Trải qua 80 năm xây dựng và phát triển, dưới sự lãnh đạo sáng suốt và tài tình của Đảng Cộng sản Việt Nam, Quân đội Nhân dân Việt Nam đã kế thừa truyền thống đấu tranh kiên cường của dân tộc, vượt qua muôn vàn khó khăn, thử thách để trưởng thành và lớn mạnh, trở thành biểu tượng của lòng yêu nước, ý chí quật cường và sức mạnh đại đoàn kết dân tộc.
Ngay từ khi Đảng cộng sản Việt Nam ra đời (03/02/1930), trong Cương lĩnh chính trị đầu tiên, Đảng ta đã khẳng định con đường đấu tranh giải phóng giai cấp, giải phóng dân tộc là dùng bạo lực cách mạng để giành chính quyền và yêu cầu phải “Tổ chức ra quân đội công nông”.
Trong phong trào cách mạng 1930 - 1931, đỉnh cao là Xô viết Nghệ - Tĩnh, từ lực lượng khởi nghĩa của công nông, Đội tự vệ công nông (Tự vệ Đỏ) đã ra đời. Đó là tiền đề đầu tiên của lực lượng vũ trang cách mạng Việt Nam. Tiếp theo đó, hàng loạt tổ chức vũ trang lần lượt được thành lập như: Đội du kích Bắc Sơn (1940), các đội du kích ở Nam Kỳ (1940), Cứu quốc quân (1941).
Ngày 22/12/1944, tại khu rừng giữa hai tổng Hoàng Hoa Thám và Trần Hưng Đạo thuộc châu Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng, Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân - tiền thân của Quân đội nhân dân Việt Nam được thành lập theo Chỉ thị của Lãnh tụ Hồ Chí Minh. Đồng chí Võ Nguyên Giáp được Trung ương Đảng và Lãnh tụ Hồ Chí Minh ủy nhiệm tổ chức, lãnh đạo, chỉ huy, tuyên bố thành lập Đội, gồm 34 người, biên chế thành 3 tiểu đội do đồng chí Hoàng Sâm làm Đội trưởng, đồng chí Xích Thắng làm Chính trị viên, có chi bộ Đảng lãnh đạo.
Ngay sau ngày thành lập, Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân đã mưu trí, táo bạo, bất ngờ đột nhập và đánh thắng hai trận đầu ở Phai Khắt và Nà Ngần (Cao Bằng) vào ngày 25 và 26/12/1944, tiêu diệt hai tên đồn trưởng Pháp, bắt sống toàn bộ binh lính địch. Chiến thắng Phai Khắt, Nà Ngần mở đầu cho truyền thống quyết chiến, quyết thắng của Quân đội nhân dân Việt Nam.
Tháng 4/1945, Hội nghị quân sự cách mạng Bắc Kỳ của Đảng đã quyết định hợp nhất các tổ chức vũ trang cách mạng trên cả nước thành Việt Nam giải phóng quân. Trong Cách mạng Tháng Tám năm 1945, Việt Nam giải phóng quân đã cùng lực lượng vũ trang các địa phương và Nhân dân tiến hành Tổng khởi nghĩa giành chính quyền trên toàn quốc. Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công, Việt Nam giải phóng quân được đổi tên thành Vệ quốc đoàn, rồi Quân đội quốc gia Việt Nam (1946), từ năm 1950 được gọi là Quân đội nhân dân Việt Nam.
Trong kháng chiến chống thực dân Pháp, Quân đội Nhân dân Việt Nam đã lập nên những chiến công vang dội như chiến dịch Việt Bắc (1947), chiến dịch Biên giới (1950), chiến dịch Hòa Bình (1951),chiến dịch Tây Bắc (1952), chiến dịch Đông Xuân (1953 - 1954) và đỉnh cao là chiến thắng Điện Biên Phủ (1954) “Lừng lẫy năm châu - Chấn động địa cầu”, đã giáng một đòn quyết định vào ý chí xâm lược, buộc thực dân Pháp phải ký kết Hiệp định Giơ-ne-vơ về đình chỉ chiến sự ở Việt Nam. Chiến dịch Điện Biên Phủ là một điển hình xuất sắc, là đỉnh cao của nghệ thuật quân sự Việt Nam trong kháng chiến chống Pháp; đồng thời là minh chứng cho sự phát triển vượt bậc của Quân đội ta sau 10 năm xây dựng, chiến đấu và chiến thắng vẻ vang (1944 - 1954).
Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước (1954 - 1975), Quân đội Nhân dân Việt Nam đã phát huy vai trò nòng cốt cùng toàn dân lập nên những chiến công lẫy lừng như: Chiến thắng Ấp Bắc (1963); Tết Mậu Thân (1968); Đường 9 - Nam Lào (1971); Điện Biên Phủ trên không (1972) và đỉnh cao là chiến dịch Hồ Chí Minh ((26 - 30/4/1975), giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.
Sau chiến tranh, bước vào thời kỳ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, Quân đội Nhân dân Việt Nam tiếp tục khẳng định vai trò trong việc bảo vệ chủ quyền biên giới, biển đảo. Các chiến dịch bảo vệ biên giới phía Tây Nam và phía Bắc trong những năm 1978, 1979 cho thấy bản lĩnh và sự trưởng thành vượt bậc của Quân đội nhân dân Việt Nam trong mọi hoàn cảnh. Đặc biệt, trong thời kỳ đổi mới, Quân đội đã không chỉ làm tốt nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc mà còn tham gia tích cực vào công cuộc xây dựng đất nước: cứu hộ, cứu nạn, phát triển kinh tế - xã hội, giúp đỡ Nhân dân vùng sâu, vùng xa. Hình ảnh người lính tận tụy “Vì nhân dân phục vụ” không chỉ thể hiện tinh thần trách nhiệm cao cả mà còn trở thành biểu tượng sáng ngời của tình quân dân gắn bó bền chặt. Những cống hiến ấy đã khẳng định Quân đội ta luôn xứng đáng với lời khen ngợi của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Quân đội ta trung với Đảng, hiếu với dân, sẵn sàng chiến đấu hy sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc, vì chủ nghĩa xã hội.”
Kỷ niệm 80 năm ngày thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam là dịp để chúng ta ôn lại lịch sử hào hùng của dân tộc, bản chất, truyền thống tốt đẹp, những chiến công oanh liệt của Quân đội và nhân dân ta dưới sự lãnh đạo của Đảng. Tưởng nhớ và tri ân sâu sắc đối với các thế hệ cha anh đã cống hiến, hy sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc. Đồng thời qua đó, khơi dậy niềm tự hào dân tộc và ý chí phấn đấu xây dựng một đất nước Việt Nam hòa bình, ổn định và phát triển thịnh vượng.
Trần Thị Thu Trang - Phòng CTCT&SV