Cách đây 78 năm, ngày 18/10/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có cuộc gặp lịch sử với Cao ủy Pháp ở Đông Dương Đắcgiăngliơ (D’Argenlieu) tại vịnh Cam Ranh để bàn việc thi hành “Tạm ước 14/9/1946”. Đây là một sự kiện lịch sử có ý nghĩa quan trọng đối với cuộc kháng chiến chống Pháp của dân tộc Việt Nam.
Ngày 31/5/1946, nhận lời mời của Chính phủ Pháp, Chủ tịch Hồ Chí Minh lên đường sang thăm nước Pháp. Cùng ngày, phái đoàn Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa do đồng chí Phạm Văn Đồng dẫn đầu cũng lên đường đi đàm phán chính thức với Chính phủ Pháp. Hội nghị Phôngtennơblô (Fontainebleau) họp từ ngày 6/7 đến 10/9/1946 bàn các vấn đề: Địa vị Việt Nam trong khối liên hiệp Pháp; mối quan hệ bang giao giữa Việt Nam với các nước; tổ chức Liên bang Đông Dương; vấn đề thống nhất 3 kỳ ở Việt Nam và việc trưng cầu dân ý ở Nam Bộ… Nhưng do lập trường thực dân của Chính phủ Pháp nên cuộc đàm phán đó đã không đạt kết quả. Phái đoàn đàm phán của Chính phủ Việt Nam lên đường về nước ngày 13/9/1946.
Để tỏ rõ thiện chí hòa bình, tranh thủ thêm thời gian hòa hoãn trước khi rời nước Pháp, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đàm phán và ký với đại diện Chính phủ Pháp bản “Tạm ước 14/9/1946”, trong đó có Điều 9 với nội dung cơ bản là Pháp cam kết thi hành quyền tự do dân chủ ở Nam bộ, sẽ tổ chức trưng cầu dân ý ở Nam Kỳ và chấm dứt mọi hành động chiến tranh vào ngày 30/10/1946.
Chủ tịch Hồ Chí Minh và Bộ trưởng Hải ngoại Pháp Marius Moutet ký Tạm ước ngày 14/9/1946
Ngày 15/9/1946, Cao ủy Pháp ở Đông Dương là Đắcgiăngliơ nhận được thông báo về bản “Tạm ước 14/9”. Với bản chất hiếu chiến, Đắcgiăngliơ cho rằng việc ký kết Tạm ước là sự vội vàng, là một “thảm họa” cho Pháp. Nhưng do chỉ thị của Chính phủ Pháp với mệnh lệnh cho thi hành nhanh chóng Điều 9 của Tạm ước 14/9, buộc Đắcgiăngliơ phải chấp hành. Vì vậy, Đắcgiăngliơ đã gửi điện mời gặp Chủ tịch Hồ Chí Minh tại vịnh Cam Ranh để bàn việc thi hành Tạm ước.
Ngày 18/10/1946, cuộc gặp gỡ có ý nghĩa lịch sử giữa Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đắcgiăngliơ đã diễn ra tại vịnh Cam Ranh. Trong suốt cuộc gặp gỡ, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã thể hiện tài năng ngoại giao của mình với những câu trả lời khéo léo, thể hiện quan điểm kiên quyết bảo vệ độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của đất nước. Người đã phản đối và từ chối yêu cầu của Đắcgiăngliơ đòi quân đội Việt Nam ở miền Nam phải rút về miền Bắc.
Sự kiện Chủ tịch Hồ Chí Minh đến vịnh Cam Ranh gặp Cao ủy Pháp Đắcgiăngliơ là dấu mốc lịch sử quan trọng trong cuộc đời hoạt động cách mạng của Người, đặc biệt trên lĩnh vực hoạt động đấu tranh ngoại giao. Thông qua cuộc gặp và việc ký kết bản Tạm ước, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã góp phần xuất sắc bảo vệ chủ quyền và nền độc lập còn non trẻ của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa trong khi thế và lực của ta còn yếu, đồng thời tạo điều kiện tranh thủ thời gian xây dựng lực lượng cách mạng để đối phó với tình hình có thể xấu hơn; nâng cao vị thế của nước ta lúc bấy giờ với các nước trên thế giới.
Cuộc gặp Cao ủy Pháp Đắcgiăngliơ và các hoạt động ngoại giao trước đó trong năm 1946 cho thấy Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng ta cố gắng đến tận cùng nhằm tìm ra một giải pháp hòa bình, cố tránh một cuộc chiến tranh cho dân tộc, biết nhân nhượng, thậm chí lùi tạm thời ở thời điểm cần thiết để rồi tạo điều kiện tiếp tục đưa cách mạng Việt Nam tiến lên. Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng ta luôn luôn kiên trì nguyên tắc nắm vững đường lối chiến lược quyết tâm theo đuổi mục tiêu cao nhất của dân tộc là độc lập, tự do và chủ nghĩa xã hội. Với những kẻ thù không chấp nhận, muốn dùng chiến tranh để thủ tiêu nền độc lập thống nhất đất nước thì toàn Đảng, toàn dân, toàn quân kiên quyết đứng lên chiến đấu, bảo vệ đến cùng nền độc lập, tự do mới giành được.
Kỷ niệm 78 năm Ngày Bác Hồ đến vịnh Cam Ranh (18/10/1946 - 18/10/2024), là dịp để mỗi cán bộ, đảng viên, Nhân dân Khánh Hòa tiếp tục bày tỏ lòng thành kính, tri ân, niềm tự hào, niềm tin son sắt về Đảng quang vinh, về sự nghiệp cách mạng vẻ vang của Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại, dân tộc Việt Nam anh hùng; khẳng định vai trò, sứ mệnh, sự cống hiến của Đảng đối với sự nghiệp cách mạng dân tộc, dẫn dắt dân tộc ta vững vàng tiếp tục đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới, xây dựng, bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa; bày tỏ khát vọng, lòng yêu chuộng hòa bình và quyết tâm xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; tiếp tục vượt qua khó khăn, thách thức, chung sức đồng lòng, nỗ lực thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng; Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII; thi đua lập thành tích chào mừng đại hội đảng bộ các cấp, tiến tới Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng.
Ngô Văn An – Phòng CTCT&SV