Theo chương trình tập huấn của dự án DIVE, các đại biểu tham gia đã được học tập và nghiên cứu về các nội dung: Tổng quan giáo dục số là một phần của các cơ sở giáo dục đại học; chiến lược và lộ trình của các cơ sở về phát triển giáo dục số; thiết kế chương trình và nội dung giáo dục số; công nghệ trong giáo dục số; phát triển và bổ trợ kỹ năng số cho giáo viên; hỗ trợ sinh viên trong công tác giáo dục số.
Khóa đào tạo đã cung cấp nhiều thông tin hữu ích, đặc biệt trong xây dựng và thiết kế bài giảng số, tổ chức đào tạo trong môi trường số, xây dựng bài giảng, học liệu số, quản trị số. Đây là cơ sở quan trọng để phát triển giáo dục kỹ thuật số chất lượng cao tại các trường đại học ở Việt Nam nói chung và tại Trường Đại học Nha Trang nói riêng. Sau khi kết thúc khóa học, các học viên đã được cấp chứng nhận tham gia.
Cùng với hoạt động tập huấn, đại diện các trường Việt Nam tham gia dự án đã có buổi họp với đơn vị điều phối dự án (CVFG) về những khó khăn, vướng mắc liên quan đến thủ tục triển khai dự án. Đơn vị điều phối CFVG đã ghi nhận những ý kiến góp ý, trao đổi, đặc biệt là các kiến liên quan đến nội dung của hợp đồng đối tác và việc chuyển khoản kinh phí dự án cho các trường thành viên. Đại diện đơn vị điều phối cam kết sẽ phối hợp giải quyết những khó khăn vướng mắc cho các trường trong thời gian sớm nhất.
DIVE là dự án được tài trợ bởi Liên minh Châu Âu thông qua chương trình Erasmus+ nhằm hỗ trợ các trường đại học Việt Nam phát triển giáo dục kỹ thuật số chất lượng cao, như một phần của quá trình hiện đại hóa giáo dục đại học, thực hiện trong 3 năm (2024-2027).
Dự án có sự tham gia của 11 Trường đại học của Việt Nam bao gồm: Trung tâm Pháp Việt Đào tạo về Quản lý (CFVG), Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật – Đại học Đà Nẵng; Trường Đại học Kinh tế quốc dân; Trường Đại học Cần Thơ; Trường Đại học Công nghiệp Vinh; Trường Đại học Nha Trang; Trường Đại học Thái Nguyên; Trường Đại học Kinh tế – Luật Thành phố Hồ Chí Minh; Trường Đại học Mở Thành phố Hồ Chí Minh; Trường Đại học Nông Lâm – Đại học Huế và Trường Đại học Tây Nguyên và 3 đại học Châu Âu: Đại học ULB – Bỉ, Đại học Alicante và UNED – Tây Ban Nha: Một số kết quả chính của dự án là:
Kết quả 1: Xây dựng Danh mục tài liệu cung cấp hướng dẫn cho các vấn đề liên quan đến quản lý dự án.
Kết quả 2: Xây dựng Báo cáo về giáo dục số trong các trường đại học Việt Nam: thực trạng và các quan điểm (bằng tiếng Anh và tiếng Việt).
Kết quả 3: Tổ chức các khóa đào tạo về: Giáo dục số như một phần của cơ sở giáo dục đại học; Giáo dục số và hòa nhập; Giáo dục số và chất lượng; Nghiên cứu thực tế (study visit) tại Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha.
Kết quả 4: Thiết lập chu trình đào tạo chuẩn về các nội dung: Giáo dục số trong thực tiễn. Gói tài liệu đào tạo, bao gồm các file trình chiếu, các nghiên cứu điển hình, các liên kết bằng tiếng Anh và Việt Nam và các gói video có phụ đề tiếng Anh.
Kết quả 5: Diễn đàn trực tuyến của các chuyên gia giáo dục số được thiết kế riêng nhằm thúc đẩy các cuộc thảo luận về một số khía cạnh liên quan đến giáo dục số ở cơ sở giáo dục đại học bằng tiếng Anh và tiếng Việt.
Kết quả 6: Thiết lập không gian giáo dục số tại 11 đối tác Việt nam.
Kết quả 7: Xây dựng Danh mục tài liệu nội bộ mô tả các quy tắc và kết quả của dự án đối với quản trị chất lượng (kế hoạch quản lý chất lượng, báo cáo đảm bảo chất lượng và kết quả đánh giá nội bộ).
Kết quả 8: Bộ tài liệu và hành động cấu thành chiến lược khai thác của dự án bằng cả tiếng Anh và tiếng Việt.
Phòng Hợp tác Quốc tế
Một số hình ảnh