Khánh Hòa là một tỉnh ở vùng duyên hải Nam Trung Bộ, có vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm an ninh quốc phòng của cả nước, có nhiều tiềm năng, lợi thế để bứt phá phát triển và thúc đẩy sự phát triển vùng Nam Trung Bộ và Tây Nguyên. Khánh Hòa còn được biết đến là một mảnh đất giàu truyền thống yêu nước và cách mạng. Trong suốt chiều dài lịch sử 370 năm xây dựng và phát triển, Nhân dân Khánh Hòa luôn nêu cao tinh thần đoàn kết, ý chí tự lực tự cường, cần cù, chịu thương, chịu khó trong lao động, kiên cường, dũng cảm, bất khuất trong đấu tranh chống giặc ngoại xâm, lập nên nhiều chiến công oanh liệt, góp phần tô thắm thêm trang sử hào hùng của dân tộc
Ngay từ cuối thế kỉ XVIII, các tầng lớp nhân dân Khánh Hòa đã tích cực hưởng ứng phong trào Tây Sơn, dấy binh khởi nghĩa chống lại sự cường quyền của Chúa Nguyễn ở Đàng Trong và hưởng ứng người anh hùng Quang Trung Nguyễn Huệ trong cuộc kháng chiến chống quân Thanh (1789) để bảo vệ độc lập dân tộc.
Khi thực dân Pháp xâm lược nước ta, hưởng ứng chiếu Cần Vương, Nhân dân Khánh Hòa đã nhất tề tham gia phong trào Cần Vương dưới sự lãnh đạo của Bình Tây Đại tướng quân Trịnh Phong, làm nên những chiến công oanh liệt.
Từ cuối những năm 20 của thế kỷ XX, chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng cách mạng của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc được truyền bá vào Khánh Hòa và được những người yêu nước nhiệt thành tiếp thu. Ngày 24/02/1930, Đảng bộ tỉnh Khánh Hòa được thành lập ngay sau khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời. Đảng bộ đã lãnh đạo Nhân dân vùng lên làm cách mạng với cuộc biểu tình ngày 16/7/1930 tại huyện Tân Định (thị xã Ninh Hòa ngày nay), góp phần châm ngòi nổ cho phong trào Xô viết - Nghệ Tĩnh và cao trào cách mạng cả nước trong những năm 1930 - 1931.
Trong suốt 15 năm tiếp theo, dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ tỉnh, Nhân dân Khánh Hòa đã kiên cường đấu tranh chống thực dân Pháp, phát xít Nhật và bọn tay sai, góp phần làm nên thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám năm 1945.
Sau khi Cách mạng Tháng Tám thành công, thực dân Pháp đưa quân trở lại xâm lược nước ta. Nhân dân Khánh Hòa đã cùng các đơn vị bộ đội Nam tiến bao vây, tiêu hao và kìm chân giặc Pháp 101 ngày đêm tại Nha Trang (23/10/1945 - 01/02/1946), bước đầu làm thất bại âm mưu đánh nhanh, thắng nhanh của địch, góp phần tạo điều kiện cho cả nước có thời gian chuẩn bị kháng chiến.
Trong suốt 9 năm kháng chiến chống Pháp, Nhân dân Khánh Hòa dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ tỉnh đã đẩy mạnh chiến tranh du kích, lập nhiều chiến công xuất sắc, giải phóng phần lớn vùng đồng bằng nông thôn, ngăn không cho địch tấn công vùng tự do Liên khu V. Khi đế quốc Mỹ hất cẳng thực dân Pháp, biến miền Nam thành thuộc địa kiểu mới, Đảng bộ và quân, dân trong tỉnh đã đồng tâm, hiệp lực, đoàn kết bên nhau, nêu cao tinh thần tự lực, tự cường, chịu đựng gian khổ, giữ vững tư tưởng tiến công cách mạng, hoàn thành lời thề của Đảng bộ với Bác Hồ “làm tròn nhiệm vụ đánh cho quân Mỹ phải rút hết sạch, đánh cho ngụy quân, ngụy quyền phải sụp đổ hết, giải phóng miền Nam, bảo vệ miền Bắc, thống nhất Tổ quốc”. Ngày 02/4/1975, Khánh Hòa được giải phóng. Đây là mốc son sáng ngời trong lịch sử cách mạng của tỉnh, góp phần cùng cả nước làm nên chiến thắng lịch sử mùa Xuân năm 1975, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước, tô đậm thêm trang sử vàng của dân tộc Việt Nam trong thời đại Hồ Chí Minh.
Sau khi đất nước thống nhất, phát huy truyền thống yêu nước, cách mạng, Đảng bộ và Nhân dân Khánh Hòa đã nỗ lực phấn đấu, vượt qua mọi khó khăn, thử thách, từng bước khắc phục hậu quả chiến tranh, tiến tới ổn định, phát triển kinh tế - xã hội, thực hiện công cuộc đổi mới, khai thác hiệu quả các tiềm năng, thế mạnh và đạt được những thành tựu to lớn.
Trong 10 năm trở lại đây, Khánh Hòa giữ vững nhịp độ tăng trưởng khá cao, cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực. Giai đoạn 2012 - 2019 đạt mức bình quân hơn 7,32%/năm. Năm 2019, quy mô nền kinh tế tăng 1,76 lần so với năm 2011; tổng sản phẩm bình quân đầu người đạt mức 70,07 triệu đồng, tăng 2,3 lần so với năm 2011; thu ngân sách tăng nhanh, bảo đảm tự cân đối ngân sách địa phương và có điều tiết về Trung ương. Năm 2022, trong bối cảnh gặp nhiều khó khăn, ảnh hưởng đại dịch COVID-19, nhưng kinh tế của tỉnh đã phục hồi và tăng tốc, tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh (GRDP) tăng 20,7% so với năm 2021 (mức tăng trưởng cao nhất cả nước). GRDP bình quân đầu người đạt 76,5 triệu đồng/người. Kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, nhất là hạ tầng giao thông được đầu tư, nâng cấp. Hệ thống đô thị ven biển được hình thành và tương đối hiện đại. Khu Kinh tế Vân Phong từng bước có những tác động tích cực đến phát triển kinh tế của tỉnh và vùng. Du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Khánh Hòa là trung tâm du lịch biển quốc gia, có thương hiệu quốc tế, từng bước trở thành một cực tăng trưởng trong khu vực.
Phát triển văn hóa, giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ, công tác dân tộc, tôn giáo, an sinh xã hội, chăm sóc, bảo vệ sức khỏe người dân đạt được nhiều tiến bộ. Tỷ lệ hộ nghèo đạt mức thấp; đời sống vật chất, tinh thần của Nhân dân ngày càng được nâng cao. Bảo vệ môi trường, ứng phó với thiên tai và thích ứng với biến đổi khí hậu đạt được nhiều kết quả tích cực. Phát triển kinh tế - xã hội được kết hợp chặt chẽ với tăng cường củng cố quốc phòng, an ninh; chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc được bảo vệ vững chắc. Công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị được quan tâm; hoạt động của bộ máy hành chính được đổi mới theo hướng tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Hoạt động của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội có nhiều chuyển biến tích cực.
Những thành tựu mà Khánh Hòa đạt được là niềm tự hào, khích lệ cho mỗi người dân Khánh Hòa hôm nay, phát huy ý chí, tự lực, tự cường, khát vọng vươn lên xây dựng, phát triển tỉnh nhà ngày càng phồn vinh, hạnh phúc, góp phần vào thắng lợi chung trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
Ngô Văn An – Phòng CTCT&SV