Cách mạng Tháng Mười Nga đã trải qua hơn trăm năm, đây là thời gian đủ để chúng ta có thể đánh giá khách quan, khoa học về vai trò, ý nghĩa và sự tác động của nó, đặc biệt là sau những biến cố lịch sử diễn ra vào cuối thế kỷ XX và xu hướng vận động của thế giới hiện đại.
Bước chuyển biến lịch sử nước Nga năm 1917 đánh dấu vị trí của giai cấp công nhân và nhân dân lao động Nga, dưới sự lãnh đạo của Đảng Bôn-sê-vic đã làm nên cuộc cách mạng xã hội chủ nghĩa đầu tiên trên thế giới. Những mâu thuẫn trong lòng xã hội và dân tộc của xã hội Nga trong những năm đầu thế kỷ XX cùng những hậu quả nặng nề của cuộc chiến tranh thế giới lần thứ nhất đã đưa nước Nga đến đỉnh cao của cách mạng, hệ quả tất yếu chính là lật đổ ách thống trị của giai cấp địa chủ và tư bản Nga, đáp ứng khát vọng ruộng đất, khát vọng hòa bình, chấm dứt chiến tranh của nông dân, công nhân và binh lính nước Nga.
Cách mạng Tháng Mười Nga thắng lợi đã mở ra kỷ nguyên mới đó là giải phóng giai cấp và giải phỏng con người, lập ra nhà nước Nga xô-viết - nhà nước công nông đầu tiên trên thế giới, xây dựng một chế độ xã hội mới do nhân dân lao động làm chủ. Ngay sau khi giành được chính quyền, Chính phủ công - nông - binh do V.I. Lênin đứng đầu. Các chính sách này đã thể hiện tính triệt để của cuộc cách mạng, sự hiện thực hóa tính nhân bản, cao đẹp của lý tưởng Cách mạng Xã hội chủ nghĩa.
Cách mạng tháng Mười Nga đã tác động to lớn, sâu sắc đối với sự phát triển của phong trào cách mạng thế giới, phong trào cộng sản và công nhân quốc tế. Thắng lợi của cuộc cách mạng này không chỉ là sự cổ vũ, động viên, khích lệ tinh thần đấu tranh cho giai cấp vô sản, cho các dân tộc bị áp bức trên thế giới mà còn vạch ra cách thức để giai cấp vô sản thực hiện thành công cuộc cách mạng giành chính quyền, giải phóng khỏi sự áp bức, bao gồm cả áp bức dân tộc và áp bức giai cấp. Sự đời của nhà nước xô-viết đầu tiên trên thế giới, Cách mạng Tháng Mười Nga đã xây dựng được mô hình nhà nước kiểu mới sau khi giai cấp vô sản giành được chính quyền.
Cách mạng Tháng Mười Nga đã khơi dậy sức mạnh của nhân dân Xô-viết đứng lên bảo vệ chính quyền công - nông non trẻ trước sự chống phá của các thế lực phản động trong nước, cùng sự can thiệp vũ trang của các nước đế quốc trong những năm 1917 - 1921. Chính quyền xô - viết đã vượt qua được thử thách khó khăn này nhưng đồng thời đứng trước những thách thức mới.
Chiến tranh thế giới thứ hai bùng nổ, Liên Xô bị tấn công. Trong cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại, để bảo vệ thành quả mà Cách mạng Tháng Mười mang lại, người dân Liên Xô đã chịu những hy sinh mất mát vô cùng to lớn. Trong cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc của mình, nhân dân Liên Xô đã góp phần rất quan trọng, trở thành lực lượng quyết định nhất cứu loài người khỏi thảm họa của chủ nghĩa phát xít. Sự ra đời của các nước xã hội chủ nghĩa ở Đông Âu sau chiến tranh thế giới thứ hai và những thành tựu to lớn của nhân dân Liên Xô đạt được trong công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội đã thức tỉnh hàng triệu triệu người bị áp bức, bóc lột trên toàn thế gới vùng lên đấu tranh giành độc lập, tự do, làm cho hệ thống thuộc địa rộng lớn của chủ nghĩa thực dân cũ sụp đổ, dẫn tới thắng lợi của phong trào giải phóng dân tộc ở nhiều nước trên các lục địa Á, Phi và Mỹ La-tinh trong thế kỷ XX; bản đồ thế giới được vẽ lại. Đồng thời, thúc đẩy sự lớn mạnh của phong trào đấu tranh của giai cấp công nhân ngay trong lòng các nước tư bản phương Tây.
Chính sự phát triển của các nước xã hội chủ nghĩa và những giá trị nhân văn, nhân đạo mà chế độ đã mang lại cho người dân là một nhân tố quan trọng khiến chủ nghĩa tư bản buộc phải tự điều chỉnh và thay đổi. Những quyền dân sinh, dân chủ, quyền con người... mà nhân dân lao động tại các nước tư bản đấu tranh giành được chính là do sự ảnh hưởng to lớn của Cách mạng Tháng Mười Nga và sự phát triển của hệ thống các nước xã hội chủ nghĩa.
Đối với cách mạng Việt Nam thì Cách mạng Tháng Mười Nga vĩ đại đã có ảnh hưởng trực tiếp tới sự nghiệp giải phóng dân tộc Việt Nam. Cách mạng Tháng Mười Nga, trước tiên đã ảnh hưởng trực tiếp và sâu sắc tới Nguyễn Ái Quốc - người thanh niên Việt Nam yêu nước đã tìm thấy con đường cứu nước, giải phóng dân tộc khỏi ách đô hộ của thực dân Pháp. Khi Nguyễn Ái Quốc được tiếp cận với Luận cương của V.I. Lênin “Về vấn đề dân tộc và vấn đề thuộc địa” khi còn ở Pháp. Chính từ trong bản luận cương này Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh đã tìm ra con đường cứu nước, giải phóng cho dân tộc Việt Nam. Điều đó được thể hiện rõ trong tác phẩm “Đường Kách mệnh” (năm 1927) của Người. Trong tác phẩm này, Người khẳng định: “Chỉ có đi theo con đường Cách mạng Tháng Mười - con đường duy nhất đúng đắn - cách mạng Việt Nam mới giành được độc lập, tự do thực sự.
Cách mạng Tháng Mười Nga như là chân lý khoa học của chủ nghĩa Mác - Lênin, những bài học kinh nghiệm của cuộc cách mạng vĩ đại này về nghệ thuật đấu tranh giành và giữ chính quyền,… được Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh vận dụng và phát triển sáng tạo vào điều kiện cụ thể của Việt Nam, đưa cách mạng nước ta vượt qua nhiều khó khăn, liên tục giành được những thắng lợi to lớn. Từ đó mà Hồ Chí Minh đã chỉ ra cách thức và phương pháp cho cách mạng Việt Nam như sau:
Một là, cách mạng giải phóng dân tộc muốn thắng lợi phải do đảng của giai cấp công nhân lãnh đạo. Vai trò lãnh đạo của Đảng được V.I. Lênin vận dụng rất thành công trong Cách mạng Tháng Mười Nga. Nguyễn Ái Quốc khẳng định, muốn giải phóng dân tộc thành công: “cần có sự lãnh đạo của một đảng cách mạng chân chính của giai cấp công nhân, toàn tâm toàn ý phục vụ nhân dân. Chỉ có sự lãnh đạo của một đảng biết vận dụng một cách sáng tạo chủ nghĩa Mác – Lênin vào điều kiện cụ thể của nước mình thì mới có thể đưa cách mạng giải phóng dân tộc đến thắng lợi và cách mạng xã hội chủ nghĩa đến thành công”. Trong tác phẩm “Đường Kách mệnh”, Nguyễn Ái Quốc đã chỉ rõ mục tiêu, vai trò và nhiệm vụ của một đảng cách mạng: “Trước hết phải có đảng cách mệnh, để trong thì vận động và tổ chức dân chúng, ngoài thì liên lạc với dân tộc bị áp bức và vô sản giai cấp mọi nơi. Đảng có vững cách mệnh mới thành công, cũng như người cầm lái có vững thuyền mới chạy. Đảng muốn vững thì phải có chủ nghĩa làm cốt, trong đảng ai cũng phải hiểu, ai cũng phải theo chủ nghĩa ấy. Đảng mà không có chủ nghĩa cũng như người không có trí khôn, tàu không có bàn chỉ nam”.
Hai là, “cách mạng là sự nghiệp của quần chúng”. Nguyễn Ái Quốc luôn khẳng định đoàn kết là một truyền thống quý báu của dân tộc Việt Nam, cần vận động tập hợp rộng rãi các tầng lớp nhân dân đứng lên chống thực dân đế quốc, giải phóng dân tộc. Do đó, Người đã chủ trương “Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết”, “Thành công, thành công, đại thành công”, với nhiều tầng đoàn kết: đoàn kết trong Đảng, đoàn kết toàn dân và đoàn kết quốc tế. Đảng phải chú trọng xây dựng Mặt trận dân tộc thống nhất, trong đó tập hợp rộng rãi các tầng lớp xã hội, các giới đồng bào, các dân tộc và tôn giáo,… để huy động sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc. Lực lượng giai cấp, dân tộc được tập hợp và phát huy sức mạnh trong các đoàn thể cứu quốc, trong Mặt trận Việt Minh, tạo dựng an toàn khu, chiến khu để vừa bảo vệ Đảng, vừa tổ chức và phát triển các đơn vị vũ trang và đội quân chính trị. Tất cả những yếu tố đó tạo nên nguồn lực mạnh mẽ tiến hành khởi nghĩa từng phần, tiến tới tổng khởi nghĩa giành chính quyền vào ngày 19/8/1945. Sức mạnh của quần chúng có được nhờ phát huy dân chủ rộng rãi, đặc biệt trong điều kiện đã giành được chính quyền, thông qua cả hình thức dân chủ đại diện và dân chủ trực tiếp, nhằm tạo cơ sở xã hội vững chắc cho bảo vệ chính quyền non trẻ.
Ba là, Tự lự cánh sinh, chủ động sáng tạo và tranh thủ thời cơ từ sức mạnh quốc tế. Chiến thắng của Hồng quân Liên Xô và quân đồng minh trên chiến trường châu Âu đánh bại phát xít Đức, quân đồng minh tiến hành phản công trên Mặt trận châu Á - Thái Bình Dương đã tạo thời cơ để nhân dân Việt Nam tiến hành thắng lợi tổng khởi nghĩa giành độc lập. Đó là một cuộc cách mạng tự giải phóng bằng chính nội lực cách mạng dân tộc Việt Nam; kết quả của nghệ thuật tạo lực, lập thế, tranh thời đúng đắn và sáng tạo của Đảng. Cách mạng Tháng Tám thành công, Nhà nước Việt Nam dân chủ cộng hòa ra đời đã bắt tay vào xây dựng một chế độ xã hội.
Với Việt Nam, trước những tổn thất của chủ nghĩa xã hội hiện thực trong thế kỷ XX không làm suy giảm ý nghĩa lịch sử to lớn và lý tưởng cao đẹp của Cách mạng Tháng Mười. Những lý tưởng cao đẹp của Cách mạng Tháng Mười, như độc lập dân tộc, tự do cho nhân dân, hòa bình, dân chủ, bình đẳng, bác ái cho mọi người, xóa bỏ áp bức, bóc lột, xóa nghèo nàn, lạc hậu, phân biệt chủng tộc... Đây là những giá trị mà hiện nay nhân loại đang tiếp tục theo đuổi và hướng tới trong đó có cách mạng Việt Nam. Lý tưởng Cách mạng Tháng Mười mãi mãi soi rọi cho nhân loại trên con đường đấu tranh vì một thế giới hòa bình, công bằng, dân chủ, bình đẳng và tiến bộ và Việt Nam sẽ tiếp bước vững chắc trên con đường đã lựa chọn và làm rạng danh lý tưởng của cách mạng tháng Mười Nga vĩ đại.
Nguyễn Hữu Tâm - Khoa KH Xã hội và Nhân văn