Trong những ngày tháng 5 lịch sử, mỗi người dân Việt Nam nói chung và mỗi sinh viên của Trường Đại học Nha Trang nói riêng đều nhớ đến ngày sinh nhật Bác Hồ kính yêu, trong tim luôn trào dâng một cảm xúc bồi hồi khó tả khi hướng về Thủ đô Hà Nội, hướng về Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh - trái tim của cả nước với tấm lòng trân trọng, biết ơn và thành kính. Đã 52 năm kể từ ngày Người đi xa, nhưng sự nghiệp và tư tưởng, tấm gương đạo đức, phong cách vĩ đại, sáng ngời của Người vẫn sống mãi trong sự nghiệp cách mạng của dân tộc, trường tồn theo thời gian, mãi mãi tỏa sáng trong hành trình phát triển của nhân dân ta và nhân loại tiến bộ. Trong toàn bộ di sản vô giá mà Người để lại cho dân tộc ta, thì phong cách Hồ Chí Minh được toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta xác định là tài sản tinh thần vô cùng to lớn, mãi mãi là nguồn sáng bất tận soi rọi vào mỗi tâm hồn con người Việt Nam, hướng cho mọi người đến với những giá trị chân, thiện, mỹ của cuộc sống.
Phong cách Hồ Chí Minh là những đặc trưng giá trị mang đậm dấu ấn Hồ Chí Minh, được thể hiện trong mọi lĩnh vực sống và hoạt động của Người. Là một chỉnh thể thống nhất, bao gồm phong cách tư duy, phong cách làm việc, phong cách ứng xử, phong cách diễn đạt, phong cách sinh hoạt:
Phong cách tư duy: Nét đặc sắc nhất trong phong cách tư duy Hồ Chí Minh là tinh thần độc lập, tự chủ, sáng tạo, tự mình tìm tòi, suy nghĩ, truy đến tận cùng bản chất của sự vật, hiện tượng để tìm ra chân lý cách mạng, phù hợp với nhu cầu và điều kiện thực tiễn của đất nước, thời đại mình đang sống một cách sâu sắc, phải biết xuất phát từ thực tiễn dân tộc và thời đại, làm định hướng cho tư duy và hành động.
Phong cách diễn đạt của Người rất đa dạng, phong phú: có lối viết trong sáng, uyên bác, hàn lâm để nói chuyện với các chính khách phương Tây; lối viết hàm súc, ý tại ngôn ngoại để nói với các bậc đại nho; lối viết mộc mạc, giản dị, dễ hiểu, dễ nhớ, dễ làm, có sức cuốn hút mạnh mẽ đối với người có trình độ thấp. Bác Hồ thường đặt ra bốn vấn đề khi nói và viết là: Nói, viết cái gì?; Nói, viết cho ai?; Nói, viết để làm gì?; Nói, viết như thế nào? Đây là những vấn đề có tính nguyên tắc, định hướng cho việc nói và viết của mỗi người, nhất là đối với người lãnh đạo. Đặc trưng cơ bản trong cách nói, cách viết của Hồ Chí Minh là: chân thực, ngắn gọn, rõ ràng, trong sáng, giản dị, dễ hiểu, đi thẳng vào vấn đề, không màu mè, lắt léo, quanh co,... Bác Hồ căn dặn phải chống các bệnh hay nói chữ, ham dùng chữ, sính dùng chữ nước ngoài, thậm chí không hiểu cũng dùng.
Phong cách làm việc: Di sản trong phong cách làm việc Hồ Chí Minh kết tinh thành các giá trị phổ biến, có sức lan tỏa lâu bền qua các thời kỳ cách mạng và thể hiện sâu sắc ở các đặc trưng cơ bản: Phong cách làm việc sâu sát quần chúng, đi đúng đường lối quần chúng “lắng nghe ý kiến của đảng viên, của nhân dân, của những người không quan trọng”; Phong cách làm việc tập thể, dân chủ, luôn tuân thủ nghiêm ngặt nguyên tắc tập trung dân chủ, tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách; Phong cách làm việc khoa học, có tổ chức việc kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ; Phong cách nêu gương và phong cách đổi mới, không chấp nhận lối cũ, đường mòn…
Phòng cách ứng xử văn hóa: Đặc trưng cơ bản trong phong cách ứng xử Hồ Chí Minh là: Đối với nhân dân, bạn bè, đồng chí, anh em thì tự nhiên, bình dị, cởi mở, chân tình, vừa chủ động linh hoạt lại vừa ân cần, tế nhị, bình dị, tự nhiên đến mức hồn nhiên, làm cho bất cứ ai được gặp Người đều thấy không khí chan hòa, ấm cúng, thoải mái, không e ngại, sợ sệt, không cảm thấy sự cách biệt giữa lãnh tụ và quần chúng, giữa vĩ nhân với bình dân. Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn luôn thể hiện thái độ yêu thương, quý mến con người, trân trọng con người, khoan dung, khiêm nhường, độ lượng với con người…
Phong cách sinh hoạt: Phong cách sinh hoạt là một nét chói sáng trong nhân cách Hồ Chí Minh, đã được biết bao thế hệ, người đời ca ngợi. Phong cách sinh hoạt Hồ Chí Minh có nhiều nội dung đã trở thành huyền thoại không chỉ với nhân dân Việt Nam mà còn đối với cả thế giới. Hồ Chí Minh có cuộc sống đời thường giản dị, Người đã sống cuộc sống của người thợ, người thủy thủ, nhà văn, nhà báo, nhà giáo, học viên, người lính trong chiến tranh, người chiến sĩ cách mạng hoạt động bí mật, người tù, nhà chính khách, nhà ngoại giao,… và nhiều năm là nguyên thủ quốc gia. Ở Người, sinh hoạt trở thành các chuẩn mực: Đó là sự thanh đạm, thanh cao trong sinh hoạt hằng ngày; đó là cách sống chừng mực, điều độ, ngăn nắp, yêu lao động, rất quý trọng thời gian, không ham muốn danh lợi riêng cho mình; đó là tình thương yêu con người quyện với tình yêu thiên nhiên tạo nên tinh thần lạc quan của người chiến sĩ, kết hợp chặt chẽ với những rung động say mê của một tâm hồn nghệ sĩ.
Sinh viên Trường Đại học Nha trang tích cực rèn luyện bản lĩnh, nhân cách thông qua học tập, vận dụng phong cách Hồ Chí Minh:
Trường Đại học Nha Trang là trường đại học công lập, trực thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo. Nhà trường có sứ mạng đào tạo nhân lực trình độ cao; nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ và cung cấp dịch vụ chuyên môn đa lĩnh vực, trong đó lĩnh vực thủy sản là thế mạnh, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội.
Quán triệt Chỉ thị 05 – CT/TW của Bộ Chính trị, Đảng ủy và Ban Giám hiệu cùng các đơn vị chức năng trong toàn Nhà trường luôn xác định việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách của Chủ tịch Hồ Chí Minh là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên, liên tục, lâu dài. Đối với sinh viên Nhà trường, Đảng ủy và Ban Giám hiệu đã chỉ đạo Đoàn Thanh niên, Hội sinh viên xác định việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách của Chủ tịch Hồ Chí Minh là một nội dung trọng tâm trong chương trình hành động, kế hoạch công tác của thanh niên Nhà trường, coi đây là một giải pháp quan trọng trong giáo dục đạo đức, lối sống cho sinh viên. Trong đó, đẩy mạnh việc nghiên cứu, học tập và làm theo phong cách của Người sẽ là nền tảng để rèn luyện bản lĩnh, nhân cách của sinh viên ngay khi còn ngồi trên ghế nhà trường.
Trong giai đoạn hiện nay, song song với việc tích cực chủ động học tập kiến thức, rèn luyện kỹ năng nhằm nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, từng bước làm chủ khoa học công nghệ thì sinh viên Trường Đại học Nha Trang còn đặc biệt quan tâm tới việc rèn luyện bản lĩnh, nhân cách và trao dồi tư tưởng đạo đức cách mạng. Trên cơ sở nghiên cứu, quán triệt và vận dụng tư tưởng, đạo đức, đặc biệt là phong cách tư duy, phong cách làm việc, phong cách ứng xử, phong cách diễn đạt, phong cách sinh hoạt,… của Người; Đoàn trường đã tổ chức rất nhiều hoạt động tăng cường giáo dục lý tưởng cách mạng, bản lĩnh nhân cách gắn liền với cương vị, chức trách, nhiệm vụ của mỗi đoàn viên, thanh niên Nhà trường.
Kết quả từ việc học tập, vận dụng phong cách Chủ tịch Hồ Chí Minh trong hoạt động thực tiễn đã có những tác động tích cực tới việc rèn luyện bản lĩnh, nhân cách cho các thế hệ sinh viên Nhà trường. Hiện nay, sinh viên Trường Đại học Nha Trang đang là lực lượng tiên phong trong ứng dụng khoa học công nghệ vào xây dựng xã hội học tập, góp phần đẩy mạnh sự nghiệp CNH, HĐH đất nước. Sinh viên Nhà trường cũng đã tham gia rất tích cực vào 3 phong trào lớn do Trung ương đoàn phát động; “Thanh niên tình nguyện”, “Tuổi trẻ sáng tạo”, “Tuổi trẻ xung kích xây dựng và bảo vệ Tổ quốc” và 3 chương trình; “Đồng hành với thanh niên trong học tập”, “Đồng hành với sinh viên khởi nghiệp, lập nghiệp” và “Đồng hành với sinh viên trong rèn luyện phát triển kỹ năng; nâng cao thể chất và đời sống văn hóa tinh thần” và đã thu được những kết quả rất đáng ghi nhận. Bên cạnh đó, sinh viên Trường Đại học Nha trang luôn là lực lượng xung kích trên tất cả các mặt trận, đã có nhiều đóng góp xứng đáng vào việc thực hiện thắng lợi những nhiệm vụ trọng tâm của Nhà trường trong thời gian vừa qua.
Nghiên cứu, học tập và làm theo phong cách của Chủ tịch Hồ Chí Minh có ý nghĩa vô cùng quan trọng đối với sự nghiệp cách mạng ở nước ta trong giai đoạn hiện nay. Phong cách Hồ Chí Minh sẽ mãi là tấm gương sáng ngời giúp mỗi cán bộ, giảng viên và sinh viên trong Nhà trường phải luôn luôn tự tu dưỡng, rèn luyện để trở thành những người có phẩm chất chính trị, đạo đức lối sống giản dị trong sáng, luôn gắn bó mật thiết với nhân dân, luôn lấy lợi ích của nhân dân làm mục đích hoạt động. Việc tích cực học tập, vận dụng, rèn luyện bản lĩnh, nhân cách và trao dồi tư tưởng đạo đức cách mạng theo Phong cách Hồ Chí Minh của sinh viên Trường Đại học Nha Trang cũng là những việc làm thiết thực nhất hướng tới kỷ niệm 132 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 - 19/5/2022), vị Cha già vĩ đại của toàn thể nhân dân Việt Nam.
Bùi Thanh Tuấn
Trung tâm Giáo dục QP&AN – Đại học Nha Trang
Tài liệu tham khảo:
[1] Viện ngôn ngữ học (2005), Từ điển tiếng việt thông dụng, Nxb. Từ điển Bách khoa.
[2] Đinh Xuân Lý, Phạm Ngọc Anh (2008), Một số chuyên đề về tư tưởng Hồ Chí Minh, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội.
[3] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2002, tập 3, tr.209, 318, 320
[4] Nguyễn Khắc Nho (2020), Phong cách Hồ Chí Minh, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội.