Comenxki – một nhà giáo dục vĩ đại người Séc đã nói rằng: “Nghề giáo là nghề cao quý nhất trong các nghề cao quý, dưới ánh mặt trời không có nghề nào cao quý hơn nghề dạy học”, để tôn vinh nghề giảng dạy, đồng thời gián tiếp nêu bật lên sự đáng quý, đáng trân trọng của những người làm nghề giáo, những người cả đời lái những chuyến đò đưa học sinh đến bến bờ tri thức. Ở Việt Nam ta truyền thống tôn sư trọng đạo đã có từ ngàn đời nay và nó đã trở thành một chuẩn mực đạo đức, một lối ứng xử tốt đẹp mà mỗi một con người đều phải ghi nhớ không quên. Mỗi thế hệ con em đều được ông cha ta nhắc nhở rằng: “Một ngày làm thầy cả đời làm cha”, thầy cô chính là người cha người mẹ thứ hai, chúng ta phải yêu thương, kính trọng bằng hết tấm lòng, góp phần giữ gìn và phát huy truyền thống tốt đẹp của dân tộc Việt Nam.
Truyền thống tôn sư trọng đạo là truyền thống vô cùng tốt đẹp của dân tộc Việt Nam, trở thành nét văn hóa đặc sắc trong phong tục tập quán. Từ thuở xa xưa, đặc biệt là nước ảnh hưởng sâu sắc và mạnh mẽ của nền Nho học đã có quan niệm về ba vị trí có vai trò quan trọng trong xã hội là “Quân – Sư – Phụ”, tức đứng đầu là Vua, sau đó là vị trí của người thầy và cuối cùng chính là người cha. Như vậy, vai trò của người thầy chỉ đứng sau vua, và vì vậy họ luôn nhận đủ mọi sự tôn trọng, kính mến từ những người khác trong xã hội.
Sở dĩ Người thầy được coi trọng bởi họ đóng vai trò vô cùng quan trọng trong việc xây dựng đất nước, là người trực tiếp bồi dưỡng, đào tạo nhân tài cho quốc gia.
Cách đây hơn 200 năm, ở thế kỉ XVIII, nhà giáo Võ Trường Toản, người thầy đầu tiên của đất Nam Bộ, nổi tiếng là người “học rộng, có tài thao lược và đức hạnh hơn người” đã nói đến vai trò của người làm nghề giáo, đó là: “Lương sư, hưng quốc”. Ý nói những người thầy có đạo đức, yêu thương học trò, có tài trí trong nghề nghiệp lại còn biết khơi gợi nơi người học những cảm hứng tích cực, lương thiện... chính những vị “Lương sư” mang đủ những phẩm chất ấy mới có thể “trồng người” và tạo ra những thế hệ “hiền tài” và “Hiền tài là nguyên khí quốc gia, nguyên khí thịnh thì thế nước mạnh, đi lên; nguyên khí suy thì thế nước yếu, đi xuống”. Do đó, để đánh giá một đất nước có thực sự hùng cường hay không, nhìn vào đội ngũ nhà giáo của nước ấy thì sẽ rõ, bởi vì họ là những người có ảnh hưởng rất quan trọng đến thế hệ trẻ, những người chủ tương lai của đất nước.
Trong xã hội ngày nay, với sự phát triển mạnh mẽ của kinh tế, sự du nhập ngày càng sâu rộng về văn hóa, mang lại cho chúng ta nhiều cơ hội nhưng cũng không ít những khó khăn và thử thách về tư tưởng và văn hóa, cũng vì lẽ đó mà Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng đã từng nói: “Thầy cô giáo là chiến sĩ trên mặt trận tư tưởng văn hóa”- là người có trách nhiệm truyền bá cho thế hệ trẻ lý tưởng, đạo đức chân chính, hệ thống giá trị và tinh hoa văn hóa dân tộc - nhân loại, bồi dưỡng những phẩm chất cao quí và năng lực sáng tạo phù hợp với sự phát triển và tiến bộ của xã hội. Qua đó, bồi đắp nên tâm hồn Việt Nam qua các thời đại, làm cầu nối giữa quá khứ, hiện tại và tương lai của dân tộc. Đó chính là sứ mệnh thiêng liêng và cao cả mà xã hội đã tin tưởng trao gửi cho người thầy trong việc “trồng người”.
Có thể nói Người làm thầy trong bất cứ xã hội nào cũng luôn được xã hội tôn trọng “Nhất tự vi sư, bán tự vi sư”. Bởi vậy, “tôn sư trọng đạo” không còn là một vấn đề quan niệm sống hay quan niệm về cách cư xử mà đã trở thành một phạm trù đạo đức trong xã hội. Thời xưa Platôn, Aritxtôt, Khổng Tử, Lão Tử… từ người thầy đã trở thành những bậc thánh trong lòng học trò. Ngày nay, tuy vị trí của người thầy có nhiều thay đổi song người thầy vẫn là người được xã hội tôn trọng và “nghề dạy học vẫn là nghề cao quý nhất trong những nghề cao quý”. Dù ở phương Đông hay phương Tây, dù mối quan hệ thầy trò có bình đẳng đến đâu, gần gũi đến đâu đi chăng nữa thì ranh giới thầy trò, vị trí đáng kính của người thầy vẫn không hề bị mai một.
Vì vậy, hơn lúc nào hết, để góp phần vào sự nghiệp xây dựng và phát triển của đất nước theo hướng đổi mới, hội nhập quốc tế, chúng ta luôn nỗ lực để xây dựng một đội ngũ những người làm công tác giáo dục có đủ năng lực, phẩm chất, ra sức rèn luyện, phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ giáo dục dù còn bao khó khăn vất vả nhưng cũng hết sức vẻ vang như lời Bác Hồ đã căn dặn: Có gì vẻ vang hơn là nghề đào tạo những thế hệ sau này tích cực góp phần xây dựng chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản. Người thầy giáo tốt, người thầy giáo xứng đáng là người thầy vẻ vang nhất, dù tên tuổi không đăng trên báo, không được thưởng huân chương. Song những người thầy giáo tốt là những người anh hùng vô danh.
Cũng chính vì lẽ đó mà cứ mỗi độ tháng 11 ùa về, đến cái ngày mà cả một năm mới có một lần, nhắc đến ngày Nhà giáo Việt Nam 20.11 thì bao thế hệ học trò lại rộn ràng nhớ về những kỷ niệm, nhớ về những người thầy, người cô của mình đã và đang lặng lẽ ươm lên những mầm xanh của đất nước.
“Em về cảnh cũ còn đây
Vẫn nghe văng vẳng lời thầy hôm nao
Ánh dương buông nắng lao xao
Nghe như còn đó rì rào thân quen
Nhớ xưa bên chiếc bảng đen
Thân thương dạy bảo đàn em bao điều
Tóc mây giờ trắng thêm nhiều
Ân cần từng tiếng thơ Kiều vang vang
Nắng soi xuyên suốt gió ngàn
Bên em thầy đã ươm vàng ước mơ”
Vũ Thị Bích Hạnh – Khoa KH Xã hội và Nhân văn (sưu tầm và biên soạn)