Chủ tịch Hồ Chí Minh là lãnh tụ vĩ đại của cách mạng Việt Nam, là nhà chính trị kiệt xuất, đồng thời là một nhà quân sự lỗi lạc. Người đã để lại cho nhân dân ta, dân tộc ta một kho tàng di sản tư tưởng vô giá, trong đó tư tưởng về xây dựng lực lượng vũ trang nhân dân là nội dung cốt lõi trong tư tưởng quân sự của Người. Trong giai đoạn hiện nay, nghiên cứu, học tập tư tưởng Hồ Chí Minh về xây dựng lực lượng vũ trang nhân dân có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, không chỉ giúp chúng ta hiểu sâu sắc và toàn diện tư tưởng về quân sự của Người mà còn là cơ sở để vận dụng trong sự nghiệp xây dựng nền Quốc phòng toàn dân vững mạnh nhằm bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam XHCN.
Tư tưởng của Hồ Chí Minh về xây dựng lực lượng vũ trang (LLVT) nhân dân được thể hiện ở những nội dung cơ bản sau:
Thứ nhất, sự cần thiết phải tổ chức và xây dựng LLVT nhân dân trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc và bảo vệ Tổ quốc
Thấm nhuần sâu sắc, vận dụng và phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin về xây dựng LLVT cách mạng, kế thừa những bài học kinh nghiệm của ông cha ta về xây dựng và tổ chức quân sự trong lịch sử giữ nước của dân tộc, đồng thời đi sâu phân tích bản chất của chủ nghĩa thực dân, Hồ Chí Minh đã sớm chỉ ra đối với các dân tộc thuộc địa muốn chiến thắng kẻ thù hung bạo thì không có sự lựa chọn nào khác là phải “dùng bạo lực cách mạng chống bạo lực phản cách mạng, giành lấy chính quyền và bảo vệ chính quyền”(1). Năm 1925, trong tác phẩm Bản án chế độ thực Pháp, Bác khẳng định: “Dân tộc Việt Nam nhất định phải được giải phóng. Muốn giải phóng thì phải đánh phát xít Nhật và Pháp. Muốn đánh chúng thì phải có lực lượng quân sự”(2). Người nhấn mạnh “đế quốc có chết thì chết nhưng nết nó không chừa” cho nên giành được độc lập vẫn phải cảnh giác, chủ động củng cố xây dựng phát triển lực lượng vũ trang.
Tháng 5 năm 1941, tại khu rừng Khuổi Nậm, Pác Bó (Cao Bằng), Người đã triệu tập, chủ trì Hội nghị Trung ương Đảng lần thứ 8 và quyết định thành lập Mặt trận Việt Nam Độc lập Đồng minh (gọi tắt là Mặt trận Việt Minh). Ngày 22-12-1944, Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân chính thức thành lập. Đây là đơn vị chủ lực đầu tiên của lực lượng vũ trang cách mạng và là tiền thân của Quân đội nhân dân Việt Nam.
Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân - tiền thân của Quân đội nhân dân Việt Nam.
Thứ hai, Xây dựng lực lượng chính trị, các tổ chức và đoàn thể cách mạng - cơ sở để xây dựng LLVT nhân dân
Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn quan tâm, chăm lo xây dựng lực lượng chính trị và các tổ chức và đoàn thể cách mạng để từ đó làm cơ sở nền tảng xây dựng LLVT cách mạng. Vì theo Người: Bạo lực cách mạng ở nước ta phải là bạo lực của quần chúng đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng. Bạo lực cách mạng gồm 2 lực lượng đó là lực lượng chính trị và lực lượng vũ trang, gồm hai hình thức đấu tranh là đấu tranh chính trị và đấu tranh vũ trang. Trong đó, lực lượng chính trị là cơ bản, nền tảng của cách mạng và là cơ sở để xây dựng, phát triển LLVT nhân dân.
Lực lượng chính trị gồm mọi người dân đã được giác ngộ, được tập hợp thông qua các tổ chức, đoàn thể cách mạng dưới sự lãnh đạo của Đảng. Người chỉ rõ: “Muốn có đội quân vũ trang, phải có đội quân tuyên truyền vận động, đội quân chính trị trước đã, nên phải làm ngay, sao cho đội quân chính trị ngày càng đông. Phải có quần chúng giác ngộ chính trị, tự nguyện vác súng thì mới thắng được”(3).
Để xây dựng lực lượng chính trị phải chăm lo xây dựng và vun đắp khối đại đoàn kết toàn dân trong Mặt trân dân tộc thống nhất, lấy liên minh giữa giai cấp công nhân với giai cấp nông dân làm nền tảng dưới sự lãnh đạo của Đảng. Để xây dựng LLVT phải sớm hình thành các đoàn thể cứu quốc, thông qua hoạt động của các tổ chức, đoàn thể đó mà lựa chọn những người ưu tú nhất để thành lập các đội tự vệ, đội du kích; thông qua hoạt động của các đội tự vệ, đội du kích mà “chọn lọc số cán bộ và đội viên kiên quyết nhất, hăng hái nhất... để lập ra đội chủ lực”.
Thứ ba, Xây dựng LLVT nhân dân vững mạnh toàn diện, lấy xây dựng về chính trị làm cơ sở
Xuất phát từ yêu cầu nhiệm vụ cách mạng, từ đặc điểm tổ chức, hoạt động và tính chất nhiệm vụ của LLVT nhân dân Việt Nam, Hồ Chí Minh xác định phải coi trọng xây dựng sức mạnh toàn diện của LLVT nhân dân. Nội dung xây dựng LLVTND vững mạnh toàn diện, lấy xây dựng về chính trị làm cơ sở: Xây dựng LLVT về chính trị là tăng cường bản chất giai cấp công nhân, mang bản chất của giai cấp công nhân, trung thành tuyệt đối với Đảng, với lợi ích của nhân dân và của dân tộc; Xây dựng LLVT về chính trị phải tăng cường sự quản lý của nhà nước, thực sự là công cụ bạo lực sắc bén của nhà nước cách mạng; Xây dựng LLVT về chính trị bao hàm cả vấn đề xây dựng, củng cố mối quan hệ mật thiết giữa quân với dân. Bác căn dặn “Bất kỳ bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương, dân quân du kích đều phải bám lấy dân, rời dân ra nhất định thất bại. Bám lấy dân là làm sao cho được lòng dân, dân tin, dân mến, dân yêu. Như vậy thì, bất kỳ việc gì khó cũng làm được cả và nhất định thắng lợi”(4).
Thứ tư, Xây dựng LLVT ba thứ quân làm nòng cốt cho toàn dân đánh giặc
Kế thừa và phát huy kinh nghiệm của dân tộc về xây dựng các thứ quân: “quân triều đình”, “quân các lộ” và “dân binh” ở các triều đại phong kiến Việt Nam, đồng thời phát triển tư tưởng của Ăng-ghen, Lênin về xây dựng các “đội dân cảnh”, “quân đội thường trực”, Chủ tịch Hồ Chí Minh chủ trương xây dựng lực lượng vũ trang nhân dân gồm ba thứ quân: Vệ quốc quân (bộ đội chủ lực), bộ đội địa phương và dân quân du kích.
Bộ đội chủ lực là bộ phận quan trọng, lực lượng giữ vị trí chiến lược chủ yếu trong đấu tranh vũ trang, chiến tranh cách mạng, là lực lượng đánh địch trên chiến trường cả nước với các nhiệm vụ cơ bản: Tác chiến tiêu diệt những đơn vị cơ động chiến lược của địch, góp phần quyết định làm chuyển biến cục diện chiến tranh, làm thay đổi so sánh lực lượng giữa ta và địch có lợi cho ta để giành thắng lợi; Phối hợp cùng với bộ đội địa phương, dân quân du kích, tự vệ và lực lượng chính trị của quần chúng phát triển thế trận chiến tranh nhân dân, chủ động tiến công địch liên tục, rộng khắp trên chiến trường cả nước.
Bộ đội địa phương là bộ phận của quân đội thường trực, lực lượng nòng cốt trong đấu tranh vũ trang và chiến tranh nhân dân địa phương. Có nhiệm vụ cùng bộ đội chủ lực và dân quân du kích, tự vệ tác chiến tiêu diệt, tiêu hao lực lượng quân địch, bảo vệ Đảng, chính quyền, đoàn thể và nhân dân địa phương.
Dân quân du kích là lực lượng của toàn dân tộc, là một lực lượng vô địch, một bức tường sắt của Tổ quốc. Là lực lượng vũ trang quần chúng rộng khắp, tham gia đánh địch tại chỗ bảo vệ xóm làng, đường phố, góp phần tiêu hao lực lượng địch, giam chân, phân tán, chia cắt chúng, làm cho chúng mệt mỏi, đói khát và suy yếu.
Lực lượng Tự vệ - Trường Đại học Nha Trang tham gia huấn luyện quân sự.
Trong xây dựng LLVT ba thứ quân (gồm bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương, dân quân tự vệ và du kích), Chủ tịch Hồ Chí Minh hết sức coi trọng và khéo giải quyết việc xây dựng từng thứ quân, kết hợp và phát huy vai trò to lớn của ba thứ quân phù hợp với yêu cầu của chiến tranh nhân dân Việt Nam. Mỗi thứ quân trong LLVT nhân dân đều giữ một vai trò nhất định trong chiến tranh. Tư tưởng Hồ Chí Minh về LLVT ba thứ quân đã phát triển và từng bước hoàn chỉnh theo quá trình phát triển của cách mạng Việt Nam: từ xây dựng các đội tự vệ, đội du kích đến xây dựng đội chủ lực; từ Đội Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân đến Việt Nam giải phóng quân, thống nhất lực lượng vũ trang trong cả nước, Vệ quốc đoàn, Quân đội nhân dân, Quân giải phóng miền Nam, Quân đội nhân dân “cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại” ngày nay.
Chủ tịch Hồ Chí Minh là người cha thân yêu của các lực lượng vũ trang, Người sáng lập, giáo dục và rèn luyện quân đội ta. Mỗi bước trưởng thành và chiến thắng của các LLVT nhân dân Việt Nam đều gắn liền với công lao và vai trò to lớn của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Quán triệt những tư tưởng của Người, Đảng và Nhà nước trong những năm qua đã không ngừng chăm lo xây dựng tiềm lực của đất nước trên tất cả các mặt, các lĩnh vực, trước hết là tiềm lực về chính trị, tinh thần; tiềm lực kinh tế, tiếp tục củng cố nền quốc phòng toàn dân gắn với an ninh nhân nhân, mấu chốt là “thế trận lòng dân”; đẩy mạnh công tác giáo dục quốc phòng, phát triển phong trào quần chúng bảo vệ an ninh Tổ quốc; xây dựng Quân đội nhân dân, Công an nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, trong đó có một số quân chủng, binh chủng, lực lượng tiến thẳng lên hiện đại, đủ sức làm nòng cốt cùng toàn dân thực hiện thắng lợi mọi nhiệm vụ trong mọi tình huống./.
Bùi Thanh Tuấn – Trung tâm Giáo dục QP&AN
Tài liệu tham khảo:
(1), (2) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995, tập 5, tr.329, 687
(3) Trích theo Vũ Anh (1960), Hồi ký Bác Hồ, Nxb Văn học, Hà Nội, tr.120
(4) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995, tập 6, tr.525