Cách đây vừa tròn 50 năm, ngày 27/1/1973, tại Paris, “Hiệp định về chấm dứt chiến tranh, lập lại hoà bình ở Việt Nam”, gọi tắt là Hiệp định Paris về Việt Nam đã được ký kết. Hiệp định buộc Hoa kỳ phải thừa nhận độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam, rút hết quân Mỹ và quân đồng minh ra khỏi miền Nam Việt Nam, tạo tiền đề cho đại thắng Mùa Xuân 1975, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
Do liên tiếp bị thất bại nặng nề ở cả hai miền Nam - Bắc Việt Nam, nhất là sau cuộc Tổng tiến công Tết Mậu Thân 1968, Mỹ buộc phải chấm dứt chiến tranh phá hoại miền Bắc, thực hiện hội nghị đàm phán với đại diện của Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hoà (ngày 13/5/1968). Đến ngày 25 tháng 1 năm 1969, Hội nghị bốn bên gồm đại diện của Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam, Hoa Kỳ và Việt Nam Cộng hòa chính thức họp phiên đầu tiên. Trải qua nhiều phiên họp chung công khai, nhiều cuộc tiếp xúc riêng, lập trường của bốn bên, mà thực chất là của hai bên (Việt Nam và Mỹ) luôn mâu thuẫn, khác xa nhau khiến cho cuộc đàm phán diễn ra gay gắt, nhiều lúc phải gián đoạn thương lượng. Trong thời gian này, trên chiến trường cả hai bên Việt Nam và Mỹ đều tìm mọi cách giành thắng lợi quyết định về quân sự để thay đổi cục diện chiến trường, lấy đó làm áp lực cho mọi giải pháp chấm dứt chiến tranh trên thế mạnh mà cả hai phía đang giành giật trên bàn đàm phán nhưng chưa đạt kết quả.
Đầu tháng 10 năm 1972, khi Mỹ chuẩn bị bước vào cuộc bầu cử tổng thống, bản dự thảo Hiệp định Paris được hoàn tất và các bên đã thỏa thuận ngày ký chính thức. Tuy nhiên, Mỹ đã gây sức ép bằng cách mở cuộc tập kích bằng máy bay B52 vào Hà Nội và Hải Phòng cuối năm 1972 để buộc Việt Nam phải nhân nhượng. Nhưng với sự lãnh đạo tài tình của Đảng Cộng sản Việt Nam và sự đoàn kết của nhân dân cả nước, nhân dân ta đã đánh bại âm mưu của kẻ thù, buộc Mỹ phải trở lại đàm phán và ký kết Hiệp định Paris ngày 27/1/1973.
Hiệp định Paris được ký kết là kết quả của cuộc đấu tranh lâu dài của nhân nhân Việt Nam trong suốt giai đoạn từ năm 1965 đến năm 1973 với ý chí bảo vệ độc lập chủ quyền của dân tộc và tinh thần đoàn kết quốc tế.
Hiệp định Paris là thắng lợi tổng hợp của cuộc đấu tranh trên các mặt trận quân sự, chính trị và ngoại giao; là đỉnh cao thắng lợi của mặt trận ngoại giao nước ta thời kỳ chống Mỹ cứu nước, là mốc son trong trang sử vàng của nền ngoại giao cách mạng Việt Nam; đánh dấu bước trưởng thành tột bậc của nền ngoại giao cách mạng thời đại Hồ Chí Minh.
Hiệp định Paris là bước ngoặt lịch sử, khẳng định bản lĩnh, trí tuệ và sự lãnh đạo đúng đắn sáng suốt của Đảng, phát huy cao độ thắng lợi trên các mặt trận ngoại giao, chính trị, quân sự, kết hợp thành công sức mạnh của dân tộc với sức mạnh thời đại, tạo ra thế và lực mới cho cuộc chiến đấu của dân tộc ta, tạo thế xoay chuyển có lợi cho cách mạng, đi đến Đại thắng mùa xuân 1975.
Hiệp định Paris là văn bản pháp lý quốc tế đầu tiên, toàn diện nhất, đầy đủ nhất ghi nhận các quyền cơ bản của Nhân dân Việt Nam; là sự công nhận chính thức của quốc tế đối với nền độc lập, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam.
Thắng lợi của Hiệp định Paris và việc Mỹ rút khỏi Việt Nam còn góp phần to lớn vào sự nghiệp giải phóng của Nhân dân Lào và Campuchia; góp phần mở ra một giai đoạn mới ở khu vực Đông Nam Á - giai đoạn hòa bình, ổn định, khép lại quá khứ, hướng đến xây dựng cộng đồng ASEAN.
Hiệp định Paris là sự minh chứng hùng hồn cho chân lý “đại nghĩa thắng hung tàn, chí nhân thay cường bạo”, củng cố niềm tin của Nhân dân yêu chuộng hòa bình và các dân tộc bị áp bức trên toàn thế giới vào sự nghiệp đấu tranh chính nghĩa của mình. Hiệp định Paris đã đi vào lịch sử của cuộc đấu tranh chung của nhân dân thế giới vì độc lập, tự do; vì hòa bình, công lý.
Kỷ niệm 50 năm ngày Hiệp định Paris được ký kết là dịp để chúng ta tưởng nhớ và bày tỏ lòng biết ơn đối với sự hy sinh của biết bao đồng bào và chiến sỹ cả nước, biết ơn Đảng và Bác Hồ vĩ đại, tri ân các thế hệ cha, anh đã trực tiếp làm nên thắng lợi vẻ vang của nền ngoại giao Việt Nam nói riêng, của cách mạng Việt Nam nói chung. Qua đó, khơi dậy tinh thần yêu nước, ý chí tự lực, tự cường, ra sức thi đua học tập, lao động, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, xây dựng, phát triển đất nước Việt Nam phồn vinh, hạnh phúc.
Ngô Văn An – Phòng CTCT&SV