Trong lịch sử đường Hồ Chí Minh trên biển, trận hải chiến trên biển Hòn Hèo của Tàu C235 là một trong những trang sử chói lọi. Thuyền trưởng Nguyễn Phan Vinh và 13 đồng đội đã anh dũng hy sinh trên vùng biển Hòn Hèo, nhưng bản hùng ca về tinh thần yêu nước, tinh thần chiến đấu bảo vệ Tổ quốc của các chiến sĩ tàu không số vẫn còn vang vọng mãi.
Ngày 23/10/1961, theo Chỉ thị của Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương, Bộ Tổng Tư lệnh Quân đội nhân dân Việt Nam đã quyết định thành lập Đoàn 759, tiền thân của Lữ đoàn 125 Hải quân (với tên gọi “Đoàn tàu không số”) để vận chuyển vũ khí, trang bị cho chiến trường miền Nam bằng đường biển. Để tiếp tế cho quân và dân ta trong cuộc tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968, Đoàn 125 đã chọn 4 tàu, trong đó có Tàu C235 do Trung úy Nguyễn Phan Vinh làm Thuyền trưởng.
11 giờ 30 phút ngày 27/2/1968, Tàu C235 cùng với 20 cán bộ, chiến sĩ do thuyền trưởng Nguyễn Phan Vinh điều khiển được lệnh xuất phát chở hơn 14 tấn vũ khí vào bến Hòn Hèo nhằm tiếp tế đạn dược cho chiến trường Khu V. Tàu đi hai ngày đêm trên vùng biển quốc tế. Tối 29/2/1968, tàu đến ngang vùng biển Nha Trang và chuyển hướng vào bờ. Phát hiện ra tàu ta, địch lập tức huy động 3 tàu chiến: Ngọc Hồi, HQ12, HQ 617 và 4 tàu khác của Duyên đoàn 25 đến vùng biển Nha Trang với ý định bắt sống. Biết đã bị lộ, Thuyền trưởng Nguyễn Phan Vinh khôn khéo điểu khiển Tàu C235 luồn lách qua đội hình tàu địch và đến được bến Ninh Phước lúc 0 giờ 30 phút ngày 01/3/1968. Anh quyết định thực hiện phương án cho thả hàng xuống nước để quân, dân ở bến mò vớt sau.
Trung úy Nguyễn Phan Vinh, thuyền trưởng Tàu C235
Khoảng 1 giờ 30 phút, 3 tàu loại lớn và 4 tàu loại nhỏ của địch khép chặt vòng vây. Thuyền trưởng Nguyễn Phan Vinh cho tàu chạy ven bờ xuôi xuống bến Ninh Vân để không lộ vị trí thả vũ khí. Tàu địch lập tức đuổi theo, bắn phá dữ dội và gọi máy bay đến thả pháo sáng và bắn rốc-két. Trong lửa đạn, Nguyễn Phan Vinh bình tĩnh chỉ huy anh em chiến đấu, điều khiển tàu chạy sát bờ. Hỏa lực của địch làm 5 cán bộ, chiến sĩ trên tàu hy sinh, 2 người bị thương nặng, 7 người bị thương nhẹ. Thuyền trưởng Nguyễn Phan Vinh cũng bị mảnh đạn xượt qua đầu. Anh tự băng bó và vẫn đứng trong buồng lái động viên anh em chiến đấu. Anh có ý định phá vòng vây nhưng không may, lúc đó máy tàu hỏng nặng. Anh chỉ huy cho tàu di chuyển vào sát bờ. Sau khi tổ chức đưa người đã hy sinh và bị thương vào bờ, anh ra lệnh cho nổ tàu. Sức công phá của khối thuốc nổ khiến Tàu C235 đứt đôi, một nửa chìm xuống biển, một nửa văng lên lưng chừng núi Bà Nam, xã Ninh Vân. Sau những phút giây bàng hoàng, địch gọi máy bay đến bắn phá ven biển, nhằm dọn đường cho bộ binh bao vây, hòng bắt sống các thủy thủ Tàu C235. Số thủy thủ rút lên bờ còn lại 9 người. Nhằm tạo điều kiện cho anh em thoát lên núi, Thuyền trưởng Nguyễn Phan Vinh và thợ máy Thứ kiên cường chống trả, đánh lui nhiều đợt tấn công của địch và đã hy sinh. Số thủy thủ của Tàu C235 còn lại 7 người cố gắng dìu nhau di chuyển khắp vùng núi đá Hòn Hèo. Sau 12 ngày phơi dưới nắng, không lương thực, không nước uống, các thủy thủ người kiệt sức, người đi tìm nước uống bị địch bắt, toàn đội còn lại 5 đồng chí đã vượt núi băng đại ngàn Trường Sơn và 6 tháng sau trở về miền Bắc an toàn.
Thuyền trưởng Nguyễn Phan Vinh cùng 13 đồng đội thân yêu đã anh dũng hy sinh trên vùng biển Hòn Hèo. Khi ấy Thuyền trưởng Nguyễn Phan Vinh mới ở tuổi 35. Sự hy sinh của anh đã trở thành bất tử trong lòng những người lính biển và quân dân cả nước. Ngày 25/8/1970, đồng chí Nguyễn Phan Vinh, được Nhà nước truy tặng danh hiệu cao quý Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân. Miếu thờ và bia tưởng niệm các Anh hùng, liệt sĩ Tàu C235 đã được người dân, chính quyền địa phương và Quân chủng Hải quân xây dựng tại sườn núi Bà Nam thuộc dãy núi Hòn Hèo, nơi có mảnh xác Tàu C235 văng lên khi tàu “cảm tử”. Ngày 26/4/2014, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ra quyết định xếp hạng di tích quốc gia đối với Di tích lịch sử địa điểm lưu niệm Tàu 235 - đường Hồ Chí Minh trên biển tại xã Ninh Vân - thị xã Ninh Hòa.
Tấm gương hy sinh anh dũng của Trung úy - Thuyền trưởng Nguyễn Phan Vinh và 13 cán bộ, thủy thủ Tàu C235 đã để lại cho chúng ta bài học quý giá về lý tưởng cách mạng, tinh thần quyết đoán, quả cảm, đức hy sinh quên mình vì sự nghiệp giải phóng dân tộc và bảo vệ Tổ quốc. Tưởng nhớ và biết ơn sự hy sinh anh dũng của Tàu C235 và 14 cán bộ, chiến sĩ Hải quân nhân dân Việt Nam, thế hệ trẻ chúng ta hôm nay nguyện ra sức thi đua học tập, lao động sáng tạo, góp phần tích cực vào sự nghiệp xây dựng, bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa./.
Ngô Văn An – Phòng CTCT&SV