Đồng chí Lê Đức Anh (bí danh Nguyễn Phú Hòa, còn gọi là Chín Hòa, Sáu Nam), sinh ngày 01/12/1920 tại làng Trường Hà, huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên - Huế; quê quán xã Lộc An, huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên - Huế.
Ông nguyên là Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam nhiệm kỳ 1992 - 1997. Trước đó ông từng là một tướng lĩnh Quân đội nhân dân Việt Nam, quân hàm Đại tướng, từng là Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Việt Nam (1987 - 1991), Tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam (1986 - 1987).
Năm 1937, Lê Đức Anh bắt đầu tham gia các hoạt động cách mạng chống thực dân Pháp. Tháng 5 năm 1938, ông gia nhập Đảng Cộng sản Việt Nam.
Năm 1944, Lê Đức Anh tổ chức và Phụ trách các nghiệp đoàn cao su ở Lộc Ninh. Khi Cách mạng Tháng Tám năm 1945 nổ ra, Lê Đức Anh tổ chức lực lượng gồm 300 người, trang bị vũ khí vừa thu được và giáo mác, tầm vông... dần qua với thị xã Thủ Dầu Một tham gia tổng khởi nghĩa.
Tháng 8 năm 1945, Lê Đức Anh tham gia quân đội, giữ các chức vụ từ Trung đội trưởng đến Chính trị viên Tiểu đoàn, chi đội 1 và Trung đoàn 301. Từ tháng 10 năm 1948 đến năm 1950, ông là tham mưu trưởng các Quân khu 7, Quân khu 8 và đặc khu Sài Gòn – Chợ Lớn.
Sau Hiệp định Genève, ông tập kết ra Bắc. Tháng 5 năm 1955, ông được cử giữ chức Cục phó Cục Tác chiến, rồi Cục trưởng Cục Quân lực Bộ Tổng Tham mưu Quân đội nhân dân Việt Nam, quân hàm Đại tá (1958).
Từ tháng 8 năm 1963, ông giữ chức Phó Tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam. Tháng 2 năm 1964, ông được điều vào Nam với bí danh Sáu Nam, giữ chức Phó Tư lệnh kiêm Tham mưu trưởng Quân Giải phóng Miền Nam.
Năm 1969, Lê Đức Anh được điều về làm Tư lệnh Quân khu 9. Cuối năm 1974, ông được điều trở lại chức Phó Tư lệnh Quân Giải phóng miền Nam. Cũng trong năm này, ông và Đồng Sĩ Nguyên được phong vượt cấp từ Đại tá lên Trung tướng. Trong 11 năm tham gia đánh Mỹ, ông đã trực tiếp chỉ huy 4 trận đánh lớn:
- Mùa khô năm 1966 – 1967, tướng Lê Đức Anh trực tiếp chỉ đạo đánh bại Chiến dịch Junction City của quân đội Mỹ và các nước đồng minh.
- Năm 1973, ông chỉ huy việc phá âm mưu bình định, tràn ngập lãnh thổ sau khi có Hiệp định Paris của quân lực Việt Nam Cộng Hòa ở địa bàn quân khu 9.
- Năm 1974, ông chỉ huy Chiến dịch Đường 14 - Phước Long, giải phóng tỉnh Phước Long và thăm dò khả năng phản công của quân đội VNCH.
- Năm 1975, ông được cử giữ chức Phó Tư lệnh Chiến dịch Hồ Chí Minh, kiêm Tư lệnh cánh quân Tây Nam đánh vào Sài Gòn. Từ tháng 5 năm 1976, ông là Tư lệnh Quân khu 9. Đến tháng 6 năm 1978, là Tư lệnh kiêm Chính ủy Quân khu 7, chỉ huy trưởng cơ quan tiền phương Bộ Quốc phòng ở mặt trận Tây - Nam.
Năm 1980, Trung tướng Lê Đức Anh đặt chân lên Campuchia với trọng trách tái thiết Campuchia sau Chiến tranh biên giới Tây Nam. Cũng trong năm 1980, ông được phong hàm từ Trung tướng lên Thượng tướng. Năm 1981, khi đang giữ chức Tư lệnh Quân khu 7, ông được phân công kiêm chức Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, kiêm Tư lệnh quân tình nguyện Việt Nam tại Campuchia, Phó trưởng ban, rồi Trưởng ban lãnh đạo chuyên gia Việt Nam tại Campuchia.
Năm 1983, khi Lê Đức Anh đang điều trị mắt ở Liên Xô thì được Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam gọi về để lo vụ đánh địch ngầm ở Siem Reap. Lê Đức Anh giải quyết êm đẹp vụ này và một năm sau, năm 1984, ông được Chủ tịch Hội đồng Nhà nước thăng quân hàm từ Thượng tướng lên Đại tướng. Tháng 12 năm 1986, Lê Đức Anh được cử giữ chức Tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam.
Từ ngày 16 tháng 2 năm 1987 đến 10 tháng 8 năm 1991, ông là Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Phó Bí thư thứ nhất Đảng ủy Quân sự Trung ương. Khi Bộ Chính trị họp đã thông qua kế hoạch điều chỉnh chiến lược và giảm quân số quân đội của ông, từ 1,5 triệu quân thường trực xuống còn 45 vạn (từ 9 quân đoàn giảm xuống còn 4 quân đoàn), gánh nặng ngân sách quốc phòng được giải tỏa.
Đại tướng Lê Đức Anh - Bộ trưởng Bộ Quốc Phòng kiểm tra tình hình bảo vệ biên giới năm 1987.
Cuối tháng 2 năm 1987, trong cuộc họp Bộ Chính trị ở Nhà con rồng – Sở Chỉ huy của Bộ Quốc phòng, Đại tướng Lê Đức Anh, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng đã đề xuất thực hiện "phá thế bao vây cấm vận của Mỹ và bình thường hóa quan hệ với Trung Quốc, tìm cách gia nhập ASEAN".
Ông là một trong số ít những cán bộ quân đội đã trải qua cả bốn chiến trường trong suốt 40 năm: Tham gia 9 năm kháng chiến chống Pháp, tham gia chỉ huy tại chiến trường miền Nam chống Mỹ trong 11 năm (1964 - 1975), chỉ huy chiến trường Campuchia trong 7 năm (1979 - 1986), tham gia chỉ huy chiến trường biên giới phía Bắc trong 3 năm (1986 - 1989).
Ngày 23/9/1992, Quốc hội khóa IX đã bầu đồng chí làm Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam cho đến tháng 12/1997. Đồng chí là Ủy viên Trung ương Đảng các khóa IV, V, VI, VII, VIII; Bí thư Trung ương Đảng khoá VII; Ủy viên Bộ Chính trị các khóa V, VI, VII, VIII; Ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị khóa VIII; Cố vấn Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam từ tháng 12/1997 đến tháng 4/2001; Đại biểu Quốc hội các khóa VI, VIII và IX.
Chủ tịch nước Lê Đức Anh thăm các đơn vị của Hải quân vùng 3, ngày 9/1/1996.
Ngày 22/4/2019, đồng chí Đại tướng Lê Đức Anh qua đời tại nhà công vụ trong Trạm khách Bộ Quốc phòng (T66), số 5 Hoàng Diệu, Hà Nội.
Với 99 năm tuổi đời, hơn 80 năm tuổi Đảng, đồng chí Lê Đức Anh đã trọn đời phấn đấu, cống hiến cho sự nghiệp cách mạng vẻ vang của Đảng và Nhân dân ta. Đồng chí được Đảng, Nhà nước trao tặng nhiều phần thưởng cao quý: Huân chương Sao Vàng, Huân chương Hồ Chí Minh, Huân chương Quân công hạng Nhất, Huân chương Chiến công hạng Nhất, Huân chương Chiến thắng hạng Nhất, Huy hiệu 80 năm tuổi Đảng và nhiều huân chương, huy chương cao quý khác của Việt Nam và quốc tế.
Trương Thị Xuân - Khoa KH Xã hội và Nhân văn.