Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn quan tâm chăm lo đến thế hệ học sinh, sinh viên. Người thường xuyên thăm hỏi, động viên, khuyến khích học sinh, sinh viên miệt mài học tập và không ngừng tu dưỡng đạo đức cách mạng để trở thành những người có đức, có tài, đóng góp sức mình vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Trong thư gửi các em học sinh nhân ngày khai trường đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa vào tháng 9/1945, Bác đã khẳng định: “Nước nhà trông mong, chờ đợi ở các em rất nhiều. Non sông Việt Nam có thể trở nên tươi đẹp hay không, dân tộc Việt Nam có bước tới đài vinh quang để sánh vai các cường quốc năm châu được hay không, chính là nhờ một phần lớn ở công học tập của các em”.
Đối với lớp thanh niên trí thức – những thanh niên, sinh viên đang được đào tạo từ các trường đại học, cao đẳng được Bác dành sự quan tâm đặc biệt. Bác yêu cầu sinh viên: “Phải hiểu rõ học thế nào? Học cái gì? Học để làm gì?”. Tại Đại hội sinh viên Việt Nam lần thứ II, ngày 7.5.1958, Bác nhấn mạnh: “Đối với thanh niên trí thức như các cháu ở đây thì cần đặt hai câu hỏi: Học để làm gì? Học để phục vụ ai? Đó là hai câu hỏi cần phải trả lời dứt khoát thì mới có phương hướng”. Bác chỉ rõ: “Dưới chế độ thực dân, phong kiến, mục đích đi học là cốt được mảnh bằng để làm ông thông, ông phán, lĩnh lương nhiều, ăn ngon, mặc đẹp. Thế thôi. Số phận dân tộc thế nào, tình hình thế giới biến đổi thế nào, không hay, không biết gì hết. Mục đích giáo dục nô lệ hầu hạ chúng. Ngày nay ta đã được độc lập, tự do, thanh niên mới thật là người chủ tương lai của nước nhà. Muốn xứng đáng vai trò là người chủ thì phải học tập. Học bây giờ với học dưới chế độ thực dân, phong kiến khác nhau”, “Học tập nâng cao trình độ chính trị, văn hoá, khoa học kỹ thuật và quân sự” và “Học để phụng sự ai? Để phụng sự Tổ quốc, phụng sự nhân dân, làm cho dân giàu, nước mạnh, tức là để làm tròn nhiệm vụ người chủ của nước nhà”.
Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng luôn lưu ý học sinh, sinh viên rằng, để việc học tập thành công và trở nên hữu ích thì học phải đi đôi với hành, lý thuyết phải đi cùng thực tiễn. Bác nói: “Chỉ biết lý luận (lý thuyết) mà không biết thực hành thì cũng là trí thức có một nửa. Vì vậy cho nên các cháu trong lúc học về lý luận thì cũng phải kết hợp với thực hành”, “lý luận phải gắn liền với thực tế”.
Ngoài việc học tập, trau dồi kiến thức, Chủ tịch Hồ Chí Minh còn căn dặn thế hệ trẻ phải thường xuyên rèn luyện, tu dưỡng phẩm chất, đạo đức, lối sống. Bác nhấn mạnh hai phẩm chất hàng đầu của học sinh, sinh viên phải rèn luyện trong nhà trường là đức và tài.
Về đức, theo Bác đó là đạo đức, đạo lý làm người mà với thời đại chúng ta phải rèn luyện để có đạo đức cách mạng. Bác giải thích đạo đức cách mạng rất giản dị, cụ thể: “Đạo đức cách mạng không phải là những điều cao siêu, xa lạ mà đối với mỗi người bất kỳ ở cương vị nào, bất kỳ làm một việc gì đều không sợ khó, không sợ khổ, đều một lòng một dạ phục vụ lợi ích chung của giai cấp, của nhân dân, đều nhằm mục đích xây dựng chủ nghĩa xã hội”. Về tài, tức là năng lực, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ được tích lũy và phát huy tác dụng, đóng góp thiết thực, làm ra lợi ích cho xã hội, góp phần thúc đẩy xã hội ngày càng phát triển.
Bác yêu cầu thanh niên, học sinh, sinh viên phải có đức, có tài. Bác nói: “có tài mà không có đức ví như một anh làm kinh tế tài chính rất giỏi nhưng lại đi đến thụt két thì chẳng những không làm được gì ích lợi cho xã hội mà còn có hại cho xã hội nữa. Nếu có đức mà không có tài ví như ông bụt không làm hại gì nhưng cũng không lợi gì cho loài người”.
Đã hơn nửa thế kỷ trôi qua nhưng những lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh dành cho học sinh - sinh viên Việt Nam vẫn còn nguyên giá trị. Để xứng đáng với niềm tin yêu và kỳ vọng của Đảng, Bác Hồ, sinh viên Trường Đại học Nha Trang nguyện không ngừng phấn đấu học tập tốt, rèn luyện tốt, quyết tâm thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp, góp phần quan trọng vào sự nghiệp đổi mới, xây dựng đất nước Việt Nam ngày càng giàu đẹp, văn minh, hiện đại, sánh vai với các cường quốc năm châu như Bác Hồ kính yêu hằng mong muốn./.
Ngô Văn An – Phòng CTCT&SV