Cá biển
Cá chẽm (Lates calcarifer): Hiện nay, cá chẽm giống được sản xuất ở nhiều địa phương trên cả nước, số lượng con giống đủ đáp ứng cho nhu cầu nuôi, Trường Đại học Nha Trang hàng năm sản xuất và cung ứng khoảng 3 - 5 triệu con cá chẽm giống cho người nuôi. Nghiên cứu nuôi thương phẩm bằng thức ăn công nghiệp với quy trình nuôi trong ao đạt năng suất 20 tấn/ha/vụ, với chu kỳ nuôi 9 - 10 tháng, cỡ cá thu hoạch 0,8 - 1,0 kg từ cá giống cỡ 5 - 6 cm, hệ số FCR từ 1,4 - 1,5; nuôi lồng đạt năng suất: 10 - 17 kg/m3, chu kỳ nuôi 8 - 9 tháng, cá thu hoạch cỡ 0,9 - 1,2 kg từ cỡ giống 8 - 10 cm, hệ số FCR 1,6 - 1,7. Hiện nay quy trình này đang được áp dụng rộng rãi.
Cá chẽm.
Cá chim vây vàng (Trachinotus spp): Cá sinh trưởng nhanh, dễ nuôi công nghiệp trong lồng, ao nước lợ, mặn. Đối tượng này được bắt đầu nghiên cứu sản xuất giống từ năm 2009, từ năm 2009 - 2015 nghiên cứu hoàn thiện kỹ thuật sản xuất giống, nuôi thương phẩm. Đã chuyển giao cho một số tỉnh như Ninh Bình, Nghệ An, Khánh Hòa và Ninh Thuận, quy trình nuôi thương phẩm cũng được áp dụng rộng rãi thông qua các chương trình khuyến ngư. Các loài cá chim đã sản xuất là cá chim vây ngắn (Trachinotus falcatus), cá chim vây dài (T. blochii). Số lượng giống sản xuất hàng năm tại các tỉnh Nam Trung bộ khoảng 8 - 10 triệu con giống, riêng Trường Đại học Nha Trang sản xuất khoảng 3 - 5 triệu con giống của 2 loài này mỗi năm.
Cá hồng Mỹ/đù đỏ (Sciaenops ocellatus): Đối tượng này được đưa vào nghiên cứu sản xuất giống, nuôi thương phẩm năm 2014 -2016 và hiện đã chuyển giao công nghệ tại Khánh Hòa. Loài cá này lớn nhanh, dễ nuôi, nuôi được cả trong lồng, ao nước lợ, mặn từ khu vực ven biển Thừa Thiên Huế đến Kiên Giang, tập trung nhiều ở tỉnh Khánh Hòa và Bà Rịa - Vũng Tàu. Hiện nay kỹ thuật sản xuất giống khá ổn định tại Khánh Hòa, hàng năm trong tỉnh sản xuất được khoảng 5 - 6 triệu con giống.
Cá bớp/cá giò (Rachycentron canadum): Kỹ thuật sản xuất tương đối ổn định. Cá bớp giống được sản xuất hàng năm tại Khánh Hòa đủ đáp ứng cho nhu cầu nuôi tại các tỉnh Nam Trung bộ và Nam bộ, trong đó các cơ sở của Trường Đại học Nha Trang sản xuất hàng năm từ 200.000 - 300.000 con giống cỡ 10 - 12 cm.
Cá mú/cá song (Epinephelus spp): Trung tâm NC giống và dịch bệnh TS và các cơ sở khác thuộc Trường đã sản xuất giống nhằm mục đích thương mại từ 2012 đến nay. Các loài sản xuất như cá mú đen (Epinephelus coioides, E. tauvina), cá mú trân châu (cá lai giữa cá mú cọp và mú nghệ).
Cá chẽm mõm nhọn (Psammoperca waigiensis): Đây là loài có giá trị kinh tế cao nhưng sinh trưởng chậm. Hiện nay, kỹ thuật sản xuất giống và nuôi thương phẩm loài cá này đã ổn định. Mặc dù giá bán cá thương phẩm cao, tuy nhiên do cá chậm lớn (200 - 300 g/năm nuôi) nên ít được người nuôi quan tâm.
Cá dìa công (Siganus guttatus): Đây là loài cá ăn thực vật, có giá trị kinh tế cao, rất phụ hợp cho các mô hình nuôi ghép. Tuy nhiên, kỹ thuật sản xuất giống khó, tỷ lệ sống của cá con thấp.
Cá sủ đất (Nibea diacanthus): Đây là loài cá có tiềm năng ở khu vực Nam Trung bộ do lớn nhanh, giá trị kinh tế cao có thể nuôi trong lồng trên biển và ao nước lợ, mặn. Đối tượng này được nghiên cứu xây dựng quy trình sản xuất giống và nuôi thương phẩm tại Khánh Hòa từ đầu năm 2017 và đến cuối năm sản xuất được trên 50.000 con giống và thử nghiệm nuôi thương phẩm cho thấy cá phát triển khá tốt.
Cá ngừ
Cá ngừ đại dương là một trong các đối tượng khai thác chính của nghề cá xa bờ. Nghề câu cá ngừ đại dương là thế mạnh của ngư dân duyên hải Nam Trung Bộ như Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa....Bình quân mỗi năm ngư dân Bình Định khai thác được 10.000 tấn cá ngừ đại dương, chiếm hơn 50% tổng sản lợng khai thác cả nước. Cá ngừ đại dương là loại hải sản đặc biệt thơm ngon, mắt rất bổ, được chế biến thành nhiều loại món ăn ngon và tạo nguồn hàng xuất khẩu có giá trị. Ngoài ra cá ngừ còn dùng làm cá hộp để xuất khẩu. Phế phụ phẩm của cá ngừ còn để chế biến thành bột cá ngừ để dùng trong thức ăn chăn nuôi.
Cá ngừ đại dương.
Tôm hùm
Nghề nuôi tôm hùm hiện nay phát triển mạnh ở 5 tỉnh bao gồm: Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận. Trong đó, Khánh Hòa là tỉnh có nghề nuôi tôm hùm phát triển sớm nhất, tiếp theo là tỉnh Phú Yên và sau đó phát triển ra các tỉnh Bình Định, Ninh Thuận và Bình Thuận. Các loài tôm hùm được nuôi phổ biến là: tôm hùm bông, tôm hùm xanh, tôm hùm đỏ và tôm hùm tre. Theo số liệu thống kê tổng hợp 5 tỉnh, tôm hùm bông là loài nuôi chủ yếu (chiếm 74,2%), tiếp theo là tôm hùm xanh (chiếm 22,7%), còn lại tôm hùm tre và tôm hùm đỏ nuôi không đáng kể (tương ứng 1,9% và 1,2%). Năng suất đạt trung bình 60 kg/lồng. Thông qua các chương trình nghiên cứu cấp Bộ, cấp Nhà nước, đến nay đã nghiên cứu thiết lập được công thức thức ăn công nghiệp cho tôm hùm bông và tôm hùm xanh. Đã thiết lập được các quy trình ương tôm hùm giống từ tôm trắng lên tôm bọ cạp, từ tôm bọ cạp lên tôm giống cỡ 20 -30 g và nuôi tôm thương phẩm.
TS. Ngô Văn Mạnh
Viện NTTS - Trường ĐH Nha Trang