Trở lại biên giới
Những ngày đầu Đông, giữa tháng 12/2019, lãnh đạo Nhà trường và Hội CCB đã tạo điều kiện cho đoàn CCB Trường ĐHNT được dịp trở lại biên giới phía Bắc. Ký ức những ngày chiến đấu gian khổ và hào hùng trở về trong tâm trí những người lính già, như tiếp thêm sức mạnh cho bước chân của họ khi lại được đặt chân lên những vách đá năm xưa.
Núi biên giới vẫn hùng vĩ, đường đèo vẫn quanh co uốn lượn, nhưng màu xanh đã phủ đầy không gian thanh bình làm nổi bật sắc màu sặc sỡ của các cô gái Thái, Mường, Lô Lô... trên mọi nẻo đường biên cương xa xôi.
Nghĩa trang quốc gia Vị Xuyên trầm mặc. Các hàng bia mộ thẳng tắp như hàng quân được tô điểm thêm sắc hoa và màu đỏ quân kỳ như làm ấm lòng những người con yêu quý của Tổ quốc đã ngã xuống mảnh đất này. Họ còn rất trẻ lúc hy sinh và sẽ mãi mãi rất trẻ trong lòng đồng đội. Chúng tôi trở lại đây thắp nén hương thơm nhớ về những đồng chí thân yêu của mình đã vĩnh viễn nằm lại nơi biên cương xa xôi.
Thắp nén hương thơm nhớ về những đồng chí thân yêu
Cột cờ Lũng Cú vẫn hiên ngang ngạo nghễ nơi vùng núi cao biên ải. Có một sức hút kỳ lạ trong mỗi trái tim người Việt. Họ nhập cùng một hướng về đây để cảm nhận hồn thiêng của non sông, quên đi mệt nhọc gần 300 bậc đá cheo leo, quên đi cái lạnh 2 độ âm. Lá cờ rực đỏ như ngọn lửa tiếp thêm sức mạnh cho mỗi người con đất Việt khi đến nơi này.
Bên cột cờ Lũng Cú
Biên cương Hà Giang cheo leo hùng vĩ như mọi nẻo biên cương phía Bắc rực lửa năm nào. Mồ hôi xương máu của các thế hệ chiến sĩ đã đổ xuống khi mở cung đường Hạnh Phúc đến khi chặn bước chân quân xâm lược. Để hôm nay có con đường rộng xe lăn bánh; cho các cháu thanh niên vui vẻ tạo dáng chụp ảnh bên vực Mã Pì Lèng soi bóng lên dòng Nho Quế thăm thẳm xanh.
Những cựu chiến binh được về bên Bác khi tới Cốc Bó thăm nơi Người đã từng ở những ngày đầu về nước. Suối nguồn Lê Nin vẫn bình thản chảy bên núi Các Mác uy nghiêm. Họ lần theo từng bậc đá cheo leo, sờ tay vào tấm ván nơi Người đã ngả lưng. Bếp tàn tro, nhưng vẫn như còn hơi lửa ấm nơi hang lạnh. Ai chưa đến đây, xin một lần ghé qua để có cảm giác được gần Người nhất.
Khu di tích lịch sử Pác Bó
Khu rừng Trần Hưng Đạo, cái nôi của quân đội ta đã được bảo tồn, gìn giữ. Đầu con đường dẫn tới khu rừng thiêng được dựng một tấm bia lớn, 9 cựu chiến binh, dù ở 9 đơn vị khác nhau, nhưng khi ngồi dưới chân bia, họ như cùng tiểu đội. Mà quả thực họ đã là một tiểu đội trong cả chặng đường hành quân 4500 cây số dọc miền đất nước.
Đường vào Khu di tích Quốc gia đặc biệt rừng Trần Hưng Đạo
Tổ quốc hiện qua khung cửa xe như những nốt nhạc trong bài hùng ca của dân tộc. Hình ảnh Mẹ Thứ ấm áp, Vĩ tuyến 17 với dòng Bến Hải như vết sẹo chia cắt bi tráng; Vũng Chùa, Đảo Yến trầm mặc trang nghiêm, nơi Đại tướng yên nghỉ... Tất cả như thổi hồn vào những khúc quân hành khi họ cùng nhau cất lên để nhớ một thời tuổi trẻ.
Viếng mộ Đại tướng Võ Nguyên Giáp
Thăm Mẹ Thứ
Thực sự họ đã trẻ lại sau chuyến đi đầy ý nghĩa trên chiếc xe 79C-0598 quen thuộc. Biên cương Tổ quốc là điểm trở về của những người già, cũng là điểm đến của thế hệ trẻ. Tưởng chừng khác nhau, nhưng trong họ đều chung một cảm giác thêm yêu đất nước Việt Nam!
12/12/2019
CCB Vũ Xuân Quỳ (Nguyên Giám đốc Thư viện Trường ĐHNT)