kg. Thành công của đề tài góp phần đa dạng hóa đối tượng nuôi, tạo thêm việc làm và thu nhập cho các hộ sản xuất giống hải sản trong tỉnh. Việc chủ động về nguồn giống là điều kiện thuận lợi cho nghề nuôi cá hồng Mỹ phát triển bền vững.
Nghiên cứu giống thủy sản được xem là một trong những thế mạnh về NCKH của Trường ĐH Nha Trang.
Một nghiên cứu khác cũng góp phần giải quyết bài toán về nguồn giống trong lĩnh vực nuôi trồng thủy sản đó là đề tài “Nghiên cứu xây dựng quy trình kỹ thuật sản xuất giống nhân tạo ốc nhảy Strombus canarium (Linnaeus, 1758) tại Khánh Hòa”. Đề tài nghiên cứu này đã xây dựng thành công quy trình kỹ thuật sản xuất giống nhân tạo ốc nhảy phù hợp với điều kiện tự nhiên của Khánh Hòa, khi tỷ lệ thành thục sinh dục của ốc nhảy bố mẹ khoảng 85%, tỷ lệ thụ tinh đạt 97%, tỷ lệ nở trên 93%. Sau khi được ương nuôi, giống ốc nhảy này đảm bảo tỷ lệ nở trên 93%. Hiện nay, ốc nhảy giống đã được đề tài bàn giao cho Trạm Khuyến công - nông - lâm - ngư của huyện Cam Lâm chuyển giao cho người dân thử nghiệm ương và nuôi thương phẩm trong ao đất và nuôi lồng ngoài biển. Kết quả thử nghiệm cho thấy, tỷ lệ sống của ốc đạt từ 45,6 đến 61,5%. Theo đánh giá của các cơ quan chức năng, đề tài nghiên cứu này đã bổ sung thêm những tư liệu, hiểu biết về một đối tượng thủy sản có giá trị kinh tế, góp phần chủ động cung cấp con giống cho người nuôi, tiến tới hình thành và phát triển nghề nuôi thương phẩm ốc nhảy tại địa phương.
Nhiều tiềm năng ở các sản phẩm cơ khí
Sản phẩm Cân tổ hợp của nhóm nghiên cứu thuộc Khoa Cơ khí có 18 hoặc 24 đầu cân độc lập để cân sản phẩm và khối lượng của các sản phẩm truyền về bộ điều khiển. Quá trình cân và tổ hợp liên tục cho phép trong một phút được 35 lần/18 đầu cân (50 lần/24 đầu cân), việc cân đi cân lại không xảy ra sẽ làm giảm thời gian chờ đợi của sản phẩm (giảm nhiệt độ, cầm tay nhiều lần,..), từ đó giảm thiểu hư hỏng, giữ nguyên chất lượng sản phẩm ban đầu.
Sản phẩm cân tổ hợp ứng dụng vào thực tế sản xuất tại doanh nghiệp.
Sản phẩm Cân tổ hợp đã được đưa vào sử dụng tại Công ty TNHH Ấn Độ Dương, Cần Thơ, thành viên của Tập đoàn Nam Việt - một trong những tập đoàn lớn nhất về nuôi, chế biến và xuất khẩu cá tra, cá basa của Việt Nam) và hiện đang triển khai lắp đặt cho các nhà máy khác của tập đoàn Nam Việt. Sản phẩm có thể cạnh tranh trực tiếp với các sản phẩm của các tập đoàn lớn Đức và Nhật Bản như Marel, Yamato.
Nghiên cứu khoa học kết nối với nhu cầu thực tế của xã hội
Hiện nay, hoạt động nghiên cứu khoa học tại Trường ĐH Nha Trang vẫn đang được thực hiện mạnh mẽ theo hướng chú trọng hiệu quả, tính ứng dụng vào thực tế, nổi bật có thể kể đến các nghiên cứu ở lĩnh vực sản xuất giống thủy sản, chế tạo thiết bị tàu cá, chiết xuất dược liệu từ thực vật, sản xuất dược liệu – vaccine dùng trong nuôi trồng thủy sản, công nghệ thực phẩm… Giai đoạn 2011-2019, Nhà trường đã triển khai 14 đề tài cấp Nhà nước, 33 đề tài/dự án cấp Bộ, 29 đề tài/dự án với các địa phương, 12 đề tài/dự án quốc tế, 121 đề tài cấp cơ sở. Với việc chú trọng thiết lập mối quan hệ với các doanh nghiệp, các địa phương trong cả nước và hàng trăm cơ sở giáo dục đào tạo và nghiên cứu ở khắp các châu lục từ châu Á, châu Âu, châu Mỹ đến châu Úc, Trường ĐH Nha Trang đã thể hiện rõ mục tiêu phát triển trong lĩnh vực nghiên cứu khoa học là phục vụ trực tiếp cho nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội, tạo cầu nối giữa đào tạo, NCKH với thực tiễn sản xuất xã hội. Điều này không chỉ góp phần thực hiện tầm nhìn đến năm 2030 là trường đại học đa lĩnh vực có uy tín trong đào tạo, nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ, hàng đầu khu vực Đông Nam Á về lĩnh vực khoa học thủy sản và một số ngành kinh tế biển, mà qua đó còn khẳng định được vai trò và vị thề của Nhà trường đối với sự phát triển chung của khu vực và đất nước.
Tổng hợp