Cách đây tròn 70 năm, Hiệp định Geneve về đình chỉ chiến sự ở Việt Nam đã được ký kết (1954), mở ra một trang mới trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước của nhân dân ta. Chủ tịch Hồ Chí Minh và Trung ương Ðảng đã có quyết định mang tầm chiến lược là đưa con em cán bộ, chiến sĩ, đồng bào miền Nam tập kết ra Bắc để tiếp tục học tập, tạo nguồn cán bộ lâu dài cho sự nghiệp cách mạng; đồng thời góp phần cho công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc, chuẩn bị lực lượng cho cuộc đấu tranh giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
Theo Hiệp định Geneve, địa điểm tập kết ở Nam Bộ được chọn tại 3 khu vực: Hàm Tân - Xuyên Mộc, Cao Lãnh - Ðồng Tháp Mười và Cà Mau. Thời gian tập kết tại Hàm Tân - Xuyên Mộc là 80 ngày; tại Cao Lãnh - Ðồng Tháp Mười là 100 ngày và tại Cà Mau là 200 ngày.
Tại miền Bắc, tỉnh Thanh Hóa được Trung ương Đảng lựa chọn là nơi đón tiếp, chăm sóc, nuôi dưỡng đồng bào, cán bộ, chiến sĩ và học sinh miền Nam. Địa điểm đầu tiên tập kết là tại cảng Lạch Hới, xã Quảng Tiến (nay là phường Quảng Tiến, thành phố Sầm Sơn).
Chỉ trong vòng một tháng, lực lượng tập kết đã hành quân an toàn về các khu vực tập kết theo quy định, trong sự tiễn đưa lưu luyến của nhân dân địa phương. Từ ngày 26/8/1954, các con tàu vận tải bắt đầu đưa những đoàn cán bộ chiến sĩ tập kết của Nam Bộ ra miền Bắc. Ngày 25/9/1954, đoàn chuyển quân đầu tiên ở khu vực Hàm Tân - Xuyên Mộc cập bến Sầm Sơn. Từ ngày 25/9/1954 đến ngày 1/5/1955, Nhân dân Sầm Sơn đã đón tiếp 1.869 thương, bệnh binh; 47.346 cán bộ; 5.992 học sinh và 1.443 gia đình cán bộ, chiến sĩ miền Nam tập kết ra Bắc.
Ðến cuối tháng 10/1954, toàn bộ lực lượng tập kết ở hai khu vực Hàm Tân - Xuyên Mộc và Cao Lãnh - Ðồng Tháp Mười ra đến miền Bắc an toàn. Ngày 8/2/1955, chuyến tàu cuối cùng chuyển quân ở Nam Bộ khu vực Cà Mau ra đến miền Bắc. Ðến đây, việc tập kết chuyển quân ở chiến trường Nam Bộ được hoàn tất.
Quá trình tập kết ra Bắc là một sự kiện quân sự mang tầm chiến lược đối với cả hai miền Nam - Bắc, bởi đây chính là một bước chuẩn bị cho cuộc đấu tranh lâu dài, nhằm tiến tới giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
Sự kiện này còn mang ý nghĩa sâu sắc, khẳng định truyền thống yêu nước, tinh thần đại đoàn kết của dân tộc Việt Nam. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, quân dân miền Nam đã chấp hành tuyệt đối sự phân công, điều động của tổ chức với tinh thần “Đi hay ở đều là nhiệm vụ”. Còn Nhân dân miền Bắc đã chuẩn bị chu đáo những điều kiện tốt nhất để đón tiếp tận tình cán bộ, chiến sĩ, đồng bào miền Nam.
Về trò của Đảng ta, Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đưa ra những quyết định mang tính chiến lược, không chỉ về việc tập kết quân đội mà còn về cách thức quản lý, sử dụng, và bồi dưỡng lực lượng. Đây không chỉ là cuộc di chuyển để bảo đảm tuân thủ Hiệp định Geneve mà còn là kế hoạch dài hạn trong việc đào tạo một thế hệ cán bộ cho cách mạng. Những người ra Bắc đã tiếp tục học tập, rèn luyện để chuẩn bị cho cuộc đấu tranh giành độc lập thống nhất đất nước sau này.
70 năm đã trôi qua nhưng sự kiện tập kết, chuyển quân ra Bắc năm 1954 còn nguyên giá trị lịch sử, khẳng định truyền thống yêu nước, tinh thần đại đoàn kết toàn dân tộc, ý chí quyết tâm, thống nhất đất nước, Nhân dân hai miền Nam - Bắc luôn đoàn kết một lòng vượt qua khó khăn ở mọi thời kỳ của cách mạng dân tộc để xây dựng và phát triển đất nước phồn vinh hạnh phúc./.
Ngô Văn An – Phòng CTCT&SV