Năm 1975, miền Nam hoàn toàn giải phóng, đất nước thống nhất, cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội. Trước yêu cầu của thời kỳ mới, để ổn định lâu dài và mở rộng quy mô đào tạo đội ngũ cán bộ khoa học kỹ thuật thủy sản phục vụ yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, đặc biệt là khu vực Nam Trung Bộ và đồng bằng sông Cửu Long, thực hiện công văn số 2915CP ngày 01/10/1976 của Hội đồng Chính phủ, Trường Thủy sản di chuyển trụ sở từ An Thụy, Hải Phòng vào thành phố biển Nha Trang, đánh dấu bước ngoặt quan trọng quá trình xây dựng và phát triển của Nhà trường.
Cuối tháng 12/1976, Đại hội toàn quốc lần thứ IV của Đảng được tổ chức. Ngành Thủy sản được xác định có vị trí hết sức quan trọng trong nền kinh tế quốc dân. Kỳ họp thứ nhất Quốc hội khóa IV đã quyết định thành lập Bộ Hải sản. Kể từ đây, Trường Thủy sản chính thức được mang tên Trường Đại học Hải sản.
Năm 1981, Chính phủ quyết định đổi tên Bộ Hải sản thành Bộ Thủy sản. Tháng 8/1981, Trường Đại học Hải sản được đổi tên thành Trường Đại học Thủy sản.
Chặng đường 10 năm ổn định và phát triển tại thành phố Nha Trang (1976 – 1986), mặc dù còn nhiều khó khăn, thiếu thốn, nhưng với truyền thống đoàn kết, năng động sáng tạo, Nhà trường đã từng bước xây dựng, hoàn thiện cơ sở vật chất phục vụ hoạt động giảng dạy và học tập, thực hiện đổi mới mô hình đào tạo và cung cấp nguồn nhân lực cho đất nước với gần 4.000 kỹ sư thủy sản và hàng nghìn công nhân kỹ thuật lành nghề. Nhiều đề tài nghiên cứu khoa học xuất phát từ yêu cầu thực tế cũng được Nhà trường triển khai, đem lại hiệu quả kinh tế - xã hội cao như: Chế biến tôm đông lạnh nguyên con trên tàu; Sản xuất nước mắm cô đặc; Cho tôm sú đẻ nhân tạo thành công... Với những thành tựu quan trọng đạt được, Nhà trường đã được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba (năm 1981), Huân chương Lao động hạng Nhì năm 1986.
Thực tiễn quá trình xây dựng và phát triển Nhà trường giai đoạn 1976 – 1986 có thể rút ra một số bài học kinh nghiệm quý báu, đó là:
- Thứ nhất, tự lực tự cường, năng động, sáng tạo trong mọi hoạt động, bám sát yêu cầu của cuộc sống sẽ giúp tìm ra các biện pháp hiệu quả để giải quyết khó khăn, trở ngại.
- Thứ hai, gắn kết chặt công tác đào tạo, NCKH của Nhà trường với mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, tranh thủ sự hỗ trợ của địa phương để phát triển.
- Thứ ba, phải có chính sách và kế hoạch đầu tư cho con người. Tăng cường số lượng, chất lượng đội ngũ cán bộ giảng dạy và quản lý các cấp, coi cán bộ là gốc của mọi công việc.
- Thứ tư, nâng cao hiệu quả sự lãnh đạo của Đảng bộ, chi bộ và năng lực tổ chức, điều hành của chính quyền; nâng cao chất lượng hoạt động của các đoàn thể quần chúng, tạo sức mạnh tổng hợp, thực hiện thành công nhiệm vụ chính trị của Nhà trường.
Ngô Văn An - Phòng CTCT&SV